Mô Hình Nhà Sạch - Vườn Đẹp
Thực hiện nội dung đột phá “Nhà sạch-vườn đẹp và làm đường giao thông nông thôn” trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Quản Bạ trong năm 2013, xã Quyết Tiến đã chọn thôn Vĩnh Tiến thực hiện làm điểm. Sau 6 tháng triển khai, đến nay đã có 48/48 hộ gia đình của thôn đạt tiêu chí “Nhà sạch - vườn đẹp”.
Nằm sát Quốc lộ 4C, thôn Vĩnh Tiến, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) có 48 hộ, với hơn 200 nhân khẩu, trong đó khoảng 90% đồng bào là dân tộc Kinh ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc lên định cư từ những năm 1970; người dân ở đây có tinh thần tự giác, ý thức, trách nhiệm cao trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đây được xem là một thuận lợi lớn để triển khai thực hiện chương trình.
Ông Phùng Minh Thắng, Trưởng thôn Vĩnh Tiến cho biết: Ngay khi nhận được kế hoạch của xã, thôn đã chủ động tổ chức họp dân, phổ biến các nội dung liên quan đến các chủ trương, chính sách cụ thể của tỉnh, huyện trong việc hỗ trợ người dân xi măng thực hiện các phần việc như láng nền nhà, bó hè, di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà, làm tường rào, bể nước...
Cùng đó là, lập kế hoạch, xây dựng dãy công việc cụ thể theo từng nhóm tiêu chí đảm bảo phù hợp, các hộ dễ triển khai thực hiện. Nhà sạch là “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”; vườn đẹp là có hàng rào bằng tre, nứa hoặc xếp bằng đá phù hợp với mỗi gia đình và trồng các loại cây thuốc nam phục vụ chữa các bệnh thông thường; các loại rau, đậu, cây ăn quả. Vì đây là chủ trương đúng, hợp lòng dân nên đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trong thôn.
Ngồi trong ngôi nhà 4 gian lợp ngói, được bài trí gọn gàng, anh Nguyễn Viết Sâm, thôn Vĩnh Tiến cho biết: Tháng 5.2013, gia đình anh nhận được 800 kg xi măng hỗ trợ từ xã; ngay khi được cấp xi măng, gia đình đã bỏ thêm tiền mua cát, sỏi, xi măng và bỏ công để làm bể nước, nhà vệ sinh và làm đường quanh khu vực vườn.
Từ khi thực hiện chương trình, được cán bộ xã tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi hiểu được lợi ích của việc gìn giữ vệ sinh đối với đời sống gia đình và xã hội. Tôi đã vận động các thành viên trong gia đình nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, tạo môi trường, cảnh quan xanh-sạch-đẹp ngay chính trong nhà mình, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy lùi dịch bệnh.
Cùng với gia đình anh Sâm, gia đình chị Nguyễn Thị Liễu khi được hỗ trợ xi măng cũng tiến hành tu sửa bể nước, bó hè nhà, làm khuôn viên trồng hoa. Theo chị Liễu, mức hỗ trợ 800 kg xi măng cho một hộ gia đình làm các phần việc trong chương trình “Nhà sạch-vườn đẹp” là quá ít, đa phần các hộ dân trong thôn phải bỏ thêm tiền để mua thêm vật liệu; song đó lại là động lực giúp gia đình tôi, các hộ dân khác có thêm quyết tâm và điều quan trọng hơn cả là “mình làm mình hưởng”.
Để phong trào lan toả sâu rộng, thôn luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các hộ nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường; tự giác dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ khu vực quanh nhà, ngoài ngõ, di chuyển chuồng trại gia súc, gia cầm ra xa nhà. Đến nay, 100% hộ gia đình trong thôn đạt tiêu chí “Nhà sạch-vườn đẹp”, đời sống người dân không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần, trên 90% hộ dân có xe máy, ti vi; năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 12 triệu đồng.
Từ thành công trong xây dựng “Nhà sạch - vườn đẹp” của thôn Vĩnh Tiến, xã Quyết Tiến tiếp tục triển khai đến các thôn còn lại, trong đó ưu tiên phát triển theo chiều sâu và lấy chất lượng là chính. Mục tiêu lớn nhất của xã là phấn đấu xây dựng thói quen ứng xử với môi trường sống, không ngừng nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần của người dân ngay trong từng hộ gia đình. Một cuộc sống mới đang về với thôn Vĩnh Tiến, bắt nguồn từ những phong trào, hành động mà người dân đang cùng chung tay hưởng ứng, cùng nhau xây dựng đó là phong trào xây dựng “Nhà sạch - vườn đẹp”.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, giá một số loại rau ăn quả như: khổ qua, dưa leo, bầu, bí… của nông dân trong tỉnh Đồng Nai bán tại ruộng chỉ còn 4 - 5 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 2 - 3 ngàn đồng/kg so với cách đây 4 ngày. Theo các thương lái chuyên mua rau, giá rau ăn quả giảm là do lượng hàng từ miền Tây đưa về nhiều, nguồn cung khá dồi dào.
Từ ngày 11-15/6/2013, tại Điện Biên, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề Hà Nội (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật ghép nhãn trên gốc cây vải cho 30 học viên là cán bộ khuyến nông các tỉnh phía Bắc là Điện Biên, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Kạn…
Xu thế gần đây khá nhiều hộ chăn nuôi gà thịt lựa chọn phương thức chăn nuôi gà theo hướng thả vườn bởi thực tế cách chăn nuôi trên có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Đa dạng thị trường xuất khẩu trái thanh long đã và đang là mối quan tâm của các cơ quan chức năng cùng nông dân Bình Thuận. Sắp tới đây, bên cạnh các thị trường truyền thống, thanh long Bình Thuận sẽ có mặt ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản với số lượng lớn và giá trị gia tăng cao.
Chưa bao giờ cá ngừ tuột giá thảm hại như hiện nay, nguyên nhân được cho là do khai thác bằng phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng khiến chất lượng cá bị giảm, thị trường quay mặt. Trước tình hình đó, trong chuyến công tác về Bình Định vào chiều 19.6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã cùng ngành chức năng gặp gỡ các DN thu mua và ngư dân nhằm bàn bạc, tìm giải pháp cứu vãn tình hình.