Làm Giàu Từ Nuôi Cá Ở San Thàng (Lai Châu)
“Từ gần 10 năm nay, bên cạnh nghề trồng rau, hoa, nuôi cá ở xã San Thàng (thành phố Lai Châu) đã trở thành một nghề. Với diện tích 65,27ha mặt nước, nhiều gia đình đã trở thành hộ khá, giàu từ phát triển kinh tế thủy sản” - chị Lò Thị Thìn, cán bộ Trạm Khuyến nông xã San Thàng cho biết.
Tận dụng lợi thế nguồn nước và kinh nghiệm nuôi cá lâu năm của vùng, nhiều gia đình đã đào ao thả các loại cá: trắm, chép, mè, trôi, rô phi. Cá địa phương có thời gian nuôi từ 1 – 2 năm/lứa thu hoạch (riêng cá rô phi, thời gian thu hoạch có thể ngắn hơn).
Các loại cá nuôi bằng nguồn thức ăn tự nhiên như cỏ, bột ngô, lá sắn nên khi ăn cá có vị tươi, ngọt đậm, chắc thịt. Theo kinh nghiệm của những người nuôi cá ở xã San Thàng, trung bình khi thu hoạch, cá trôi có thể lên đến trên 2kg, trắm 4 – 6kg, chép 1 - 2kg, rô phi dưới 1kg nhưng cũng tùy thuộc vào việc người nuôi cá chọn cá giống loại to hay nhỏ.
Chúng tôi đến thăm 1ha ao cá gia đình ông Nguyễn Văn Thoan, bản Lò Suối Tủng. Ông Thoan tâm sự: Cũng như những nghề khác, nghề cá có những vất vả riêng từ việc chăm sóc cá, đảm bảo nguồn thức ăn (lá ngô, cỏ voi, rau, củ, quả…) đến phòng chống dịch bệnh theo mùa. Nghề cá đem lại thu nhập chính, ổn định cho gia đình tôi. Mỗi năm, trừ mọi chi phí, tôi thu được hơn 150 triệu đồng.
Năng động tiếp cận với thị trường và trở thành người vận chuyển tiêu thụ cá thịt, cá giống là anh Nguyễn Văn Chấn ở bản Phan Lìn. Theo anh Chấn thì trung bình mỗi ngày anh mua trên 1 tạ cá ở các bản trong xã và bán đổ, bán lẻ cho các chợ. Việc làm ổn định này giúp anh có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Anh chia sẻ ở trong xã có những gia đình như ông Nguyễn Văn Hoàng ở bản Duy Phong diện tích ao 3.000m2, mỗi năm anh thu mua gần 2 tấn cá; với những ao rộng như nhà ông Nguyễn Văn Thoan ở bản Lò Suối Tủng phải thu hoạch được trên 3 tấn cá thịt (Giá bán đổ các loại cá trôi, trắm, chép hiện nay là 60.000đồng/kg; cá giống giá từ 110.000 – 120.000 đồng/kg. Giá bán trắm, chép ở chợ 80.000 đồng/kg, trôi 65.000 đồng/kg).
Theo chị Lò Thị Thìn, cán bộ Trạm Khuyến nông xã San Thàng, ngoài kinh nghiệm tự đúc rút trong thời gian nuôi cá, các gia đình còn được xã phối hợp với các đơn vị mở lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Từ đó nắm được kỹ thuật nuôi cá, đặc điểm nghề cá. Khi thực hành nuôi cá, các gia đình được cung cấp cá giống mới, tham gia mô hình nuôi cá.
Khảo sát trên thị trường, chúng tôi nhận thấy nghề nuôi cá ở tỉnh ta có thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, lượng cá nhập từ nơi khác về hiện chiếm trên 2/3 thị trường. Chị Lò Thị Yên – phường Tân Phong cho biết: Tâm lý của người tiêu dùng chúng tôi là muốn mua cá của địa phương vì chất lượng hơn hẳn các loại cá nuôi siêu tốc (thời gian nuôi chỉ từ 2 – 3 tháng, cá nặng cân nhưng thịt mềm, nhão, không có vị ngọt đặc trưng và ảnh hưởng sức khỏe người tiêu thụ).
Cùng với xã Bản Giang (huyện Tam Đường), xã San Thàng (thành phố Lai Châu) là địa bàn có nghề cá bền vững, ổn định. Việc nghiên cứu mở rộng diện tích nuôi thủy sản địa phương, vừa đảm bảo nguồn cung cấp cho thị trường, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân cần được xã San Thàng cũng như các địa phương khác quan tâm.
Nguồn bài viết: http://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/l%C3%A0m-gi%C3%A0u-t%E1%BB%AB-nu%C3%B4i-c%C3%A1-%E1%BB%9F-san-th%C3%A0ng
Có thể bạn quan tâm
Huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) vừa phát hiện 2 ổ dịch bệnh lở mồm long móng với hơn 20 con bò bị nhiễm bệnh. Hiện các ổ dịch đã được khoanh vùng, không để bệnh lây lan trên diện rộng.
Giống bò Barahman đỏ có trọng lượng gần 1 tấn/con trưởng thành, giá trị kinh tế cao hơn bò vàng song thời gian sinh trưởng lại như nhau.
Mô hình luân canh lúa- tôm sú đã và đang phát triển trên vùng đất nhiễm phèn, mặn ở đất Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) khá lâu. Hiện nay do thoái hoá giống, năng suất lúa không được cao và luôn bị sâu bệnh tấn công nhất là bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
Vụ xuân năm 2014, toàn tỉnh Thái Bình gieo cấy được 80.679 ha, trong đó gieo thẳng đạt 28.662 ha, chiếm 35,5% so với tổng diện tích gieo cấy, tăng gần 7.000 ha so với vụ xuân năm 2013.
Khác với không khí tất bật, hồ hởi trong những ngày thu hoạch rộ của những năm trước, vụ hành 2014 nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đối mặt nguy cơ trắng tay vì sự tấn công của sâu bệnh hại hành.