Krông Nô Thúc Đẩy Sản Xuất Cây Lương Thực Theo Hướng Nông Nghiệp Công Nghệ Cao

Huyện Krông Nô có khoảng 19.000 ha đất nông nghiệp và điều kiện về nguồn nước khá thuận lợi cho sản xuất cây lương thực, chủ yếu là lúa, ngô, với sản lượng hàng năm đạt khoảng 123.000 tấn. Vì vậy, hiện địa phương này được tỉnh chọn là vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa trọng điểm của tỉnh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Với ưu thế trên, hiện nay huyện đã xây dựng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn”, vùng lúa cao sản, vùng trọng điểm lương thực quy mô 550-600 ha tại các xã Đắk D’rô, Nam Đà, Buôn Choáh và Đức Xuyên. Một số diện tích lúa cạn cũng được duy trì với quy mô hợp lý trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã trong huyện.
Thời gian qua, với mô hình “cánh đồng mẫu lớn” chuyên canh lúa nước tại xã Buôn Choáh trong cả hai vụ đông xuân và hè thu khoảng 100 ha đã tạo ra vùng sản xuất tập trung.
Trong quá trình sản xuất, người dân được hướng dẫn áp dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng các công nghệ vi sinh để xử lý đất, phòng trừ sâu bệnh, nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 11,5 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất lúa ngoài mô hình mẫu.
Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” còn được triển khai thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap (sản xuất sạch), từng bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm gạo Buôn Choáh. Phát huy những kết quả đạt được, trong vụ đông xuân 2014-2015 này, huyện cũng đang triển khai mở rộng diện tích “cánh đồng mẫu lớn” tại thôn Nam Tiến lên khoảng 90 ha.
Đối với cây ngô, từ năm 2012, huyện đã triển khai thí điểm mô hình trồng ngô giống F1 với diện tích 0,2 ha trên địa bàn xã Đức Xuyên, kết quả đạt 8 tấn/ha. Qua đánh giá điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng các xã ven sông Krông Nô cơ bản phù hợp, năm 2013, huyện đã vận động nông dân tổ chức sản xuất cây ngô giống F1 với quy mô lớn đạt diện tích hơn 35 ha, năng suất đạt 5,6 tấn/ha.
Còn trong vụ đông xuân 2014-2015 này, huyện tiếp tục triển khai sản xuất 55 ha ngô giống lai F1 tại địa bàn các xã Đức Xuyên, Buôn Choáh, Đắk Nang. Trong đó, sản xuất tập trung tại xã Đức Xuyên 50 ha, gồm 2 ha giống ngô 8411 và 8416; các xã còn lại triển khai sản xuất thí điểm mỗi xã 2,5 ha.
Hiện nay, Công ty TNHH CP hạt giống Việt Nam đã ký hợp đồng với các hộ dân tại các xã xuống giống xong, cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, cây khoai lang, một số loại đậu đỗ... cũng được triển khai xây dựng mô hình, kết hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nhân rộng ra các vùng trên địa bàn.
Theo ông Đỗ Doãn Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô thì theo kế hoạch, năm 2015, dự kiến diện tích gieo trồng lúa của huyện là 5.392 ha, sản lượng 31.660 tấn; cây ngô: 15.550 ha, sản lượng 108.850 tấn.
Dựa vào điều kiện đất đai cũng như trình độ canh tác ngày càng cao của nông dân, huyện đã quy hoạch các vùng chuyên canh với diện tích lớn, xây dựng hạ tầng kèm theo để thúc đẩy sản xuất cây lương thực theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, huyện cũng đang xúc tiến xây dựng thương hiệu để tăng giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định và hình thành ngành công nghiệp chế biến.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/krong-no-thuc-day-san-xuat-cay-luong-thuc-theo-huong-nong-nghiep-cong-nghe-cao-36425.html
Có thể bạn quan tâm

Người nuôi cá lóc ở ĐBSCL đang thắng lớn khi giá cá đang đứng ở mức 42.000-45.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi thu về lợi nhuận từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Với lợi thế vùng đồng màu cùng với kinh nghiệm sản xuất qua nhiều năm tích lũy, các hộ nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) đã thực hiện nhiều biện pháp thâm canh, chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng với các công thức luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng cây rau màu trái vụ một cách hợp lý, phù hợp với từng chất đất và mùa vụ, tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với dịch vụ thị trường tạo nên nhiều cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu trên mỗi ha.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: 1- Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; 2- Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; 3- Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; 4- Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.

Thuộc diện hộ nghèo của xã Cam Thủy (Cam Lộ), gia đình ông Lê Phước Hoàng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất ở vùng kinh tế mới Cam Thủy Bắc để phát triển sản xuất. Có đất đai và sức lao động nhưng vì không có vốn đầu tư sản xuất nên thời gian đầu ông Hoàng chỉ trồng được vài giống cây ngắn ngày.

Hồ tiêu là một trong những loại cây chủ lực xóa đói giảm nghèo ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, khoảng từ năm 2009-2012 vì lý do cây bị bệnh chết nhanh, giá cả không ổn định nên nhiều người dân tạm ngừng trồng tiêu, chuyển sang trồng các loại cây khác.