Làm giàu từ trồng bưởi da xanh

Vài năm trở lại đây, hơn 200 hộ dân ở xã Hòa Ninh (Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã cải tạo vườn, chuyển đổi diện tích lúa không chủ động nước tưới sang trồng cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao; có hộ thu lãi 200 - 300 triệu đồng/năm.
Một góc vườn bưởi của ông Nhân.
Tiêu biểu là hộ ông Đặng Văn Nhân (66 tuổi, trú thôn Đông Sơn).
Chi phí đầu tư thấp
Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan vườn bưởi da xanh của ông Đặng Văn Nhân. Tiếp chúng bên vườn bưởi xanh tốt đầy ắp trái, ông Nhân cho hay, trước đây, mảnh đất vườn gia đình quanh năm chỉ trồng ít rau củ, thu nhập bấp bênh theo thời tiết. Năm 2010, ông quyết định trồng bưởi, bởi ông thấy cây bưởi trong khu vườn cũ của bố mẹ mình chống chịu được các cơn bão lớn, sai quả, chất lượng rất ngon…
Ông đầu tư công sức, học hỏi kỹ thuật để tách chiết giống bưởi và cải tạo hơn 5.000m2 để trồng “thí điểm” 100 gốc bưởi này. Kết quả là những mùa bưởi ngon, bội thu và lợi nhuận khá. Thấy được hiệu quả của việc trồng bưởi, ông bàn bạc với anh em trong gia đình dành toàn bộ diện tích vườn nhà trồng bưởi.
Theo ông Nhân, do hợp thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nên bưởi da xanh phát triển tốt, không sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc nên chi phí thấp, vì vậy, lợi nhuận thu được khá cao. Trồng giống bưởi này rất kinh tế do không bị đổ gãy trong các cơn bão, cho nhiều trái, cùi mỏng, tép đỏ tươi, mọng nước và ăn rất ngọt. Thương lái đến vườn thu mua với giá khoảng 20.000 đồng/kg.
Hiệu quả kinh tế cao
Nhờ vườn bưởi hơn 400 gốc mà gia đình ông Nhân dần ổn định cuộc sống, mua sắm được xe ô-tô, điều mà trước đây ông chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Ông Nhân đã nhân giống được hàng trăm cây bưởi da xanh.
Mục đích xa hơn của ông là khi khu vực trồng bưởi mở rộng dưới chân Bà Nà - Núi Chúa trở thành vùng chuyên canh bưởi, ông cùng với người dân nơi đây (ông là trưởng thôn) sẽ xây dựng bưởi da xanh Hòa Ninh thành thương hiệu bưởi đặc biệt của Đà Nẵng.
“Bưởi ở đây da xanh, ruột hồng, ngọt, đến kỳ thu hoạch, thương lái đến tận vườn mua. Mỗi năm, gia đình tôi thu lãi từ 200 đến 250 triệu đồng từ cây bưởi. Mọi người dân ở trong thôn đều phấn phởi phát triển vườn bưởi da xanh thay cho vườn tạp, được chính quyền hỗ trợ, các ngành chức năng tư vấn lựa chọn cây giống, phân bón và dạy kỹ thuật trồng, chăm sóc”, ông Nhân nói.
Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, cho biết: Xã có hơn 200 hộ trồng bưởi trên diện tích 40ha. Giống bưởi ở đây là loại bưởi da xanh, ngọt, vỏ mỏng, ruột hồng. Hiện địa phương chọn sản phẩm bưởi da xanh để thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm.
Đồng thời, xã đang mở rộng Dự án bưởi da xanh, ruột hồng.
Có thể bạn quan tâm

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, từ cuối tháng 8 đến nay, toàn tỉnh không phát hiện thêm diện tích sắn bị bệnh rệp sáp bột hồng (RSBH) lây lan, gây hại.

Nhằm đưa các giống mì mới có năng suất cao vào thay thế các giống mì cũ để tăng thu nhập cho người dân, năm 2015, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã triển khai “Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng mì giống mới KM140 và KM419 tại 2 xã Lơ Ku và Đak Smar.

Trạm Khuyến nông Châu Phú (An Giang) phối hợp Trạm Bảo vệ thực vật huyện và Công ty Chang Woo Jin (Hàn Quốc) đang vận động nông dân trồng khoai lang Nhật.

Với cây ngô vụ đông, cần chú ý phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại sau đây: sâu xám, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh sọc lá, bệnh lùn sọc đen...

Quy trình kỹ thuật này được áp dụng cho khu vực Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, trên chân đất sản xuất 2 vụ lúa.