Lo Cho Cây Quýt Đường Mất Dần Vị Ngọt

Nhiều năm qua, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã biết đến vị ngọt đặc trưng của trái quýt đường tại vùng đất Hậu Giang, mà điển hình là thương hiệu quýt đường Long Trị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do một vài nguyên nhân khách quan và việc thay đổi tập quán canh tác nên vô tình người dân đang đánh mất dần vị ngọt vốn có của quýt đường.
Nguyên nhân chính là do hầu hết nhà vườn khi trồng quýt trở lại đều chuyển sang trồng quýt ghép từ gốc chanh, gốc cam thay vì quýt chiết, quýt hột như xưa. Theo nhận định của nhà vườn, trồng quýt ghép có ưu điểm là trái sớm, trái lớn, năng suất cao, trái quanh năm, cây phát triển nhanh,… Chính vì vậy, nên nhiều nhà vườn ở ấp 8, xã Long Trị đều trồng quýt ghép.
Nói về quan điểm của mình khi chọn trồng quýt ghép, ông Huỳnh Ngọc Điệp, nhà vườn ở tuyến Vòng Voi phân tích: “Trồng quýt chiết mỗi năm chỉ thu hoạch trái một lần vào khoảng tháng 9, còn quýt ghép có thể cho trái quanh năm. Nếu tháng này bán không được giá thì hy vọng qua tháng sau sẽ tăng. Ngoài ra, quýt ghép gốc chanh thì cây phát triển mạnh, chịu được nước,… chính vì vậy nhiều nhà vườn nơi đây đang chuyển sang trồng quýt ghép”.
Theo các nhà vườn lâu năm, việc chuyển đổi này là một trong những nguyên nhân làm cho trái quýt đường hiện nay không còn giữ được vị ngọt đặc trưng vốn có của nó.
Bởi, quýt chiết thì chất lượng hoàn toàn giống với cây bố mẹ, còn quýt ghép do ảnh hưởng của gốc ghép nên chất lượng có phần kém hơn. Theo nhận định của người tiêu dùng, quýt ghép khi ăn có vị lạt và hơi chua, không còn ngọt thanh và thơm ngon như ngày trước.
Ông Lâm Văn Đước, ở ấp 8, xã Long Trị, kể lại: “Ngày xưa, tôi thường thu mua và chở quýt đi bán ở nhiều nơi như: Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, An Giang,… Thời đó, người tiêu dùng rất thích ăn quýt của vùng đất nơi đây, tuy trái đôi lúc có nhỏ nhưng ăn rất ngọt và thơm ngon.
Do họ biết mình nên mỗi lần đến điểm bỏ mối thì các vựa mừng lắm, ai cũng giành lấy quýt để dễ bán. Còn chất lượng quýt bây giờ không bằng hồi xưa nên phần nào đã giảm uy tín”. Ông Nguyễn Đức Anh cùng ở ấp 8 lo lắng: “Nếu như bây giờ mà mình bỏ loại quýt truyền thống ở đây từ hồi xưa tới giờ mà chuyển sang trồng quýt ghép thì dần dần mất đi đặc sản của vùng quýt Long Trị”.
Qua nghiên cứu, đánh giá của ngành chuyên môn, cây giống chỉ là một nguyên nhân nhỏ, cái chính làm chất lượng quýt bị giảm hiện nay là do quá trình canh tác của nông dân chưa hợp lý. Đó là, việc bón phân vào gốc và phun thuốc bảo vệ thực vật vào lá quá nhiều, làm cho trái quýt to, bóng và đạt năng suất cao, nhưng chất lượng thì rất kém.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho rằng: Những năm gần đây, do nguồn thu nhập từ cây quýt tương đối khá nên nhiều nhà vườn đã mạnh dạn đầu tư cho cây quýt, nhưng cách đầu tư của bà con chưa phù hợp, vì lạm dụng phân bón và thuốc hóa học quá nhiều, điển hình là dùng nhiều phân urê bón cho quýt, làm cho trái to, đạt năng suất nhưng chất lượng thì lại giảm.
Theo các nhà vườn có thâm niên trồng quýt tại xã Long Trị, cây quýt đường đưa về đây trồng đã qua nhiều thế hệ, theo thời gian được nhân rộng ra thành những vườn cây trái bạt ngàn, trĩu quả bởi nơi đây nằm ven sông Cái Lớn được phù sa bồi đắp rất thuận lợi cho sự phát triển của cây quýt đường. Với ưu điểm trái to, vỏ mỏng, mọng nước, vị ngọt thanh và thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng.
Hàng năm, nhà vườn nơi đây cung ứng cho thị trường hàng ngàn tấn quýt và mang về giá trị hàng chục tỉ đồng. Với vị ngọt và thơm ngon vốn có của nó, vào đầu năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Quýt đường Long Trị” cho HTX quýt đường Long Trị, ở ấp 8, xã Long Trị, huyện Long Mỹ.
Như vậy, cây quýt đường Long Trị đã được công nhận nhãn hiệu, nhưng với việc canh tác như hiện nay của nông dân, liệu có còn giữ được nhãn hiệu vốn đã nhiều công xây dựng. Bởi, người tiêu dùng đang cho rằng “đúng là vùng Long Trị có cây quýt đường nhưng bây giờ không còn đường nữa”.
Bên cạnh đó, quýt đường Long Trị đang là một trong 10 mặt hàng nông sản chủ lực được tỉnh tập trung đầu tư và cũng là loại trái cây mà Hậu Giang có thế mạnh đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có được. Chính vì vậy, ngành chức năng và người dân tìm giải pháp thiết thực để giữ vững vùng nguyên liệu và nhãn hiệu đã có.
Related news

Thời gian qua, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho bệnh phấn trắng trên cây cao su phát triển.

Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.

Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Thời gian qua, mặt hàng nhãn tiêu da bò chủ yếu xuất khẩu, việc tiêu thụ ở nội địa rất hạn chế do có ít người ăn. Theo nhiều tiểu thương thu mua nhãn tiêu da bò, giá nhãn tiêu giảm là do đầu ra trong xuất khẩu đang yếu, giá nhãn tiêu da bò giảm mạnh làm không ít nhà vườn ngán ngại đầu tư, chăm sóc vườn nhãn. Trong khi đó, hiện bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn tiếp tục gây hại, làm giảm năng suất, sản lượng cho trái của nhiều vườn nhãn tại ĐBSCL.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra rất phức tạp, cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam không qua kiểm dịch thú y, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.