Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lâm Đồng Nuôi Tằm Theo Công Nghệ Mới

Lâm Đồng Nuôi Tằm Theo Công Nghệ Mới
Ngày đăng: 25/04/2014

Dù mới chỉ có vài chục hộ ở TP Bảo Lộc và huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) bắt đầu sử dụng né gỗ để nuôi tằm và máy để gỡ kén tằm, thế nhưng, hiệu quả của việc nuôi tằm theo công nghệ mới này đã giúp người nông dân giảm được nhiều công lao động và tăng cao thu nhập.

Từ cuối năm 2013, 3 hộ dân tại thôn Xuân Phong (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) đã mạnh dạn đầu tư né gỗ và máy gỡ kén. Đây là những hộ tiên phong, dù ban đầu họ vẫn còn lo ngại về hiệu quả của bộ dụng cụ nuôi tằm còn rất mới mẻ này. Anh Nguyễn Ngọc An (thôn Xuân Phong, xã Đạ Pal) cho biết: “Được Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng hướng dẫn, tôi cùng với anh Đỗ Thanh Thiềm và chị Đỗ Thị Hoa (ở cùng thôn) đã lên Bảo Lộc mua né gỗ và máy gỡ kén. Ban đầu, mỗi hộ mua 50 cái né gỗ và một máy gỡ kén. Sau 4 - 5 lứa nuôi thử nghiệm, công lao động giảm đi rất nhiều so với nuôi tằm bằng né tre và gỡ kén thủ công. Chất lượng kén tằm cũng tăng cao nên giá bán cũng cao hơn hẳn”.

Sau khi nuôi tằm con trên nong theo cách thông thường, đến giai đoạn tằm chín, thay vì bắt lên né tre thì tằm được lên né gỗ. Né gỗ được thiết kế hình vuông và chia làm 776 ô vuông nhỏ. Chính giữa có trục xoay để khi treo lên giá đỡ, né có thể xoay vòng tròn quanh trục.

Anh An giải thích: “Sau khi rãi tằm lên né, nhiều con tằm vẫn tập trung vào một vị trí. Do đó, nếu chỗ nào nặng hơn do có nhiều tằm tập trung thì né sẽ xoay xuống dưới. Theo phản xạ tự nhiên, con tằm nào chưa tìm được chỗ để kết kén sẽ bò lên chỗ cao hơn để làm tổ.

Nhờ đó đã tránh được tình trạng tằm kết kén đôi. Người nuôi đỡ mất công bắt tằm kết kén đôi”. Điều đặc biệt là mỗi né đều được phân ô rõ ràng, nên mỗi con tằm chỉ ở trong ngăn riêng biệt của mình, không có sự “chung đụng” như nuôi bằng né tre.

Hơn nữa, mỗi ô được thiết kế vừa vặn với kích thước của kén tằm, nên lượng phân và nước tiểu đều được thải khỏi né, không dính vào kén của nhau. Chính vì vậy, chất lượng kén tằm cao hơn hẳn, tằm “lên tơ” đều và trắng muốt.

Khi thu hoạch kén, người nuôi tằm chỉ việc bỏ né vào máy dập kén. Máy dập được thiết kế khá đơn giản. Chỉ gồm một cần dập, bộ phận truyền động và một mặt phẳng gồm nhiều ô gỗ nhô lên tương ứng và vừa khít với các ô trên né. Mỗi lần dập, ½ lượng kén trên né sẽ được gỡ ra. Theo những người nuôi tằm, để gỡ kén trên 50 né tre phải mất 2 công lao động làm việc trong nửa ngày.

Còn khi sử dụng máy gỡ kén, chỉ cần một lao động làm việc trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Công lao động giảm nhiều, chất lượng kén lại cao, nên giá bán chênh lệch từ 30 đến 40 ngàn đồng/kg so kén trên né tre. Do đó, lợi nhuận của người nuôi tăng cao hơn rất nhiều.

Ngoài huyện Đạ Tẻh, hiện tại có khoảng 20 hộ dân tại xã Đam Bri (TP Bảo Lộc) cũng đã nuôi tằm theo công nghệ này. Một bộ né 50 cái và một máy gỡ kén có giá hiện tại gần 5 triệu đồng. Né gỗ và máy gỡ kén này do ông Ngô Ngọc Toàn (ngụ tại phường II, TP Bảo Lộc) giới thiệu cho các hộ dân mua.

Ông Toàn là một hộ ươm tơ lâu năm tại TP Bảo Lộc. Thấy chất lượng tơ kén của mình không tốt bằng một số nước trên thế giới, nên ông đã đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Ông Toàn cho biết: “Nuôi tằm bằng né gỗ và gỡ kén bằng máy là công nghệ của Nhật Bản. Thấy được hiệu quả đó, tôi đã đặt một công ty tại Nha Trang làm né gỗ và thiết bị gỡ kén; sau đó, giới thiệu cho nhiều hộ mua.

Tất cả những hộ dân nuôi tằm theo cách này đều được tôi bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn cách nuôi thông thường. Bởi lẽ, kén nuôi theo cách này cho sợi tơ có độ bền cao, không bị đứt khi xe tơ. Do không bị ảnh hưởng của phân và nước tiểu trong quá trình kết kén, nên lượng tơ lấy được rất nhiều, tơ phế phẩm rất ít.

Hiện tại, tùy từng vùng mà giá kén chênh lệch so với cách nuôi cũ khác nhau. Tại Bảo Lộc, giá chênh lệch là 15 ngàn đồng và tại Đạ Tẻh, giá chênh lệch là 40 ngàn/kg kén”. Theo một số hộ nuôi tằm, chỉ tính riêng khoản thu từ chênh lệch giá bán thì sau 1 - 2 lứa, người nuôi tằm đã có thể thu hồi vốn đầu tư né gỗ và máy gỡ kén.

Từ hiệu quả của việc nuôi tằm theo công nghệ này, hàng trăm hộ dân tại huyện Đạ Tẻh và TP Bảo Lộc đã đến tìm hiểu tại các hộ đã nuôi và chuẩn bị chuyển đổi sang cách nuôi mới này. Sau nhiều bước cải tiến, nuôi tằm dưới nền nhà, trồng dâu giống mới năng suất cao và nay là nuôi tằm bằng né gỗ và sử dụng máy gỡ kén, người nuôi tằm đã không còn phải chịu cảnh “ăn cơm đứng”.

Thay vào đó, hiệu quả của việc nuôi tằm ngày càng nâng cao và chi phí công lao động ngày càng giảm. Điều này đang từng bước góp phần khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm tại một số vùng trọng điểm của Lâm Đồng.


Có thể bạn quan tâm

Thu Nhập “Bạc Triệu” Nhờ Nuôi Tôm Thu Nhập “Bạc Triệu” Nhờ Nuôi Tôm

Nổi bật là hộ Nguyễn Văn Rừng thu lãi cao nhất với hơn 111 triệu đồng/ha, hộ Lê Thành Công thu lãi gần 82 triệu đồng/ha, Nguyễn Thành Trí thu lãi 70 triệu đồng/ ha, hộ Trần Văn Quân thu lãi trên 67 triệu đồng/ha... Mô hình này đã giúp nhiều nông hộ ở địa phương có được nguồn thu nhập đáng kể trong mùa nước nổi

01/10/2011
Trồng Sâm Ngọc Linh Theo Mô Hình Nhóm Ở Quảng Nam Trồng Sâm Ngọc Linh Theo Mô Hình Nhóm Ở Quảng Nam

UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết hàng chục hộ dân ở hai thôn 2, 3 xã Trà Linh vừa hình thành mô hình trồng sâm tập thể, bao gồm tổ trưởng, tổ phó, thư ký với trách nhiệm cụ thể được phân công cho từng thành viên (như chăm sóc, nuôi trồng, bảo vệ cây sâm…). Đây là mô hình mới nhất tại vùng sâm Ngọc Linh (sâm K5) có giá trị kinh tế rất cao, vì lâu nay chỉ có các vườn sâm riêng lẻ.

06/06/2012
Đã Chủ Động Được Các Giống Nấm Cao Cấp Ở Bảo Lộc Đã Chủ Động Được Các Giống Nấm Cao Cấp Ở Bảo Lộc

Nếu như trước đây, người trồng nấm ở Bảo lộc gần như chỉ tập trung vào sản xuất giống nấm mèo bởi có đầu ra ổn định (dù không đem lại giá trị kinh tế cao) và cũng không đòi hỏi kỹ thuật cao trong nuôi trồng. Nay, các loại nấm cao cấp như sò đùi gà, bào ngư nhật, bào ngư xám… đã được các hộ trồng nấm mạnh dạn đưa vào sản xuất, bởi ngoài lợi ích kinh tế họ còn không phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp giống.

20/05/2012
Kiểm Tra Mô Hình Nuôi Ghép Cá Rô Phi Đơn Tính Đực Là Chính Theo Hướng GAP Kiểm Tra Mô Hình Nuôi Ghép Cá Rô Phi Đơn Tính Đực Là Chính Theo Hướng GAP

Ngày 30/5/2012, đoàn cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia đã tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực theo hướng GAP trong ao tại tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh.

10/06/2012
Lãi Hơn Nửa Tỉ Một Năm Nhờ Nuôi Gà Lãi Hơn Nửa Tỉ Một Năm Nhờ Nuôi Gà

Đến xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ (Long An), ai cũng biết anh Trịnh Văn Bé Sáu là nông dân điển hình thực hiện nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, mỗi năm lãi hơn 500 triệu đồng.

10/06/2012
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.