Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Metro Rộng Cửa Đón Thủy Sản VietGAP

Metro Rộng Cửa Đón Thủy Sản VietGAP
Publish date: Thursday. October 10th, 2013

Ông Philip Bacac - Tổng giám đốc Metro cho biết, bên cạnh các sản phẩm thủy sản đã đáp ứng yêu cầu “MetroGAP”, thời gian tới, Metro sẽ lựa chọn thêm các nhà cung cấp ngành hàng thực phẩm tươi sống đạt chứng nhận VietGAP đưa vào bán tại siêu thị này.

Tại Hội thảo Hợp tác và kết nối thị trường các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành hệ thống các tiêu chuẩn sản xuất nông sản, thủy sản theo quy trình VietGAP, Tổng cục Thủy sản đã làm việc với Tập đoàn Metro để xây dựng một hệ thống các tiêu chuẩn tạm gọi là MetroGAP.

Cấu trúc của hệ thống các tiêu chuẩn MetroGAP này được tổng hợp và rút gọn lại từ các bộ tiêu chuẩn quốc tế với các yêu cầu tối thiểu như: quy trình nuôi, thu hoạch, khai thác, đóng gói, vận chuyển, danh mục thuốc thú y, hóa chất… Sau khi Công ty Metro áp dụng các tiêu chuẩn này, công ty đã xây dựng trạm trung chuyển cá tại TP. Cần Thơ và tiến hành thu mua cá nguyên liệu từ các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL. Hiện tại, mỗi ngày trạm trung chuyển cá của Metro thu mua được khoảng 5-7 tấn cá các loại, bao gồm các sản phẩm cá nuôi và đánh bắt.

Hiện nay, do nhu cầu phát triển rộng hơn các mô hình sản xuất nông sản, thủy sản theo hướng VietGAP, đồng thời tiến dần đến việc bắt buộc sản xuất VietGAP đối với một số loại sản phẩm thủy sản như cá tra, tôm. Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Metro xem xét tích hợp bộ tiêu chuẩn MetroGAP với bộ tiêu chuẩn VietGAP để tạo điều kiện mở rộng khả năng bán các sản phẩm thủy sản VietGAP vào hệ thống siêu thị này.

Về chi phí sản xuất VietGAP, ông Như Văn Cẩn - Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- cho rằng, chi phí sản xuất VietGAP không cao hơn so với sản xuất truyền thống nhiều. Theo lý giải của ông Cẩn, khi sản xuất VietGAP diện tích yêu cầu lớn và đầu tư 1 lần, do đó nếu phát triển được thì các vụ sau lợi nhuận chắc chắn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, cần phải giải quyết để làm sao tiết giảm được cấp giấy chứng nhận và ký được các hợp đồng bao tiêu ổn định thì mới khuyến khích người dân “xã hội hóa sản xuất VietGAP”.

Ông Philip Bacac – Tổng giám đốc Metro cho biết, bộ tiêu chuẩn VietGAP ra đời sau và có nhiều quy định chi tiết về các tiêu chí kiểm soát về kỹ thuật và các yêu cầu trong sản xuất hơn MetroGAP. Tuy nhiên, tiêu chuẩn VietGAP lại có quá nhiều cơ quan được phép thẩm định và cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP nên chưa có sự thống nhất.

Để tránh cho việc phải kiểm tra lại, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà cung cấp bán hàng vào Metro, ông Philip Bacac kiến nghị: Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng ban hành các quy định cụ thể về cơ quan được phép thẩm định, đồng thời ra được mẫu nhãn hiệu VietGAP theo quy chuẩn chung để Metro và người tiêu dùng có căn cứ.

Cũng theo ông Philip Bacac, bên cạnh các sản phẩm thủy sản đã đáp ứng yêu cầu MetroGAP, thời gian tới Metro sẽ lựa chọn thêm các nhà cung cấp ngành hàng thực phẩm tươi sống đạt chứng nhận VietGAP đưa vào bán tại siêu thị này.

Ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản- đánh giá, việc Metro mở rộng thu mua các sản phẩm thủy sản VietGAP tốt sẽ có lợi cho việc khuyến khích thị trường nội địa tiêu thụ các mặt hàng thủy sản đạt các tiêu chuẩn chất lượng. Điều này tác động tốt đến vùng nguyên liệu cá tra, tôm và các mặt hàng thủy-hải sản phục vụ xuất khẩu.

Theo thống kê của Cục quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (NAFIQUAD), mỗi năm các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam bị thiệt hại khoảng 14 triệu USD. Nguyên nhân là do chưa khuyến khích được sản xuất VietGAP đồng bộ, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hầu hết mua gom nguyên liệu từ nhiều nguồn nên rất nhiều lô hàng bị đối tác trả lại. Để tránh tình trạng trên, NAFIQUAD khuyến cáo các doanh nghiệp nên thu mua các sản phẩm có truy suất nguồn gốc và đã đạt chứng nhận VietGAP.


Related news

Phía Nam Tiêu Thụ Vải Thiều Tăng Mạnh! Phía Nam Tiêu Thụ Vải Thiều Tăng Mạnh!

Từng đoàn xe container lạnh chở trái vải từ các tỉnh phía Bắc nườm nượp đổ vào các chợ đầu mối nông sản tại TP.HCM trong những ngày gần đây khiến giá giảm mạnh từ 50-70.000 đ/kg (giá sỉ) lúc đầu mùa xuống còn 12.000-14.000đ/kg.

Tuesday. June 24th, 2014
Nhiều Quốc Gia Muốn Nhảy Vào “Sân Chơi” Xuất Khẩu Cá Tra Nhiều Quốc Gia Muốn Nhảy Vào “Sân Chơi” Xuất Khẩu Cá Tra

Hiện nay, nghề nuôi cá tra không chỉ diễn ra tại 4 nước vùng hạ lưu sông Mê Kông như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào, mà nhiều nước khác trên thế giới cũng đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất loài cá này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Thursday. November 27th, 2014
Giá Tôm Nguyên Liệu Tăng Hơn 10.000 Đồng/kg Giá Tôm Nguyên Liệu Tăng Hơn 10.000 Đồng/kg

Theo đó, tôm sú loại 20 con/kg được thương lái mua 255.000 - 260.000 đồng/kg; loại 30 con/kg khoảng 225.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 100.000 đồng/kg, loại 90 con/kg giá 103.000 đồng/kg và 80 con/kg là 110.000 đồng/kg.

Tuesday. June 24th, 2014
Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt Động Công Ty Nông, Lâm Nghiệp Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt Động Công Ty Nông, Lâm Nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp.

Tuesday. June 24th, 2014
Anh Trần Đức Trung Mạnh Dạn Ứng Dụng Công Nghệ Trong Bảo Quản Giống, Sản Phẩm Cây Trồng Anh Trần Đức Trung Mạnh Dạn Ứng Dụng Công Nghệ Trong Bảo Quản Giống, Sản Phẩm Cây Trồng

Theo anh Trung thì trước đây, do diện tích lớn nên nhu cầu giống hoa cho mỗi vụ trồng rất nhiều, cứ mỗi lần vào vụ lại xuất hiện tình trạng khan hiếm giống. Gia đình phải tất bật liên hệ, tìm kiếm nguồn cung khắp nơi và mua giống với giá cao. Cũng vì thế nên giống hoa nhiều lúc không đảm bảo chất lượng, cây trồng kém phát triển, củ không nảy mầm tốt. Gia đình luôn rơi vào tình thế bị động trong việc tìm nguồn giống…

Thursday. November 27th, 2014