Mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cua biển cho hiệu quả bền vững
Theo Phòng NN & PTNT huyện Duyên Hải, từ đầu tháng 6 đến nay, hơn 6.000 hộ nuôi tôm sú kết hợp với cua biển trên diện tích hơn 8.000 ha đã thu hoạch dần cua biển, tôm sú đạt kích cỡ loại I, loại II, được hơn 10 tấn.
Vụ nuôi năm nay, người nuôi đã thu hoạch tôm sú, cua biển được hơn 75 triệu đồng trên diện tích 4ha, dự kiến đến cuối vụ sẽ đạt khoảng 150 triệu đồng nếu giá cua thương phẩm ở mức 150.000 - 200.000 đồng, tôm sú ở mức 160.000 - 180.000 đồng như hiện nay. Mô hình nuôi kết hợp này có ưu điểm là vốn đầu tư ít, mức rủi ro về dịch bệnh rất thấp, giúp nông dân sản xuất bền vững hơn.
Về kỹ thuật nuôi tôm sú kết hợp với cua biển, ngoài các kỹ thuật cơ bản áp dụng khi nuôi tôm sú bán thâm canh, người nuôi cần chú ý một số điểm sau:
- Ao nuôi có hệ thống gờ nổi bên trong hoặc cần đào rãnh xung quanh có gò ở giữa để cua có thể đào các hốc, hang trú ẩn. Cung cấp các chà cây làm chỗ ẩn nấp cho cua.
- Khi lấy nước vào ao, cần kiểm tra độ mặn để báo cho trại giống tôm, giống cua để các trại tiến hành hạ độ mặn, thuần dưỡng giống thích nghi với độ mặn nơi thả nuôi, tránh hiện tượng tôm, cua bị sốc độ mặn khi thả giống.
- Đối với ao nuôi, cần giăng vèo ương cua ngay trong ao. Vèo ương cua có 5 mặt: 4 mặt bên và mặt đáy; làm bằng lưới mịn, dày, xung quanh miệng vèo được may kèm với một lớp nhựa cao khoảng 30cm để tránh cua bò lên miệng vèo ra ngoài ao. Trong vèo bố trí các chà cây hoặc lưới giăng bên trong để làm chỗ cho cua con bám. Vèo được đặt ở góc ao, phần trên gió, cách bờ 2 - 3m để tiện chăm sóc cua ương.
- Thời điểm thả giống cua trong ao tôm sú (giống tôm sú thả nuôi cỡ P15): Nếu nuôi từ cua bột thì thả cùng lúc với giống tôm, nhưng cua được ương trong vèo khoảng 7 ngày trước khi bung vèo ra ao tôm sú (vèo ương nên đặt ngay trong ao tôm). Nếu nuôi từ cua hạt dưa thì giống cua được thả sau khi thả giống tôm 7 - 10 ngày. Nếu nuôi từ cua hạt me thì thả giống cua sau khi thả giống tôm 15 - 20 ngày.
- Mật độ thả nuôi: Tôm sú thả 12 - 15 con/m². Đối với cua hạt tiêu nên thả 1 - 1,5 con/m². Nếu thả cua hạt dưa thì thả khoảng 1 con/m², cua hạt me thì thả khoảng 0,5 con/m² (cua càng lớn mật độ thả càng thấp).
- Chăm sóc, cho ăn: Trong giai đoạn ương, có thể cho cua ăn cá tươi hấp chín tán nhuyễn trong vài ngày đầu, sau đó trộn cá hấp với thức ăn viên của tôm với tỉ lệ giảm dần cá hấp và tăng dần cám viên. Thường cua bột mới thả vào vèo, ngày đầu không cho ăn mà cho ăn ngay sáng hôm sau với khoảng 400 - 500g cá hấp/ngày, chia làm 4 lần. Sau đó cứ 3 ngày, tăng 20 - 30% lượng thức ăn. Sau 1 tuần ương, thấy cua nhanh nhẹn, khỏe mạnh là có thể thả ra ao cùng với tôm sú và sau đó cho ăn như tôm sú. Nếu 2 giờ sau khi cho tôm và cua ăn xong, thấy có hiện tượng cua bò quanh bờ, dưới mép nước gần bờ để kiếm ăn, cần tăng thêm thức ăn cho lần sau.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang tiến hành quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện, thủy lợi, cơ sở sản xuất tôm giống tại chỗ để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản vùng ngập mặn, ven biển hiệu quả và bền vững hơn.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo các hộ dân đang nuôi tôm bán công nghiệp, nếu không đủ nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì nên chuyển sang mô hình nuôi tôm quảng canh kết hợp nuôi cua biển, nuôi sò huyết... để đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng dịch bệnh ở tôm lây lan trên diện rộng.
Có thể bạn quan tâm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 4 vừa rồi, kế hoạch đề ra là XK 700 ngàn tấn gạo, nhưng các doanh nghiệp chỉ giao hàng được 536.806 tấn.
Vụ thu hoạch cuối năm 2013, tôm thẻ chân trắng trúng mùa, trúng giá khiến nhiều nông dân mở rộng diện tích nuôi. Nhưng chưa kịp mừng, người nuôi lại phải đối mặt với vụ thu hoạch thua lỗ vì giá tôm hiện đang rớt giá không phanh.
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, tỉnh Đồng Nai đã giao cho Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai phải tập trung cho vay vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, việc chủ động các phương án phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ngay từ cơ sở vẫn là nhiệm vụ quan trọng được các địa phương lưu tâm.
Nếu trước đây, đinh lăng chỉ được trồng để chơi kiểng hoặc làm rau ăn kèm thì hiện nay, tại nhiều địa phương trong cả nước, nó đã và đang được nhân rộng diện tích, phát triển theo hướng cây dược liệu. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhiều người cũng bắt đầu trồng thử nghiệm loại cây này với kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân.