Mô Hình Trồng Tiêu Sạch Ở Vĩnh Kim (Quảng Trị)
Hiện nay, sản phẩm hồ tiêu bán được giá trên thị trường đang thu hút nông dân quay trở lại trồng mới và chăm sóc phục hồi vườn tiêu. Tuy nhiên, trong những năm qua tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp gây thiệt hại nhiều cho người trồng tiêu. Việc xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững cây hồ tiêu phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của địa phương đang là vấn đề quan tâm của các cấp chính quyền trong vùng có khả năng trồng tiêu và ngành chuyên môn. Là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chất đất nên phát triển các mô hình trồng tiêu sạch có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện tình hình bệnh trên cây tiêu tràn lan.
Vĩnh Kim là địa phương nằm ở vùng đất đỏ bazan phía Đông của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp dài ngày, trong đó có cây hồ tiêu. Cây hồ tiêu đã được phát triển ở Vĩnh Kim từ lâu đời song những năm gần đây nông dân Vĩnh Kim bỏ bê không chăm sóc do hạt tiêu xuống giá. Vì vậy, phần lớn vườn tiêu bị già cỗi, kém chất lượng, nhiễm bệnh, việc tái canh ít diễn ra, người dân không mặn mà với cây tiêu. Khoảng 3 năm trở lại đây, khi giá hồ tiêu tăng cao, chính quyền xã Vĩnh Kim khuyến khích nông dân đầu tư tái canh cây hồ tiêu theo mô hình trồng tiêu sạch nhằm hướng đến việc phát triển loại cây trồng này một cách ổn định và bền vững.
Toàn xã Vĩnh Kim hiện trồng mới khoảng 3 ha tiêu. Mô hình trồng tiêu sạch ở Vĩnh Kim được thực hiện theo quy trình chăm sóc bằng phương pháp sinh học. Nông dân chỉ là sử dụng phân xanh, phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây tiêu khi mới trồng. Các loại phân hóa học hầu như ít được sử dụng trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, nhờ vậy, đã tạo cho đất tơi xốp, nhiều vi sinh có lợi phát triển giúp cải tạo môi trường sống trong đất, làm hệ sinh thái trong đất phát triển phong phú hơn giúp cây tiêu phát triển tốt. Đến khi tiêu cho trái, mới bón thêm một ít phân vô cơ để hỗ trợ cho cây nuôi trái.
Là một trong hơn 30 hộ trồng mới vườn tiêu theo phương pháp sinh học ở xã Vĩnh Kim, gia đình ông Nguyễn Đình Quý, thôn Đông Tây hiện đang có 5 sào tiêu được ông chăm bón theo phương pháp mới, trong đó có 3 sào tiêu cũ chăm sóc phục hồi và 2 sào tiêu trồng mới. Ông Quý cho biết: “Gia đình tôi chọn cây hồ tiêu làm cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế vườn. Tôi được tập huấn cách trồng và chăm sóc tiêu theo phương pháp sinh học nên áp dụng tốt vào thực tế. Trước hết, phải chọn giống tốt, choái lớn, bón phân chuồng hoai mục là chủ yếu, thường xuyên tưới nước về mùa hè để giữ độ ẩm và vun gốc cao để tránh nước đọng về mùa mưa. Tuyệt đối không cho nước ứ đọng trong vườn tiêu để tránh phát sinh các loại ký sinh trùng làm tiêu nhiễm bệnh”.
Không chỉ riêng gia đình ông Quý mà cả hơn 30 hộ nông dân Vĩnh Kim trồng mới vườn tiêu đều áp dụng đúng các biện pháp canh tác sinh học, trong đó các vườn có quy mô 50 gốc trở lên. Nhờ vậy, cây tiêu ít bị sâu bệnh và sinh trưởng tốt. Phong trào trồng mới hoặc tái canh vườn tiêu đang phát triển mạnh trên địa bàn xã Vĩnh Kim. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng, các hội nghề nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, đặc biệt là các kỹ thuật mới trong trồng và chăm sóc vườn tiêu như ICM, kỹ thuật canh tác sinh học... nhờ vậy, các vườn tiêu đều được trồng mới một cách bài bản, bà con truyền đạt, trao đổi kinh nghiệm cho nhau để nhân rộng mô hình.
Huyện Vĩnh Linh cũng triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân lập mới hoặc tái canh vườn tiêu. Do đó, nông dân đã có đủ thực lực để phát triển cây tiêu một cách bền vững. Điều đáng chú ý là được sự hỗ trợ về kỹ thuật của ngành chuyên môn, sự động viên, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nông dân Vĩnh Kim đã biết tự vươn lên học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật và những phương thức sản xuất mới để đảm bảo hiệu quả đi đôi với chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Từ thành công của mô hình sản xuất tiêu sạch, hiện xã Vĩnh Kim đang vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất canh tác một số loại cây hiệu quả thấp sang phát triển cây tiêu, đồng thời động viên nhân dân tập trung vào những loại cây có giá trị kinh tế cao, không nên bỏ vườn tiêu lúc sản phẩm xuống giá bởi việc tăng giảm giá nông sản là chuyện bình thường. Việc chú trọng sản xuất tiêu theo hướng bền vững của nông dân xã Vĩnh Kim là hướng đi đúng đắn, từ đó có thể nhân rộng phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác tiêu ra toàn huyện, toàn tỉnh, để tiếp tục giữ vững thương hiệu sản phẩm tiêu Quảng Trị vốn đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý ngày càng thơm ngon hơn hấp dẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm hỗ trợ nông dân cải thiện thu nhập, Hội ND huyện đã phát động phong trào cải tạo vườn tạp; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hộ, trong đó có mô hình nuôi ếch ở xã Long Thạnh.
Đến ấp 7, xã Vị Tân, TP.Vị Thanh (Hậu Giang) hỏi ông Danh Bình ai cũng biết, bởi ông nổi tiếng khắp vùng là một nông dân người dân tộc chịu thương chịu khó. Nhờ tính cần cù và năng động trong sản xuất, mỗi năm ông Bình thu lãi trên 300 triệu đồng.
Thời gian qua, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Hỗ trợ nông dân (ND) thuộc Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã phát huy được hiệu quả hoạt động, góp phần giúp ND phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Hỗ trợ nông dân (ND) thuộc Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã phát huy được hiệu quả hoạt động, góp phần giúp ND phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Qua sách, báo và các phương tiện truyền thông, anh Bùi Trọng Vinh ở xóm Quang Nhân, xã Quang Thành, huyện Yên Thành đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi rắn hổ trâu, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế.