Lo Cho Cây Quýt Đường Mất Dần Vị Ngọt
Nhiều năm qua, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã biết đến vị ngọt đặc trưng của trái quýt đường tại vùng đất Hậu Giang, mà điển hình là thương hiệu quýt đường Long Trị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do một vài nguyên nhân khách quan và việc thay đổi tập quán canh tác nên vô tình người dân đang đánh mất dần vị ngọt vốn có của quýt đường.
Nguyên nhân chính là do hầu hết nhà vườn khi trồng quýt trở lại đều chuyển sang trồng quýt ghép từ gốc chanh, gốc cam thay vì quýt chiết, quýt hột như xưa. Theo nhận định của nhà vườn, trồng quýt ghép có ưu điểm là trái sớm, trái lớn, năng suất cao, trái quanh năm, cây phát triển nhanh,… Chính vì vậy, nên nhiều nhà vườn ở ấp 8, xã Long Trị đều trồng quýt ghép.
Nói về quan điểm của mình khi chọn trồng quýt ghép, ông Huỳnh Ngọc Điệp, nhà vườn ở tuyến Vòng Voi phân tích: “Trồng quýt chiết mỗi năm chỉ thu hoạch trái một lần vào khoảng tháng 9, còn quýt ghép có thể cho trái quanh năm. Nếu tháng này bán không được giá thì hy vọng qua tháng sau sẽ tăng. Ngoài ra, quýt ghép gốc chanh thì cây phát triển mạnh, chịu được nước,… chính vì vậy nhiều nhà vườn nơi đây đang chuyển sang trồng quýt ghép”.
Theo các nhà vườn lâu năm, việc chuyển đổi này là một trong những nguyên nhân làm cho trái quýt đường hiện nay không còn giữ được vị ngọt đặc trưng vốn có của nó.
Bởi, quýt chiết thì chất lượng hoàn toàn giống với cây bố mẹ, còn quýt ghép do ảnh hưởng của gốc ghép nên chất lượng có phần kém hơn. Theo nhận định của người tiêu dùng, quýt ghép khi ăn có vị lạt và hơi chua, không còn ngọt thanh và thơm ngon như ngày trước.
Ông Lâm Văn Đước, ở ấp 8, xã Long Trị, kể lại: “Ngày xưa, tôi thường thu mua và chở quýt đi bán ở nhiều nơi như: Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang,… Thời đó, người tiêu dùng rất thích ăn quýt của vùng đất nơi đây, tuy trái đôi lúc có nhỏ nhưng ăn rất ngọt và thơm ngon.
Do họ biết mình nên mỗi lần đến điểm bỏ mối thì các vựa mừng lắm, ai cũng giành lấy quýt để dễ bán. Còn chất lượng quýt bây giờ không bằng hồi xưa nên phần nào đã giảm uy tín”. Ông Nguyễn Đức Anh cùng ở ấp 8 lo lắng: “Nếu như bây giờ mà mình bỏ loại quýt truyền thống ở đây từ hồi xưa tới giờ mà chuyển sang trồng quýt ghép thì dần dần mất đi đặc sản của vùng quýt Long Trị”.
Qua nghiên cứu, đánh giá của ngành chuyên môn, cây giống chỉ là một nguyên nhân nhỏ, cái chính làm chất lượng quýt bị giảm hiện nay là do quá trình canh tác của nông dân chưa hợp lý. Đó là, việc bón phân vào gốc và phun thuốc bảo vệ thực vật vào lá quá nhiều, làm cho trái quýt to, bóng và đạt năng suất cao, nhưng chất lượng thì rất kém.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho rằng: Những năm gần đây, do nguồn thu nhập từ cây quýt tương đối khá nên nhiều nhà vườn đã mạnh dạn đầu tư cho cây quýt, nhưng cách đầu tư của bà con chưa phù hợp, vì lạm dụng phân bón và thuốc hóa học quá nhiều, điển hình là dùng nhiều phân urê bón cho quýt, làm cho trái to, đạt năng suất nhưng chất lượng thì lại giảm.
Theo các nhà vườn có thâm niên trồng quýt tại xã Long Trị, cây quýt đường đưa về đây trồng đã qua nhiều thế hệ, theo thời gian được nhân rộng ra thành những vườn cây trái bạt ngàn, trĩu quả bởi nơi đây nằm ven sông Cái Lớn được phù sa bồi đắp rất thuận lợi cho sự phát triển của cây quýt đường. Với ưu điểm trái to, vỏ mỏng, mọng nước, vị ngọt thanh và thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng.
Hàng năm, nhà vườn nơi đây cung ứng cho thị trường hàng ngàn tấn quýt và mang về giá trị hàng chục tỉ đồng. Với vị ngọt và thơm ngon vốn có của nó, vào đầu năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Quýt đường Long Trị” cho HTX quýt đường Long Trị, ở ấp 8, xã Long Trị, huyện Long Mỹ.
Như vậy, cây quýt đường Long Trị đã được công nhận nhãn hiệu, nhưng với việc canh tác như hiện nay của nông dân, liệu có còn giữ được nhãn hiệu vốn đã nhiều công xây dựng. Bởi, người tiêu dùng đang cho rằng “đúng là vùng Long Trị có cây quýt đường nhưng bây giờ không còn đường nữa”.
Bên cạnh đó, quýt đường Long Trị đang là một trong 10 mặt hàng nông sản chủ lực được tỉnh tập trung đầu tư và cũng là loại trái cây mà Hậu Giang có thế mạnh đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có được. Chính vì vậy, ngành chức năng và người dân tìm giải pháp thiết thực để giữ vững vùng nguyên liệu và nhãn hiệu đã có.
Có thể bạn quan tâm
Ông Phan Văn Minh, chủ trang trại trồng các loại đặc sản quýt đường, cam xoàn, sầu riêng, măng cụt tại ấp 4, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là một nông dân có nhiều ý tưởng mới vì không ngại thử nghiệm những mô hình mới và là người đam mê sáng chế, tự cải tiến, chế tạo nhiều máy móc, dụng cụ trong nông nghiệp.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Hoàng Minh vào một buổi chiều, đúng lúc anh đang tất bật hái cam để kịp giao cho khách hàng. Đập vào mắt chúng tôi là một vườn cam sành rộng 1,5ha xanh tốt, trĩu quả. Khoảng nửa tháng nay, ngoài những thành viên trong gia đình, anh Minh còn phải thuê thêm 2 lao động cùng hái và đóng gói cam. Vừa hái những trái cam chín mọng, anh Minh vui vẻ nói: “Đây là năm thứ 2 vườn cam nhà tôi cho thu hoạch.
Ngày 5/2/2015 Công ty Điện lực Tiền Giang phối hợp UBND huyện Chợ Gạo tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình "Hỗ trợ nông dân trồng thanh long đổi đèn tròn sợi đốt bằng đèn Compact tiết kiệm điện". Chương trình do Công ty Điện lực Tiền Giang phối hợp Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh đoàn Tiền Giang thực hiện.
Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi nên chỉ thu hoạch được khoảng 500 trái bưởi “bàn tay Phật” đạt tiêu chuẩn, với giá bán 1,2 triệu đồng/cặp. Do số lượng quá ít, nên mấy ngày nay rất nhiều khách hàng từ TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… hỏi mua, nhưng loại bưởi “độc” này không còn hàng để bán.
Đại diện Viện Cây ăn quả Miền Nam nhận định, hầu hết các mẫu quýt hồng dự thi năm nay đều có phẩm chất và màu sắc tốt. Nếu so với kết quả nghiên cứu trước đây, các tiêu chí về độ Brix và lượng axit tổng trong trái đều đạt tiêu chuẩn cao hơn trước. Tuy nhiên, để nâng cao phẩm chất cho quýt hồng, các cây đạt giải cao tại hội thi năm nay cần được tiếp tục theo dõi và nghiên cứu nhằm tìm ra những đặc tính trội, giúp tăng phẩm chất trái cho quýt hồng Lai Vung trong thời gian tới.