Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Metro Rộng Cửa Đón Thủy Sản VietGAP

Metro Rộng Cửa Đón Thủy Sản VietGAP
Ngày đăng: 10/10/2013

Ông Philip Bacac - Tổng giám đốc Metro cho biết, bên cạnh các sản phẩm thủy sản đã đáp ứng yêu cầu “MetroGAP”, thời gian tới, Metro sẽ lựa chọn thêm các nhà cung cấp ngành hàng thực phẩm tươi sống đạt chứng nhận VietGAP đưa vào bán tại siêu thị này.

Tại Hội thảo Hợp tác và kết nối thị trường các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành hệ thống các tiêu chuẩn sản xuất nông sản, thủy sản theo quy trình VietGAP, Tổng cục Thủy sản đã làm việc với Tập đoàn Metro để xây dựng một hệ thống các tiêu chuẩn tạm gọi là MetroGAP.

Cấu trúc của hệ thống các tiêu chuẩn MetroGAP này được tổng hợp và rút gọn lại từ các bộ tiêu chuẩn quốc tế với các yêu cầu tối thiểu như: quy trình nuôi, thu hoạch, khai thác, đóng gói, vận chuyển, danh mục thuốc thú y, hóa chất… Sau khi Công ty Metro áp dụng các tiêu chuẩn này, công ty đã xây dựng trạm trung chuyển cá tại TP. Cần Thơ và tiến hành thu mua cá nguyên liệu từ các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL. Hiện tại, mỗi ngày trạm trung chuyển cá của Metro thu mua được khoảng 5-7 tấn cá các loại, bao gồm các sản phẩm cá nuôi và đánh bắt.

Hiện nay, do nhu cầu phát triển rộng hơn các mô hình sản xuất nông sản, thủy sản theo hướng VietGAP, đồng thời tiến dần đến việc bắt buộc sản xuất VietGAP đối với một số loại sản phẩm thủy sản như cá tra, tôm. Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Metro xem xét tích hợp bộ tiêu chuẩn MetroGAP với bộ tiêu chuẩn VietGAP để tạo điều kiện mở rộng khả năng bán các sản phẩm thủy sản VietGAP vào hệ thống siêu thị này.

Về chi phí sản xuất VietGAP, ông Như Văn Cẩn - Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- cho rằng, chi phí sản xuất VietGAP không cao hơn so với sản xuất truyền thống nhiều. Theo lý giải của ông Cẩn, khi sản xuất VietGAP diện tích yêu cầu lớn và đầu tư 1 lần, do đó nếu phát triển được thì các vụ sau lợi nhuận chắc chắn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, cần phải giải quyết để làm sao tiết giảm được cấp giấy chứng nhận và ký được các hợp đồng bao tiêu ổn định thì mới khuyến khích người dân “xã hội hóa sản xuất VietGAP”.

Ông Philip Bacac – Tổng giám đốc Metro cho biết, bộ tiêu chuẩn VietGAP ra đời sau và có nhiều quy định chi tiết về các tiêu chí kiểm soát về kỹ thuật và các yêu cầu trong sản xuất hơn MetroGAP. Tuy nhiên, tiêu chuẩn VietGAP lại có quá nhiều cơ quan được phép thẩm định và cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP nên chưa có sự thống nhất.

Để tránh cho việc phải kiểm tra lại, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà cung cấp bán hàng vào Metro, ông Philip Bacac kiến nghị: Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng ban hành các quy định cụ thể về cơ quan được phép thẩm định, đồng thời ra được mẫu nhãn hiệu VietGAP theo quy chuẩn chung để Metro và người tiêu dùng có căn cứ.

Cũng theo ông Philip Bacac, bên cạnh các sản phẩm thủy sản đã đáp ứng yêu cầu MetroGAP, thời gian tới Metro sẽ lựa chọn thêm các nhà cung cấp ngành hàng thực phẩm tươi sống đạt chứng nhận VietGAP đưa vào bán tại siêu thị này.

Ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản- đánh giá, việc Metro mở rộng thu mua các sản phẩm thủy sản VietGAP tốt sẽ có lợi cho việc khuyến khích thị trường nội địa tiêu thụ các mặt hàng thủy sản đạt các tiêu chuẩn chất lượng. Điều này tác động tốt đến vùng nguyên liệu cá tra, tôm và các mặt hàng thủy-hải sản phục vụ xuất khẩu.

Theo thống kê của Cục quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (NAFIQUAD), mỗi năm các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam bị thiệt hại khoảng 14 triệu USD. Nguyên nhân là do chưa khuyến khích được sản xuất VietGAP đồng bộ, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hầu hết mua gom nguyên liệu từ nhiều nguồn nên rất nhiều lô hàng bị đối tác trả lại. Để tránh tình trạng trên, NAFIQUAD khuyến cáo các doanh nghiệp nên thu mua các sản phẩm có truy suất nguồn gốc và đã đạt chứng nhận VietGAP.


Có thể bạn quan tâm

Cá Tầm Trong Nước Cá Tầm Trong Nước "Lao Đao" Vì Cá Tầm Nhập Lậu

Trong khi rất nhiều người tiêu dùng bị lừa khi mua phải cá tầm nhập lậu, thì không ít cơ sở sản xuất trong nước lại đang chờ phá sản vì không thể cạnh tranh với cá tầm nhập lậu giá rẻ.

11/06/2013
Trồng Chanh Không Hạt Cho Trái Quanh Năm Trồng Chanh Không Hạt Cho Trái Quanh Năm

Chanh không hạt được nhập từ bang California (Mỹ) vào nước ta trong khoảng 10 năm nay. Cây có thể mọc cao đến 6m, thân cây không có gai, có tán lá tròn, trái chùm, không có hạt (hoặc chỉ có vài hạt).

07/08/2013
Anh Nghĩa Làm Giàu Từ Chăn Nuôi Anh Nghĩa Làm Giàu Từ Chăn Nuôi

Anh Hoàng Đại Nghĩa sinh năm 1962, quê ở xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đến lập nghiệp tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam.

30/07/2013
Trợ Giá Lúa Lai Vụ Mùa Trợ Giá Lúa Lai Vụ Mùa

Vụ mùa năm nay, ngoài phần hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) trích ngân sách trợ giá thêm 18-20 nghìn đồng/kg thóc giống lúa lai.

11/06/2013
Người Nuôi Heo, Gà Hụt Hơi Với Giá Người Nuôi Heo, Gà Hụt Hơi Với Giá

Ông Đặng Quang Tiến, thôn 4, xã Sơn Mỹ (Hàm Tân - Bình Thuận) được coi là chủ trang trại chăn nuôi lớn ở địa phương này, hiện đang sở hữu 200 heo nái, 800 heo thịt và 100 heo nái hậu bị (chuẩn bị phối giống).

31/07/2013