Loạn rau gắn mác Việt Nam
“Đội lốt” hàng Việt Nam
Thời điểm này, khảo sát một số khu chợ trên địa bàn Hà Nội dễ dàng bắt gặp các sạp hàng bán rau - quả trái mùa. Khi được hỏi, phần lớn các tiểu thương đều cho biết đây là hoa quả được chuyển về từ vùng sản xuất ôn đới (như Sa Pa...). Thực tế, căn cứ vào đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và đặc điểm nhận dạng của mỗi loại, có thể thấy rõ ràng đây là những sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Qua khảo sát cho thấy, các mặt hàng rau - củ - quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam được bày bán nhiều chủng loại, từ cà rốt, gừng, tỏi, khoai tây, súp lơ cho tới bắp cải, cà chua, hành tây… Các sạp được bố trí san sát thành một dãy, số lượng rau - củ - quả có xuất xứ Trung Quốc được bày bán tràn lan, lẫn lộn với hàng nội địa.
Một trong những loại rau được người bán mời chào nhiều nhất là bắp cải Đà Lạt với giá chưa đến 10.000 đồng/cây. Được biết, hiện tại đang là mùa bắp cải Trung Quốc (khu vực tỉnh Vân Nam) nên giá rất rẻ, chỉ có nửa nhân dân tệ (tương đương khoảng 1.700 - 1.800 đồng/cây bắp cải). Nếu tính công vận chuyển từ Đà Lạt ra thì bắp cải không thể bán được với mức giá như trên, rõ ràng đây là rau củ quả được tuồn xuống qua qua biên giới phía bắc.
Cách đây khoảng 2 - 3 tháng, người tiêu dùng thủ đô cũng nhiều phen “lao đao” với những sản phẩm mận vàng, đào… được “cộp mác” Sapa, Lào Cai bày bán khắp các con phố. Trên thực tế, đây đều là sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc Trung Quốc, bởi vì số lượng hoa - quả tại chính các địa phương được “mượn danh” đó cũng rất ít ỏi, chưa kể mẫu mã thường không được bắt mắt bằng.
Qua mặt người mua hàng
Thực tế, không phải lúc nào các mặt hàng rau - củ - quả Trung Quốc cũng được bán giá rẻ. Khi đi từ chợ đầu mối về các chợ lẻ, các loại rau quả này được “gắn mác” hàng Việt Nam và bán với giá cao gấp 2 - 3 lần giá thực tế.
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Phúc - một tiểu thương buôn bán hoa quả ở chợ Nghĩa Tân - thừa nhận: “Tâm lý người dân bây giờ sợ hàng Trung Quốc kém chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe nên lúc bán hàng, tôi phải giới thiệu hoặc treo biển đề rõ hàng đặc sản trong nước thì mới bán được. Giá cả vì thế cũng “cạnh tranh” hơn”! Thú thật, mấy loại bắp cải, cà chua, cà rốt, gừng, tỏi… đa số là của Trung Quốc, vì hàng Việt Nam nguồn cung rất ít, chủ yếu theo mùa vụ mà với kiểu sản xuất, canh tác như hiện nay, thì chưa chắc đã sạch hơn đâu” - chị Phúc phân bua.
Đang đi chợ mua rau chuẩn bị bữa trưa cho gia đình, chị Phạm Khánh Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi có đọc được một số bài báo trên mạng nói về cách phân biệt hàng Trung Quốc và hàng trong nước. Nhưng nói thật, giờ bảo mình chỉ ra đâu thật, đâu giả thì cũng “bó tay””!
“Tôi chủ yếu mua ở hàng quen, đặt niềm tin vào người bán là chính. Họ cứ nói là rau nhà trồng với rau nhập từ các tỉnh thì mình biết thế thôi. Tôi cho rằng đa số người tiêu dùng Việt Nam không thích ăn thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc” - chị Vân khẳng định.
Như vậy, trong khi các mặt hàng nông sản Việt Nam luôn “thấp thỏm” đối mặt với điệp khúc “được mùa, rớt giá” và bị thương lái ép giá thì tại các khu chợ dân sinh, các sản phẩm rau - củ - quả “trá hình” hàng Việt Nam, gian dối về nguồn gốc xuất xứ được bày bán nhan nhản khiến người mua rất khó phân biệt. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này sẽ góp phần làm giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như uy tín của hàng Việt Nam.
Theo các nhà chuyên môn, do sử dụng nhiều chất bảo quản nên các sản phẩm rau quả Trung Quốc có hình thức bắt mắt, láng bóng, kích thước lớn, giữ được tươi lâu hơn. Vì thế, mỗi người tiêu dùng nên tỉnh táo khi mua hàng, tránh mua phải sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Coi kinh doanh thực phẩm là cái nghiệp, ông Phí Ngọc Chung- Tổng Giám đốc Trung Thành Group (Hà Nội) đã thổ lộ mong muốn được cùng với nông dân sản xuất thực phẩm quy mô lớn.
Nhím là loài gặm nhấm rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, kháng bệnh tốt, yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản, hiệu quả kinh tế mang lại cao. Thấy được nguồn lợi đó, những năm gần đây, một số hộ gia đình của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã chuyển sang nuôi nhím.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác thủy sản của bà con ngư dân trong tỉnh đạt khoảng 34.307 tấn, đạt trên 50% kế hoạch năm. Ngư dân ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh đều “trúng” mùa với sản lượng khá.
Với hơn 30 mẫu trồng cam Canh và phật thủ ở quê nhà và hơn 1 ha cam trồng tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, anh Nguyễn Quang Thu ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội mỗi năm đạt tổng thu nhập gần 1,5 tỷ đồng.
Quy trình bón phân NPK Văn Điển cho cây cao su thời kỳ kinh doanh.