Trồng Nấm Rơm Trên Mùn Cưa Ở Đà Nẵng

Đây là mô hình sản xuất mới không chỉ giúp cho sản phẩm sạch sẽ, an toàn và có giá trị dinh dưỡng, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nghề.
Nói đến sản xuất nấm rơm trên mùn cưa có hiệu quả nhất phải kể đến gia đình chị Vũ Thị Kim Liên (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà - Đà Nẵng). Đến nhà chị, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi quy mô mà chị đã đầu tư cho trang trại nấm của mình, khi nhìn khoảng 7.000 bịch nấm rơm đang vào kỳ thu hoạch. Với mỗi ngày xuất bán, chị thu về từ 300 - 500 nghìn đồng, trừ các khoản chi phí, tính ra mỗi năm lãi khoảng 140 - 150 triệu đồng.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm đạt hiệu quả cao, chị Liên cho biết: Bí quyết nằm ở cách pha trộn nguyên liệu. Sử dụng rơm, rạ trộn với mùn cưa giúp kéo dài thời gian thu hoạch nấm thêm 2 - 3 lứa/vụ trồng. Khi trồng nấm rơm, chị pha trộn một số phụ phẩm khác là bột bắp, cám, bột nổi với tỷ lệ thích hợp. Để trồng nấm rơm trên mùn cưa, phải lấy mùn cưa từ cây gỗ tạp, không có chất dầu mới có thể hút độ ẩm. Mùn cưa trước khi sử dụng phải được phơi khô, sàng lọc. Khâu tiếp theo là trộn mùn cưa với nước vôi hoặc vôi bột ủ khoảng 1 tuần.
Mùn cưa sau khi xử lý sẽ được vớt ra, trộn với phụ phẩm tạo đủ độ ẩm để đóng bịch, sau đó đưa ra cấy giống. Sau khi cấy nấm, túi nilon phải được cột chặt miệng, treo thành chùm trên giàn. Khoảng 3 ngày sau sợi nấm sẽ mọc lan ra trong mỗi bịch. Thời điểm bịch nấm trắng toát như bông, dùng dao lam rạch 3 - 4 đường xung quanh bịch để sau vài ngày, nấm sẽ mọc ra. Khi nấm nhô lên 2 - 3cm là có thể thu hoạch, sau đó lại tiếp tục rạch các vết khác cho đợt thu hoạch tiếp theo.
Chị Liên nhận định, trồng nấm rơm trên mùn cưa cho năng suất hơn trồng nấm rơm trên rơm. Nấm rơm trên rơm thời gian ủ dài nhưng lại cho thu hoạch ngắn, chỉ khoảng 2 tuần. Còn trồng nấm rơm trên mùn cưa thời gian ủ ngắn nhưng lại cho thu hoạch lâu hơn, khoảng từ 4 - 5 tháng. Để có nấm thu hoạch đều trong suốt vụ, phải trồng gối đầu theo chu kỳ thời gian. Cách trồng nấm của chị Liên đã đem lại năng suất cao gấp 3 lần so với trồng thông thường. Trong các siêu thị BigC, Co.opMart và nhiều chợ trên địa bàn đều có sản phẩm nấm của chị Liên.
Mô hình trồng nấm của gia đình chị Liên đã mở ra hướng làm ăn mới cho người dân địa phương. Ông Bùi Tấn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thọ Quang cho biết: “Hội Nông dân phường đang tích cực tuyên truyền tới tất cả các hội viên để mở rộng mô hình trồng nấm trên mùn cưa, nhằm tạo bước phát triển mới, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, trại trồng nấm rơm của chị Liên được xem là mô hình thí điểm”.
Có thể bạn quan tâm

Nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến nhiều cánh đồng lúa non bị khô hạn nghiêm trọng, không ít diện tích lúa bị cháy rụi…

Tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), đang diễn ra tình trạng phá mía đào ao nuôi tôm rầm rộ. Theo số liệu của ngành Nông nghiệp, thị trấn Long Phú là một trong 3 địa phương có diện tích trồng mía lớn của huyện Long Phú với diện tích trên 200ha…

Phát triển “nóng” hoạt động chế biến, kinh doanh trong khi diện tích vườn trồng ngày càng giảm, năng suất thấp, khiến ngành điều ngày càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Thấy dịch tai xanh và bệnh lở mồm long móng hay bùng phát nên vợ chồng anh Bảy Chiêm Sơn ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) không dám nuôi heo, bò. Đầu tháng 1 dương lịch vừa rồi, anh Bảy mua 1.000 vịt con về thả nuôi thịt mong kiếm thêm nguồn thu nhập. Nuôi được 2 tuần, lo sợ dịch cúm gia cầm gây hại, anh mua vắc xin tiêm phòng cho toàn bộ số vịt ấy.

Ở thủ phủ cây điều Bình Phước thì Thạch Don không phải là người có nhiều đất. Gia đình anh hiện có 11ha đất, trong đó đã có 3ha cao su, vậy mà bình quân mỗi năm vẫn thu hơn 20 tấn điều nhân.