Mô Hình Trồng Tiêu Sạch Ở Vĩnh Kim (Quảng Trị)

Hiện nay, sản phẩm hồ tiêu bán được giá trên thị trường đang thu hút nông dân quay trở lại trồng mới và chăm sóc phục hồi vườn tiêu. Tuy nhiên, trong những năm qua tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp gây thiệt hại nhiều cho người trồng tiêu. Việc xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững cây hồ tiêu phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của địa phương đang là vấn đề quan tâm của các cấp chính quyền trong vùng có khả năng trồng tiêu và ngành chuyên môn. Là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chất đất nên phát triển các mô hình trồng tiêu sạch có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện tình hình bệnh trên cây tiêu tràn lan.
Vĩnh Kim là địa phương nằm ở vùng đất đỏ bazan phía Đông của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp dài ngày, trong đó có cây hồ tiêu. Cây hồ tiêu đã được phát triển ở Vĩnh Kim từ lâu đời song những năm gần đây nông dân Vĩnh Kim bỏ bê không chăm sóc do hạt tiêu xuống giá. Vì vậy, phần lớn vườn tiêu bị già cỗi, kém chất lượng, nhiễm bệnh, việc tái canh ít diễn ra, người dân không mặn mà với cây tiêu. Khoảng 3 năm trở lại đây, khi giá hồ tiêu tăng cao, chính quyền xã Vĩnh Kim khuyến khích nông dân đầu tư tái canh cây hồ tiêu theo mô hình trồng tiêu sạch nhằm hướng đến việc phát triển loại cây trồng này một cách ổn định và bền vững.
Toàn xã Vĩnh Kim hiện trồng mới khoảng 3 ha tiêu. Mô hình trồng tiêu sạch ở Vĩnh Kim được thực hiện theo quy trình chăm sóc bằng phương pháp sinh học. Nông dân chỉ là sử dụng phân xanh, phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây tiêu khi mới trồng. Các loại phân hóa học hầu như ít được sử dụng trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, nhờ vậy, đã tạo cho đất tơi xốp, nhiều vi sinh có lợi phát triển giúp cải tạo môi trường sống trong đất, làm hệ sinh thái trong đất phát triển phong phú hơn giúp cây tiêu phát triển tốt. Đến khi tiêu cho trái, mới bón thêm một ít phân vô cơ để hỗ trợ cho cây nuôi trái.
Là một trong hơn 30 hộ trồng mới vườn tiêu theo phương pháp sinh học ở xã Vĩnh Kim, gia đình ông Nguyễn Đình Quý, thôn Đông Tây hiện đang có 5 sào tiêu được ông chăm bón theo phương pháp mới, trong đó có 3 sào tiêu cũ chăm sóc phục hồi và 2 sào tiêu trồng mới. Ông Quý cho biết: “Gia đình tôi chọn cây hồ tiêu làm cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế vườn. Tôi được tập huấn cách trồng và chăm sóc tiêu theo phương pháp sinh học nên áp dụng tốt vào thực tế. Trước hết, phải chọn giống tốt, choái lớn, bón phân chuồng hoai mục là chủ yếu, thường xuyên tưới nước về mùa hè để giữ độ ẩm và vun gốc cao để tránh nước đọng về mùa mưa. Tuyệt đối không cho nước ứ đọng trong vườn tiêu để tránh phát sinh các loại ký sinh trùng làm tiêu nhiễm bệnh”.
Không chỉ riêng gia đình ông Quý mà cả hơn 30 hộ nông dân Vĩnh Kim trồng mới vườn tiêu đều áp dụng đúng các biện pháp canh tác sinh học, trong đó các vườn có quy mô 50 gốc trở lên. Nhờ vậy, cây tiêu ít bị sâu bệnh và sinh trưởng tốt. Phong trào trồng mới hoặc tái canh vườn tiêu đang phát triển mạnh trên địa bàn xã Vĩnh Kim. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng, các hội nghề nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, đặc biệt là các kỹ thuật mới trong trồng và chăm sóc vườn tiêu như ICM, kỹ thuật canh tác sinh học... nhờ vậy, các vườn tiêu đều được trồng mới một cách bài bản, bà con truyền đạt, trao đổi kinh nghiệm cho nhau để nhân rộng mô hình.
Huyện Vĩnh Linh cũng triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân lập mới hoặc tái canh vườn tiêu. Do đó, nông dân đã có đủ thực lực để phát triển cây tiêu một cách bền vững. Điều đáng chú ý là được sự hỗ trợ về kỹ thuật của ngành chuyên môn, sự động viên, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nông dân Vĩnh Kim đã biết tự vươn lên học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật và những phương thức sản xuất mới để đảm bảo hiệu quả đi đôi với chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Từ thành công của mô hình sản xuất tiêu sạch, hiện xã Vĩnh Kim đang vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất canh tác một số loại cây hiệu quả thấp sang phát triển cây tiêu, đồng thời động viên nhân dân tập trung vào những loại cây có giá trị kinh tế cao, không nên bỏ vườn tiêu lúc sản phẩm xuống giá bởi việc tăng giảm giá nông sản là chuyện bình thường. Việc chú trọng sản xuất tiêu theo hướng bền vững của nông dân xã Vĩnh Kim là hướng đi đúng đắn, từ đó có thể nhân rộng phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong canh tác tiêu ra toàn huyện, toàn tỉnh, để tiếp tục giữ vững thương hiệu sản phẩm tiêu Quảng Trị vốn đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý ngày càng thơm ngon hơn hấp dẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Related news

Diện tích chè của Hà Giang hiện có 20.305 ha, diện tích cho thu hoạch 16.932 ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 57.598 tấn. Ngành chè đã và đang mang lại đời sống, thu nhập cho hàng chục NGHÌN đồng bào. Tuy nhiên, khảo sát thực tiễn cho thấy đời sống của người làm chè hiện nay vẫn còn thấp, các mối liên kết còn bấp bênh. Rất cần một “cú hích” để ngành chè phát triển đúng với tiềm năng.

Tại hội nghị, tiến sỹ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi nhuyễn thể nói riêng đạt hiệu quả kinh tế cao phụ thuộc vào nguồn giống tốt và khoa học kỹ thuật tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của các tỉnh phía Bắc trong nuôi nhuyễn thể là nguồn giống trong nước sản xuất ra chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu con giống của ngư dân, phần còn lại phải nhập giống chủ yếu từ Trung Quốc nên khó kiểm soát chất lượng con giống.

Hiện giá ca cao tươi bán tại vườn đạt hơn 5.000 đồng/kg, hạt khô có giá 56.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, diện tích cây ca cao cho thu hoạch trong tỉnh hiện khoảng 1.000ha, năng suất bình quân khoảng 10 tấn hạt tươi/ha, tăng 20% so với cùng kỳ.

Mặc dù không phải là nghề chính, thế nhưng mùa ruốc biển (còn gọi là khuyết) năm nay, ngư dân các vùng bãi ngang Lệ Thủy (Quảng Bình) được cả mùa lẫn giá khiến cho nhiều người vô cùng phấn khởi. Khai thác ruốc biển đã mang lại khoản thu nhập không hề nhỏ cho những ngư dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Hòa bắt đầu nuôi ba ba từ năm 2000. Ban đầu, ông xây ao nuôi thử nghiệm 15 con ba ba giống nhưng do chưa biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên ba ba chết dần dần. Học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi ba ba ở các tỉnh khác và tự rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, trong vòng 4 năm ông Hòa đã ổn định được tay nghề và bắt đầu kiếm được thu nhập 100 triệu đồng/năm.