Lãi lớn nhờ nuôi tôm kiểu mới
Trước nguy cơ tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh thường xuyên do môi trường nước ô nhiễm, anh Phan Thanh Thánh (sinh năm 1984) ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã chọn cách xây dựng bể lọc nước sạch để cung cấp cho hồ nuôi tôm trên cát của mình.
Anh Thánh bắt đầu biết nuôi tôm từ lúc mới 15 tuổi khi theo phụ việc cho cha mẹ. Học hết cấp 3, anh nghỉ ở nhà làm kinh tế. Năm 1999, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát thu lợi nhuận cao, anh Thánh quyết định đầu tư để thoát nghèo. Khởi điểm, anh vay 45 triệu đồng đầu tư một hồ tôm với diện tích 3.000m2. Vốn có sẵn kinh nghiệm, học hỏi thêm thông tin ở báo, đài, sau 3 tháng thả nuôi, trừ hết chi phí, vụ đầu tiên anh Thánh lãi 70 triệu đồng. Năm đó, anh nuôi 3 vụ.
Bước sang năm thứ 2, anh đầu tư thêm một hồ có diện tích 2.800m2 với mức chi phí 80 triệu đồng và tiếp tục thắng lớn với thu nhập gần 200 triệu đồng. Nhưng bước sang các năm kế tiếp, nguồn nước bắt đầu ô nhiễm, tôm bị dịch đốm trắng. Năm 2006, anh Thánh gần như mất trắng và phải dừng nuôi trong nửa năm. Bắt đầu gượng dậy được vài vụ, thì đến năm 2011, tôm lại bị tiếp một đợt dịch lớn, anh thua lỗ thêm hơn 200 triệu đồng.
“Năm 2011, người dân ở đây ồ ạt san lấp mặt bằng làm hồ nuôi. Lúc đó, tôi cũng làm thêm 3 hồ với diện tích trên 10.000m2 và một hồ ươm giống khoảng 600m2. Đúng thời điểm này, nguồn nước bị ô nhiễm, tôm bị dịch bệnh, năm đó gia đình tôi nuôi một vụ mà không thu hồi được vốn. Xác định nguyên nhân tôm bị dịch, tôi tạm nghỉ một thời gian để xử lý các hồ và học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi tôm trên cát", anh Thánh nói và nghiệm ra được yếu tố quyết định thành công của nuôi tôm thẻ chân trắng là nguồn nước phải sạch. Từ đây, anh quyết định nuôi tôm theo kiểu mới.
Năm 2012, anh Thánh vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phù Mỹ để mua con giống mới thả nuôi và làm thêm hai hồ tôm với diện tích 3.000m2, nâng tổng số lên 7 hồ và một hồ ươm giống, với tổng diện tích gần 20.000m2. Lần này, anh tiến hành xây dựng một bể lọc nước với dung tích 12m3 gồm một lớp san hô, một lớp than hoạt tính, một lớp cát sạch có tác dụng lọc nước, kim loại nặng và khí độc. Nguồn nước sạch được lọc bơm vào ao nuôi giúp con tôm phát triển tốt, ít dịch bệnh, sản lượng cải thiện rõ rệt, từ 7 đến 8 tấn một hecta mỗi vụ trước đây tăng lên thành 10 tấn.
Anh Thánh cho hay, năm 2014 tổng doanh thu từ nuôi tôm là 7 tỷ đồng, lợi nhuận thu được bình quân hàng năm hơn 800 triệu. Ngoài ra, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của anh còn tạo việc làm ổn định cho 3 nhân công cùng 10 lao động theo thời vụ, trung bình làm 15 ngày mỗi tháng.
Với kinh nghiệm hơn 15 năm, theo anh Thánh, nuôi tôm thẻ chân trắng muốn thành công phải dựa vào yếu tố nguồn nước và con giống. Theo đó, nguồn nước phải sạch, con giống tốt của các công ty uy tín cần được chăm sóc kỹ trong tháng đầu tiên, bởi đây là thời điểm tôm thay môi trường sống nên dễ bị dịch bệnh. Dù có bể lọc nước sạch, nhưng để giảm thiểu mức độ ô nhiễm tối đa, anh Thánh áp dụng cách nuôi tôm luân phiên, 2 vụ tôm chính xen kẽ vụ tôm phụ, trung bình 2 năm nuôi 5 vụ. Anh Thánh chia sẻ, ở vụ nuôi chính, anh thả 100 con trên một m2, vụ tôm phụ thả khoảng 50 con mỗi m2.
Năm 2015, anh Thánh là một trong hai thanh niên tiêu biểu của tỉnh Bình Định nhận giải thưởng Lương Định Của.
Có thể bạn quan tâm
Trên 506 triệu đồng là kinh phí thực hiện Đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả tại Tây Yên Tử, huyện Sơn Động” Chủ tịch UBND tỉnh vừa phê duyệt.
Sự việc sản phẩm nấm của người dân Yên Thành (Nghệ An) sản xuất ra không bán được một lần nữa phản ánh một thực trạng, chuỗi quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ đối với các sản phẩm của ngành nông nghiệp hiện còn đang tồn tại nhiều hạn chế.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, sau khi rời quân ngũ, anh Trần Văn Hải trở về quê hương (xóm 10, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) và nung nấu ý chí thay đổi cuộc đời. Sau khi nghiên cứu, nhận thấy giống cam Bù rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, anh quyết định đầu tư trồng loại cây này. Cái tên “Hải cam” cũng xuất hiện từ đó.
Vài năm trở lại đây, nông dân xã Bắc Sơn (Bắc Sơn - Lạng Sơn) đã áp dụng nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng thành công. Trong đó, mô hình đưa cây cà chua vào trồng trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều thanh long Việt Nam nhất, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2013. Song theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), Trung Quốc đang tiến hành trồng thanh long quy mô lớn và đe dọa trở thành nước cạnh tranh về diện tích lẫn sản lượng với thanh long Việt Nam.