Quy hoạch và chọn giống mắc ca đảm bảo chất lượng
Đó là khẳng định của ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT khi trả lời phỏng vấn của phóng viên (PV) Báo Đắk Nông xung quanh Đề án quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuy Đức.
PV: Thưa ông, mắc ca là cây trồng mới không chỉ trên địa bàn tỉnh mà trong cả toàn quốc. Tỉnh ta cũng đã phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuy Đức, giai đoạn 2014 -2020.Vậy ông có thể cho biết những cơ sở để thực hiện đề án này?
Ông Đỗ Ngọc Duyên: Có 5 cơ sở chính để UBND tỉnh phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuy Đức giai đoạn 2014 -2020. Một là, mắc ca là cây lâm nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp - PTNT công nhận và đã có quyết định công nhận 10 giống để triển khai trồng. Hai là, tại tỉnh ta, các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp - PTNT và huyện Tuy Đức đã trồng khảo nghiệm và hội thảo đánh giá được kết quả là điều kiện khí hậu, thời tiết, đất, độ cao… phù hợp với đặc tính sinh thái của cây mắc ca.
Cây mắc ca trồng ở huyện Tuy Đức sinh trưởng phát triển tốt. Ba là, tỉnh đã thu hút được các doanh nghiệp có năng lực vào địa phương đầu tư sản xuất giống, xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bốn là, cây mắc ca là cây lâm nghiệp trồng để lấy hạt có giá trị kinh tế cao và còn có tác dụng phòng hộ, tăng độ che phủ rừng, chắn gió…
Năm là, trong quy hoạch của tỉnh chủ yếu là phương thức trồng xen cây cà phê và các cây nông nghiệp ngắn ngày khác. Hiện tại, toàn tỉnh đã trồng được 800 ha mắc ca. Qua khảo nghiệm, đánh giá của ngành Nông nghiệp đã khẳng định, một số vùng ở Tuy Đức có điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết mà cây mắc ca tương đối thích nghi nên ngành Nông nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch đất ở huyện Tuy Đức để phát triển cây mắc ca và đã được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2014, theo đó trong giai đoạn 2014 - 2020 quy hoạch trồng 12.448 ha.
Như vậy, tỉnh định hướng phát triển mắc ca nhưng chỉ quy hoạch một vùng ở Tuy Đức và phương thức chủ yếu vẫn là trồng xen với cây công nghiệp dài ngày, trong đó có cà phê và với các cây nông nghiệp ngắn ngày khác để khai thác hạt dùng chế biến thực phẩm, mỹ phẩm…có giá trị kinh tế cao. Mục đích trồng xen với các cây trồng còn để chắn gió cho cây nông nghiệp dài ngày và đề phòng khi mắc ca không hiệu quả thì nông dân vẫn có thu nhập từ những cây trồng khác nhằm đảm bảo đời sống. Nhu cầu thế giới về cung – cầu cho sản phẩm mắc ca trong hàng chục năm tới là rất lớn.
PV: Hiện nay, đề án đang được tỉnh ta triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Ngọc Duyên: Sau khi đề án được UBND tỉnh phê duyệt thì đơn vị đã phối hợp với huyện Tuy Đức, các doanh nghiệp bắt tay triển khai thực hiện. Các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp-PTNT và huyện Tuy Đức đã và đang tuyên truyền cho người dân nâng cao kiến thức và nhận thức về trồng cây mắc ca, phổ biến chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Công ty cổ phần Mắc ca Nữ Hoàng đã trồng thí điểm và lập dự án đầu tư để triển khai thực hiện từ năm 2015. Hiện nay, Công ty này cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch đất tại huyện Tuy Đức để xây dựng vườn sản xuất cây giống và nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt cho Công ty cổ phần Vinamacca xây dựng vườn giống mắc ca từ những cây đầu dòng tại Khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh tại địa bàn thị xã Gia Nghĩa để sau này cung cấp nguồn giống tại chỗ, đảm bảo chất lượng và giá cả rẻ hơn trên thị trường cho người dân mua về trồng.
PV: Trong việc thực hiện đề án này, người dân có nhận được sự hỗ trợ nào không, thưa ông?
Ông Đỗ Ngọc Duyên: Trong số 800 ha mắc ca đã được các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT trồng chủ yếu thuộc các chương trình như khuyến nông quốc gia, nông thôn mới, Dự án hỗ trợ phát triển vùng biên giới, Dự án 3EM… đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật, cây giống, phân bón.
Tỉnh và huyện Tuy Đức đã xác định phải chú trọng liên kết “4 nhà” để thực hiện Đề án phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuy Đức. Trong đó, doanh nghiệp sẽ trồng, tiêu thụ, chế biến và cùng với Nhà nước, cơ quan chuyên môn sẽ tăng cường công tác quản lý và hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật, đất đai, cây giống, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính phủ cũng đã có Nghị định 210/NĐ-CP về việc hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, người dân để trồng mắc ca. Hiện nay, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đang khảo sát, lập chương trình để cho các hộ dân vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Nông vay vốn tín dụng để trồng mắc ca.
PV: Về góc độ quản lý, ông có khuyến cáo với người dân trong thời điểm hiện tại nên trồng cây mắc ca như thế nào để đem lại hiệu quả và tránh rủi ro về sau?
Ông Đỗ Ngọc Duyên: Trong thời điểm hiện nay, tỉnh ta không thể phát triển trồng mắc ca ồ ạt trên quy mô toàn tỉnh được mà chỉ tập trung phát triển tại vùng quy hoạch trồng tập trung ở tại địa bàn 5 xã của huyện Tuy Đức là Đắk Búk So, Đắk R’tíh, Quảng Tâm, Quảng Tân, Quảng Trực, còn lại các huyện khác và thị xã thì chỉ nên làm điểm và sau đó có đánh giá cụ thể, nếu có hiệu quả thì mới triển khai.
Vì, mắc ca là cây trồng có đặc điểm sinh thái rất khó tính. Ví dụ như đặc tính sinh thái của nó là, về mặt sinh lý khi phát triển mầm hoa phải có khung nhiệt độ từ 120C - 220C trong phạm vi từ 2-3 tuần thì mầm hoa mới phát triển được và khi khí hậu, thời tiết mà phù hợp như vậy thì cây mới ra hoa được. Ra hoa được nhưng nếu không gặp gió to, sương muối, mưa phùn thì cây mới đậu trái được nhiều còn gặp các trường hợp trên thì tỷ lệ đậu trái rất thấp. Đặc tính thứ 2 là phải thụ phấn chéo cho nên trên một diện tích nông dân phải trồng từ 2-3 loại cây. Thứ 3, đó là đặc tính về giống của nó.
Nếu là cây thực sinh thì người dân phải trồng đến năm thứ 8 - 9 mới có trái nhưng tỷ lệ cây có trái rất ít. Chính vì thế, hiện nay, chúng ta phải sử dụng giống ghép thì mới nhanh có trái, từ năm thứ 3-4 đã có hoa có trái rồi. Thứ 4 là cây giống hiện nay bán trên thị trường phần nhiều chưa được kiểm soát chặt chẽ và không rõ nguồn gốc, chất lượng.
Về vấn đề này, Sở Nông nghiệp-PTNT đã có văn bản gửi huyện Tuy Đức và các huyện, thị xã khuyến cáo người dân chỉ mua giống ở những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc giống rõ ràng. Người dân chỉ sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và chỉ trồng trong vùng đã quy hoạch, phương thức trồng chủ yếu là trồng xen cây cà phê và các cây nông nghiệp ngắn ngày như đã nêu trên để sau này mang lại hiệu quả kinh tế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Nhiều năm trong nghề chăm cây cảnh và là chủ nhân của nhiều sáng tạo siêu "độc" lạ, ông Lê Đức Giáp được nhiều người coi như một "cuốn từ điển bách khoa", một người “thầy giáo” trong nghề trồng cảnh.
Không chấp nhận trước những khó khăn đã gặp phải trong nuôi cá tra, ông Hà Tấn Tâm ở khu vực Thới Thạnh (phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) đã liên kết với doanh nghiệp, đổi mới cách nuôi để vực dậy nghề mà ông đã chọn.
Tốt nghiệp đại học nhưng không đi làm thuê cho các công ty mà quyết chí về quê lập nghiệp, với hành trang là kiến thức kỹ thuật và tư duy dám nghĩ dám là, chàng “cử nhân nông dân” Bùi Quang Phong đã thu được những thành công đáng nể phục
Từ hai bàn tay trắng, anh Nguyễn Văn Tứ đã mạnh dạn vay lãi đầu tư trang trại khép kín nuôi lợn siêu nạc. Mỗi năm cho thu lãi tiền tỷ và trở thành người chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).
Từ việc bắt rắn mối đem về nuôi thử, chị Phạm Thị Lệ ở Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ thành bà chủ trại rắn có thu nhập lên tới trăm triệu đồng mỗi năm.