Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cải tạo đất ở Điện Tiến (Điện Bàn) hướng đến cánh đồng mẫu lớn

Cải tạo đất ở Điện Tiến (Điện Bàn) hướng đến cánh đồng mẫu lớn
Ngày đăng: 21/07/2015

Ý kiến trái chiều

Theo phản ảnh từ chủ nhân số điện thoại 0988 798 xxx, hơn một tháng qua tại 2 khu vực là Đồng Tràm và Bàu Bạc (thôn 1 Châu Bí, Điện Tiến) đã diễn ra hoạt động khai thác đất ồ ạt trên diện tích vốn là đất trồng lúa của thôn. Theo phân tích của người này, việc khai thác đất với quy mô lớn tại đây sẽ gây tác hại đến quá trình canh tác lúa và phá hủy tầng đất nền làm cho đất lầy lún ảnh hưởng đến việc đưa cơ giới vào đồng ruộng. Ngoài ra, với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/sào là quá thấp, chưa nói để phục hồi lại độ màu mỡ của ruộng cũng cần thời gian rất dài… “Tôi xem báo chí thấy việc này không tốt và nhà nước cũng đã nghiêm cấm vì sẽ làm tầng đất nền thiếu gắn kết ảnh hưởng xấu đến cây lúa sau này…” - vị chủ nhân số điện thoại dẫn giải. Người phản ánh cũng cho rằng, việc người dân đồng tình cho cải tạo đất để lấy vài triệu đồng là chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không biết tác hại lâu dài, còn chính quyền ủng hộ vì thu được lệ phí khai thác từ việc cải tạo do khối lượng đất tận thu rất nhiều.

Là người có ruộng nằm trong diện cải tạo, ông Ngô Quốc Nhân (thôn 1 Châu Bí) bày tỏ, việc cải tạo tính ra không lợi vì để phục hồi lại độ mùn canh tác sau khi hoàn thổ cũng mất vài năm, nên những vụ đầu chắc chắn sẽ tốn nhiều phân bón. “Biết vậy nhưng phải chịu vì ai cũng đồng ý mình không từ chối được”, ông Nhân chia sẻ. Tuy vậy, theo ông Ngô Quốc Nga (cha ông Nhân), cái được của dự án là sau khi khai thác xong bên thi công sẽ hoàn thổ mặt bằng, phân lô lại từ đầu và bốc thăm theo kiểu liên cư liên địa nên thuận lợi cho việc canh tác. Nhà ông có khoảng 1,5 sào ruộng trồng lúa tại Đồng Tràm nhưng mỗi nơi một khoảnh lại nằm ở vị trí cao không giữ nước, bây giờ được cải tạo bằng phẳng sẽ giúp ông dễ canh tác đỡ phải đi lại lắt nhắt nên ông rất ủng hộ.

Ông Đoàn Ngọc Biên – Trưởng thôn 1 Châu Bí cho rằng, việc cải tạo khai thác đất là hoàn toàn minh bạch và có sự nhất trí cao của người dân cũng như sự cho phép của các cơ quan chức năng từ xã, thị xã đến tỉnh nhằm xóa những khoảnh ruộng bậc thang, cải tạo thành cánh đồng mẫu lớn. Theo phê duyệt, tổng diện tích được cải tạo tại 2 khu vực Bàu Bạc và Đồng Tràm là 8,17 hecta với 143 thửa, sau khi hoàn thành sẽ được phân thành 12 thửa lớn, tạo điều kiện cơ giới hóa, sắp xếp lại sản xuất. “Trong quá trình cải tạo đơn vị thi công đã làm rất tốt như giữ lại tầng mặt đất dày 30cm để phủ lên ruộng sau khi trả lại mặt bằng cho đất vẫn có độ mùn. Nếu anh không tin thì tôi sẽ dẫn vô từng hộ, cần thiết tôi sẽ họp dân để anh trao đổi lấy ý kiến” - ông Biên quả quyết.

Hướng đến cánh đồng mẫu lớn

Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Tiến khẳng định, dự án cải tạo đất tại 2 khu vực đồng Tràm và Bàu Bạc là chủ trương đúng vì đất nơi đây chủ yếu là thửa nhỏ manh mún, treo nước, tầng canh tác thấp nên việc thực hiện chỉnh trang là cần thiết nhằm hướng đến dồn điền đổi thửa theo cánh đồng mẫu lớn. Do đó, khi thực hiện, đã nhận được sự nhất trí cao của người dân cũng như sự cho phép của thị xã, tỉnh. Ông Thanh thông tin: “Thời gian qua Điện Tiến đã thực hiện nhiều khu vực, kết quả năng suất lúa đã nâng 20 – 30 ang/ sào lên đến 52 tạ/mẫu, chưa nói kênh mương, đường sá đã được mở rộng nên bà con rất phấn khởi”. Ông Thanh cũng cho rằng, số tiền người dân nhận trên mỗi sào ruộng không phải tiền đền bù mà chỉ hỗ trợ phân bón nên không thể nói là ít hay nhiều. Ngoài ra, quá trình cải tạo đều được tổ giám sát của xã và ban giám sát thôn theo dõi hằng ngày nên không có chuyện đơn vị thi công làm sai cam kết, nếu có vấn đề mờ ám xã sẽ kiểm tra điều chỉnh lập tức. “Mục đích của cải tạo là nhằm chỉnh trang đồng ruộng theo cánh đồng mẫu lớn phục vụ lợi ích người dân nên tôi nghĩ không lý do gì người dân không đồng ý. Mà thực ra chúng tôi cũng chưa nhận được ý kiến phản đối trực tiếp nào từ người dân cả” - ông Thanh nói.

Tại Quyết định số 3742 của UBND thị xã Điện Bàn ban hành ngày 4.6.2015 về việc phê duyệt Phương án cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại thôn 1 Châu Bí ghi rõ: Thị xã Điện Bàn thống nhất phương pháp hạ thấp độ cao theo cao trình xác định, lấy một mặt bằng chung, phá vỡ bờ men, tạo thành thửa lớn, xây dựng hệ thống kênh tưới, đường nội đồng để thuận lợi cho việc tưới tiêu và vận chuyển nông sản. Khối lượng đất tận thu trong cải tạo (khoảng 32.735m3) được sử dụng vào 3 mục đích gồm, đắp đường giao thông nội đồng trong 2 khu vực cải tạo (3.763m3); đắp kênh mương tưới (1.130m3); khai thác nguồn thu (27.842m3). Đặc biệt, chủ đầu tư (UBND xã Điện Tiến) tự cân đối bằng việc tận thu khối lượng đất thừa đưa vào khai thác để bù đắp chi phí, thời gian cải tạo hoàn thành trước ngày 1.5.2016. Còn tại công văn số 732 của Sở NN&PTNT gửi UBND thị xã Điện Bàn ngày 27.5.2015 cũng đã thống nhất việc triển khai dự án: “Sau khi xem xét hồ sơ và kiểm tra thực địa sở thống nhất phương án cải tạo đồng ruộng theo hướng nâng cao hiệu quả cho sản xuất lúa kết hợp chỉnh trang đồng ruộng, dồn điển đổi thửa, xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng tại 2 khu vực Bàu Bạc và Đồng Tràm. Đề nghị UBND thị xã Điện Bàn phê duyệt phương án cải tạo…”.

Không phủ nhận, việc người dân phản ánh những vấn đề liên quan đến môi trường, cuộc sống tại địa phương là điều rất đáng trân trọng, thể hiện trách nhiệm công dân với xã hội. Tuy nhiên, trong trường hợp này qua khảo sát thực tế và thẩm định các giấy tờ liên quan có thể khẳng định việc cải tạo đồng ruộng tại thôn 1 Châu Bí đã tuân thủ đúng quy trình và phù hợp với tình hình thực tế cũng như nguyện vọng của người dân. Nói như ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Tiến: “Nếu chủ trương này không hợp lòng dân, không được dân thống nhất thì các cơ quan thẩm quyền đã không cấp phép, đặc biệt cũng không thể diễn ra suôn sẻ như thời gian qua”.


Có thể bạn quan tâm

Ráo Riết Thu Hồi Giống Lúa VTNA2 Kém Nảy Mầm Ráo Riết Thu Hồi Giống Lúa VTNA2 Kém Nảy Mầm

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo khẩn trương thu hồi những lô giống nảy mầm kém và bổ cứu các giống khác cho kịp thời vụ cho bà con.

22/01/2014
Đánh Giá Kết Quả Thực Hiện Một Số Mô Hình Sản Xuất Đánh Giá Kết Quả Thực Hiện Một Số Mô Hình Sản Xuất

Ngày 16-1, tại xã Kim Phượng, Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình “Ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất khoai tây vụ đông năm 2013.

22/01/2014
Giá Hành Giảm Mạnh Vào Những Ngày Cận Tết Giá Hành Giảm Mạnh Vào Những Ngày Cận Tết

Đến vùng màu xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) những ngày giáp Tết, hầu hết nông dân đều tất bật trong việc thu hoạch hoa màu. Tuy nhiên, trái ngược với niềm vui trúng mùa trúng giá như năm trước, người dân trồng hành lá đang rất lo lắng bởi giá hành lá năm nay đang giảm ở mức rất thấp.

22/01/2014
Xây Dựng 6 Mô Hình Sản Xuất Lúa Trong Cánh Đồng Mẫu Lớn Đạt Chứng Nhận VietGAP Xây Dựng 6 Mô Hình Sản Xuất Lúa Trong Cánh Đồng Mẫu Lớn Đạt Chứng Nhận VietGAP

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ hệ thống nhân giống đạt chuẩn với mục tiêu cung cấp 100% số hộ tham gia sử dụng giống lúa cấp xác nhận và ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP; hướng tới xây dựng mối liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ lúa ổn định.

22/01/2014
Hiệu Quả Mô Hình Trồng Bí Xanh Và Sản Xuất Nấm Mộc Nhĩ Ở Hạ Hoà Hiệu Quả Mô Hình Trồng Bí Xanh Và Sản Xuất Nấm Mộc Nhĩ Ở Hạ Hoà

Vụ đông 2013, Trạm khuyến nông Hạ Hoà phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Thọ xây dựng, trình diễn mô hình cánh đồng mẫu trồng bí xanh an toàn và mô hình sản xuất nấm, mộc nhĩ.

22/01/2014