Mở Đường Cho Khoai Lang Xuất Ngoại
Nhằm tháo gỡ tình trạng giá khoai lang luôn bấp bênh và quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Trường ĐH Cần Thơ vừa phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo “Giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ khoai lang”.
Nhiều rủi ro và cạm bẫy
Năm 2012, nông dân tỉnh Vĩnh Long xuống giống khoai lang tăng đột biến với tổng diện tích lên tới 10.000ha, tăng 40% so với năm 2011. Khi diện tích khoai lang tăng, ngay lập tức giá khoai giảm xuống rất thấp, có lúc chỉ còn 180.000 đồng/tạ, làm nông dân điêu đứng.
Ông Nguyễn Văn Tâm - người có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng khoai lang ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân cho biết: “Đầu năm, giá khoai lang tím Nhật Bản tới 800.000 đồng/tạ, nên nông dân chúng tôi mới đổ xô trồng. Nhưng chỉ được một thời gian, giá giảm còn 280.000 đồng/tạ, khiến nông dân bị lỗ tới 50 triệu đồng/ha”.
Ông Tâm còn cho biết: “Trồng khoai lang bây giờ quá bấp bênh với rất nhiều rủi ro từ dịch bệnh đến giá cả. Trong đó, rủi ro lớn nhất là đầu ra không ổn định, do phụ thuộc vào thị trường duy nhất là Trung Quốc”.
Việc nông dân đồng loạt mở rộng diện tích khoai lang đã phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long. Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh này cho biết: “Theo quy hoạch, đến năm 2015, diện tích khoai lang toàn tỉnh Vĩnh Long là 10.000ha. Tuy nhiên, do khoai lang có giá nên nông dân đổ xô trồng nên đến nay diện tích đã đạt gần 10.000ha. Khi nông dân ồ ạt thu hoạch, thương lái đã lợi dụng vào điểm này để ép giá, khiến nông dân lỗ nặng”. Ngoài ra, việc nông dân từ chỗ sản xuất theo mô hình luân canh lúa - khoai, đã chuyển hẳn sang chuyên canh khoai lang, làm phát sinh dịch bệnh, phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, gây ô nhiễm môi trường...
TS Nguyễn Ngọc Đệ - khoa Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng: “Sản xuất khoai lang trong thời gian qua có quá nhiều rủi ro và cạm bẫy. Bởi thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào đầu mối nước ngoài và không ràng buộc pháp lý trong giao dịch mua bán”. Theo ông Đệ, khoai lang đều xuất bán dưới dạng thô và lệ thuộc vào thương lái Trung Quốc, nên khi lượng khoai thu hoạch, nhiều thương lái hạn chế thu mua hoặc hạ giá, lập tức người dân sẽ bị thiệt hại.
Còn nhiều thị trường tiềm năng
TS Từ Văn Bình - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Hiện nay có đến 150 quốc gia trồng khoai lang và nhiều nước nhập khẩu khoai lang. Rất nhiều thị trường ở châu Á, các nước Mỹ, Canada, Australia... tiêu thụ một lượng lớn khoai lang. Do đó, chúng ta cần khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu để tạo đầu ra ổn định cho củ khoai lang và không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như thời gian qua”.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT cần có dự báo thị trường khoai lang, nhất là ở Trung Quốc. Từ đó, chỉ đạo việc sản xuất khoai lang trong nước thông qua quy hoạch. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, giúp người dân an tâm sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho khoai lang.
Do khó khăn trong xuất khẩu, gần đây, các doanh nghiệp, HTX trồng và kinh doanh khoai lang đã bắt đầu chú ý tới thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu ở châu Á.
Ông Sơn Văn Luận - Chủ nhiệm HTX Khoai lang Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Mới đây, chúng tôi đã ký hợp đồng tiêu thụ khoai lang với các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và miền Trung.
Đồng thời, HTX cũng cung ứng cho thị trường Malaysia 40 tấn/tuần, thị trường Hongkong và Singapore khoảng 10 tấn/tuần. Trong thời gian tới, doanh nghiệp nhập khẩu ở những thị trường này sẽ ký hợp đồng dài hạn và số lượng lớn. Khi tiêu thụ được ở nhiều thị trường thì hy vọng giá khoai lang sẽ ổn định và thoát khỏi cảnh bấp bệnh, được mùa mất giá”.
Có thể bạn quan tâm
Ban chỉ đạo điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu vừa thông báo lịch điều tiết nước 15 ngày đầu tháng 5. Việc mở, đóng cống ở vùng mặn và vùng ngọt nhằm trữ nước ngọt phục vụ sản xuất lúa hè thu, bảo đảm nước mặn cho vùng nuôi tôm phía Bắc Quốc lộ 1A.
Hộ nuôi tôm ở huyện Tuy An (Phú Yên) gặp nhiều khó khăn khi tôm nuôi bị dịch bệnh trên diện rộng. Các cơ quan chuyên môn ở huyện Tuy An cho biết, tình trạng dịch bệnh xảy ra gây hại trên tôm nuôi vụ I/2015 ở địa phương này đã và đang diễn biến khá phức tạp.
Hiện sản lượng đánh bắt thủy sản của Quảng Ngãi đã lên tới 4.000-5.000 tấn, đạt được khoảng 40% kế hoạch đánh bắt cả năm. Thời điểm này, những đoàn tàu đánh cá xa bờ của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trở về sau hàng tháng trời khai thác trên biển khơi. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên bà con ngư dân đánh bắt được nhiều loại thủy sản, giá bán cao.
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận tại Công văn số 781/SNN-TS ngày 14/4/2015 về việc đề nghị cấm nghề cào Banh lông trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau:
Không tham vọng xây dựng trang trại bò cả trăm nghìn con như của Hoàng Anh Gia Lai hay Vinamilk, Bí thư Hà Nam cho biết mỗi hộ nuôi bò của tỉnh sẽ là một doanh nghiệp sở hữu khoảng 50 con trong mỗi “biệt thự”.