Hướng Phát Triển Mới Trong Chăn Nuôi Bò Ở Ba Tri (Bến Tre)
Huyện Ba Tri có đàn bò lớn nhất tỉnh Bến Tre. Nghề nuôi bò ở Ba Tri được xem là kinh tế chủ lực của hàng ngàn hộ nông dân nơi đây. Chính vì vậy, nghề nuôi bò được người dân chú trọng, bà con luôn tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi để đem về giá trị kinh tế cao cho gia đình.
Khi các dự án về cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện, nông dân Ba Tri đã nhanh chóng tiếp cận, áp dụng đại trà. Hiệu quả nhất là dự án “Cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt Việt Nam giai đoạn 2006-2010” giữa Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bến Tre triển khai được nông dân Ba Tri nhiệt tình hưởng ứng, góp phần lai tạo ra những giống bò có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, đa phần hộ dân nuôi bò ở Ba Tri áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để tạo ra là những bê lai thuộc các nhóm Sind, Brahman, bò siêu thịt (Red Angus).
Hiện nay, Hội Nông dân phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa triển khai thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện.
Theo Dự án, quy mô thực hiện phát triển chăn bò sữa theo quy mô nông hộ. Bước đầu Dự án được thí điểm tại 3 xã Phú Lễ, An Bình Tây và Mỹ Nhơn với tổng số hộ tham gia là 134 hộ, những hộ được chọn phải có từ 2 bò cái lai Sind hoặc Brahman trở lên.
Điểm thuận lợi để Ba Tri phát triển đàn bò sữa là do địa phương có đàn bò thịt chất lượng cao, đáp ứng đủ các yếu tố để lai tạo. Trong những năm qua, nhờ áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, mà đàn bò của Ba Tri đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo ra những giống bò lai kinh tế cao như giống bò lai Sind và Brahman. Đặc điểm của các giống bò này cao to, thích nghi với điều kiện tự nhiên tại địa phương.
Phương pháp lai tạo bò sữa, là dùng giống bò địa phương (bò cái lai F1 giống Sind hoặc Brahman) lai tạo với giống bò sữa HF bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, do sử dụng tinh trùng xác định giới tính nên bê con sinh ra 100% là bê cái.
Một bê con sinh ra nuôi từ 5 đến 6 tháng tuổi trị giá 20 triệu đồng (theo giá thị trường hiện nay), nếu nuôi đến 9 tháng tuổi sẽ cho sữa, lượng sữa cho mỗi ngày từ 10-12kg, kể từ năm thứ hai trở đi lượng sữa ổn định và tăng lên, đồng thời nguồn thu nhập từ sữa sẽ cao hơn. Đối với bò sữa lai thế hệ thứ hai (F2) nếu tiếp tục nuôi lấy sữa, lượng sữa cho từ 22-25 kg/ngày/con, giá sữa hiện nay 12.000đ/kg.
Sau thời gian một năm nuôi (từ thời điểm bò bắt đầu cho sữa), mỗi hộ nuôi 2 con dự kiến lợi nhuận khoảng 80-96 triệu đồng. Nếu so sánh về kinh phí đầu tư cho việc nuôi bò sữa và bò sinh sản là tương đương nhau, nhưng lợi nhuận thu về từ việc nuôi bò sữa ước tính cao gấp hai lần so với bò sinh sản.
Khi tham gia Dự án, nông dân sẽ được hỗ trợ một phần tiền mua tinh trùng bò sữa HF, được hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi về các khâu như: chuồng trại, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh… đồng thời được tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả tại một số địa phương khác.
Để hướng phát triển lâu dài, huyện sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu, thành lập trạm thu mua sữa tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con chăn nuôi phát triển đàn bò sữa.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều hộ trồng tiêu tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai khá lo lắng khi thấy các trụ tiêu trong vườn đang phát triển xanh tốt lại bị rụng từng chùm trái non. Có hộ cho rằng, đó là vì bệnh rụng sinh lý hoặc tiêu quá sai nên cây không đủ sức nuôi nên tự loại thải…
Năm nay, nước lũ về chậm, lại ít, thậm chí có nơi còn "vắng bóng" làm ảnh hưởng lớn đến việc mưu sinh của nhiều nông dân. Không chỉ vậy, nhiều người còn lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất vụ lúa đông xuân sắp tới...
Ở vùng chè cổ, người dân làm chè theo truyền thống từ lâu đời nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới không phải chuyện đơn giản.
Tuy đang trong thời điểm mùa lũ nhưng giá các loại rau màu trên địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) luôn ở mức thấp, năng suất không cao, nhiều nông dân không thu lợi nhuận.
Sau một thời gian giảm xuống ở mức thấp, giá nhiều loại lúa, gạo tại ĐBSCL tăng từ 100 - 200 đồng/kg so với cách nay 2 tuần. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận, như: Hậu Giang, An Giang…