Làm Giàu Từ Nuôi Bò Sinh Sản
Từ một hộ nghèo có cuộc sống kinh tế khó khăn, nhờ áp dụng hiệu quả mô hình chăn nuôi bò sinh sản,đến nay gia đình ông Bùi Văn Bảo ở xóm Đồng Bái, xã Đú Sáng (Kim Bôi - Hòa Bình) là hộ điển hình trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng từ việc bán bò, bê.
Trước kia, gia đình ông Bảo chăn nuôi thuộc diện “mạnh” của xã nào là nuôi dê, trâu và lợn... Tuy nhiên, nuôi dê hay phá hoại hoa màu, nuôi lợn hay xảy ra dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế không cao, nhiều khi còn bị thua lỗ đậm. Bàn bạc với vợ con, ông chuyển sang nuôi bò sinh sản. Ông mua 2 cặp bò cái, sau gần 2 năm, bò đã sinh những chú bê con đầu tiên. Với phương châm “bê cái thì để nuôi nhằm tăng đàn, bê đực bán lấy tiền đầu tư tiếp”, đến nay, số lượng đàn bò của gia đình lên tới hơn 40 con, trong đó có một con bò đực giống Zebu được hỗ trợ theo Chương trình 135 của xã vào năm 2007.
Khi đàn bò tăng về số lượng cũng là lúc đòi hỏi nguồn thức ăn tăng lên. Để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho đàn bò, nhất là vào những tháng thời tiết xấu, mưa dầm, ông phải dự trữ, tận dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp như: rơm, ngô, cám... Được chăm sóc đầy đủ đàn bò của ông béo tốt, khỏe mạnh. Hiện nay, trong tổng đàn của gia đình ông có 24 con đã đẻ và một số đang chửa.
Ông Bảo chia sẻ: Nuôi bò sinh sản cũng đơn giản, ít rủi ro, trong một năm, bò đẻ và nuôi 8 tháng, đến 10 tháng là cho bán một con bê khoảng 10 triệu đồng (tùy con bê, tuỳ thời điểm và giá cả thị trường). Đặc biệt, nuôi bò lấy công làm lãi, không tốn kém nhiều về kinh tế, người nuôi chỉ cần đầu tư một lần. Hơn nữa, bò là gia súc lớn, sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh. Tuy nhiên, trong chăn nuôi để tránh rủi ro, thất thoát đàn, tôi tìm hiểu nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò sinh sản trên các phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh LMLM cho đàn bò.
Mỗi năm gia đình ông bán ra thị trường từ 10 - 15 con bê con, thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Không chỉ nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế, gia đình ông Bảo còn trồng 4 ha keo, trồng mướp đắng, bí đao để tăng thu nhập. ông Bùi Văn Bảo đã được Ban chấp hành Hội nông dân huyện Kim Bôi tặng giấy khen với thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác Hội năm 2010. Năm 2011 ông được Sở NN&PTNT tặng giấy khen với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
Có thể bạn quan tâm
Thiếu vốn sản xuất, khó mở rộng mặt bằng, đầu ra chưa ổn định là ba khó khăn lớn nhất mà người chăn nuôi ngoại thành đang gặp phải hiện nay.
Từ đầu năm đến nay, nhiều vùng nuôi tôm của tỉnh Phú Yên xảy ra dịch bệnh, gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. Hiện thời tiết ngày càng nắng gắt, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên diện rộng ở tôm nuôi rất cao, người nuôi cần tăng cường phòng và trị bệnh.
Trong khi ngành chăn nuôi và thủy sản chịu tác động mạnh bởi diễn biến thị trường thì các doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) gần như không hề hấn gì, thậm chí, mỗi ngày một mở rộng.
Hơn 2 tháng qua, ở Bạc Liêu xuất hiện nhiều thương lái lùng sục từng nhà dân tìm mua cá sấu loại từ 2 - 5kg khiến loại cá này hút hàng và tăng giá bất thường. Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, đây có thể là chiêu trò phá hoại kinh tế của thương lái Trung Quốc. Người gây nuôi cá sấu nếu không tỉnh táo sẽ sập bẫy khiến cho thị trường cá sấu bị lũng đoạn, kéo theo sụt giảm số lượng và chất lượng cá sấu giống trong tương lai.
Sau những ngày nắng nóng, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa, ảnh hưởng rất lớn đến việc tôm nuôi. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần chủ động các biện pháp nhằm ổn định môi trường nước phục vụ sản xuất.