Vải Chín Sớm Mô Hình Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Đông Triều (Quảng Ninh)
Vào những ngày này, mặc dù rất bận rộn với công việc thu hoạch quả nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở xã An Sinh (Đông Triều - Quảng Ninh) vẫn rất phấn khởi bởi mô hình trồng vải chín sớm của gia đình luôn cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với vải thu chính vụ.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thành là một trong những hộ dân có kinh nghiệm trồng vải nhiều năm nay của xã An Sinh. Ban đầu, gia đình anh trồng chủ yếu là vải thiều. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm và biết được giống vải ở Nam Định cho chín sớm và hiệu quả kinh tế cao, năm 2003, gia đình anh đã quyết định chuyển đổi gần 1ha vải thiều sang trồng gần 100 hốc vải chín sớm. Hai năm sau, mô hình vải chín sớm của gia đình anh Thành đã bắt đầu cho thu hoạch quả.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thành cho biết: Giống với vải u trứng và vải thiều, vải chín sớm này cũng cùng ra hoa vào thời điểm cuối tháng 12 âm lịch. Nhưng thời gian sinh trưởng từ lúc quả non đến khi được thu hoạch lại ngắn hơn, vào khoảng từ 55 đến 60 ngày.
Đây là giống vải dễ chăm bón, quả chín nhanh nên rất ít sâu bệnh. Tuy nhiên, để vải cho năng suất cao, người trồng cần phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật các khâu chăm bón khi vải ra hoa, đậu quả non và sau khi thu hoạch quả xong.
Do các năm gần đây, trồng vải không mang lại hiệu quả kinh tế cao do giá bán thấp, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, nhất là thời điểm thu hoạch chính vụ, nên nhiều hộ dân ở xã An Sinh và các xã khác của huyện Đông Triều không còn mặn mà với cây vải và chặt bỏ chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả khác như na, thanh long ruột đỏ, cam V2…
Nhưng với kinh nghiệm lâu năm và sự kiên trì, bám trụ với cây vải sớm, gia đình anh Thành vẫn kiên trì và thu được hiệu quả đáng kể. Như các năm trước, năng suất vải đạt 15 tấn/ha và giá bán đạt 35.000 đồng/kg, gia đình anh Thành đều thu lãi được 200 triệu đồng.
Riêng năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều và giá cả xuống thấp 25.000 đồng/kg nhưng 1ha vải chín sớm của gia đình anh cũng cho thu lãi được khoảng 70 triệu đồng. Nếu so với vải thu chính vụ, vải chín sớm sẽ cho hiệu quả kinh tế cao gấp 6 đến 7 lần. Do vậy, gia đình anh Thành rất phấn khởi, lạc quan về giá trị kinh tế của cây vải.
Là một trong những địa phương được xem là vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, có diện tích trồng cây ăn quả lớn với đủ các loại cây như na, thanh long ruột đỏ, cam V2, nhãn, vải, vì vậy, trong những năm qua việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và mở rộng diện tích cây trồng luôn được huyện Đông Triều xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, huyện cũng đang tìm ra các hướng giải bài toán đầu ra và giá thành sản phẩm để người nông dân yên tâm, gắn bó với các mô hình trồng cây ăn quả.
Có thể nói, niềm vui từ vụ thu hoạch vải chín sớm của gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở xã An Sinh, hy vọng lại một lần nữa khẳng định giá bán và đầu ra cho sản phẩm luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển các mô hình kinh tế. Từ đó sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển lâu dài trong quá trình mở rộng diện tích đất trồng cây nông nghiệp của huyện Đông Triều.
Có thể bạn quan tâm
Chiếm trên 90% diện tích cà phê của cả nước, Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng suất cũng như lượng xuất khẩu cà phê vào top đầu của thế giới.
Thực hiện các chương trình cải tạo, nâng cấp và phát triển đàn bò vàng Việt Nam, trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều dự án nhằm lai tạo và cải thiện đàn bò của tỉnh như Sind hóa, Zebu hóa đàn bò. Hiện nay, Vĩnh Phúc có tổng đàn bò trên 94.000 con, trong đó, đàn bò lai đã chiếm trên 70%.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi từ mô hình nuôi con năng suất thấp sang mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội đã triển khai thành công mô hình thí điểm nuôi cá chép lai cho năng suất cao.
Ngay đầu vụ nuôi năm 2014, tình hình dịch bệnh trên các hồ tôm ở Phú Yên nói chung và huyện Đông Hòa nói riêng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ nuôi. Riêng ông Lê Thanh Hải ở thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), nhờ áp dụng công nghệ sinh học Semi Biofloc vào nuôi tôm nên mang lại kết quả cao, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Nuôi ong lấy mật là nghề không còn xa lạ đối với người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhiều hộ dân trong tỉnh chủ yếu nuôi với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một số hộ dân đã biết tận dụng diện tích vườn đồi, rừng và trang trại để phát triển nghề nuôi ong và đem lại nguồn thu nhập cao.