Kinh Nghiệm Giữ An Toàn Tàu Thuyền Trong Mùa Bão
Trong điều kiện âu thuyền tránh bão còn nhiều hạn chế, việc nâng cao ý thức, phổ biến kinh nghiệm cho ngư dân neo đậu đảm bảo an toàn tàu thuyền là hết sức cần thiết.
Mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ trị giá từ vài tỷ đồng trở lên là tài sản lớn nên việc neo đậu an toàn trong bão lũ được ngư dân quan tâm. Nhớ lại những trận bão của nhiều năm trước, anh Nguyễn Văn Độc ở thị trấn Thuận An (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) không khỏi xót xa do chủ quan trong việc neo đậu tránh trú bão khiến tàu anh hư hỏng nặng.
Cứ mỗi lần hư hỏng, phải chi phí từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng sửa chữa, khắc phục. Những mùa bão lũ gần đây, nhờ kinh nghiệm, chủ động giằng chống, neo đậu an toàn nên không để xảy ra sự cố, hư hỏng nặng. Anh Độc nói: “Chiếc tàu đóng mới cách đây 15 năm trị giá trên 1,5 tỷ đồng là tài sản lớn của gia đình nên không thể chủ quan, lơ là được”.
Anh Độc chia sẻ, kinh nghiệm neo đậu tàu thuyền an toàn là không nên neo riêng lẻ, mà phải tuân thủ kết hợp neo hàng ngang, mạn các tàu bám sát nhau. Nên phối hợp với các chủ tàu tổ chức neo đậu, ràng buộc các tàu với nhau hạn chế tình trạng va đập, tránh bị chìm gây hỏng máy và các trang thiết bị...
Mấy ngày này, anh Phan Văn Thành ở xã Phú Thuận (Phú Vang) bận rộn hơn mọi ngày. Vừa kiểm tra, sửa chữa ngôi nhà đảm bảo an toàn trong mùa bão lũ, anh Thành còn tất bật chọn vị trí phù hợp, mua sắm thêm vật tư, dây buộc... để neo đậu tàu xa bờ của mình.
Chiếc tàu công suất 225 CV của gia đình anh mang biển số 90999, đóng mới cách đây 20 năm, trị giá gần 2 tỷ đồng. Anh Thành chia sẻ: “Số tiền này hồi đó lớn lắm, phải vay ngân hàng, mượn người thân. Gia đình mới đầu tư trên trăm triệu đồng để sửa chữa, đại tu chiếc tàu. Số tài sản quá lớn đối với gia đình là phương tiện giúp thoát nghèo, vươn lên khá giàu nên phải bảo vệ an toàn trong mùa bão lũ”.
Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 1.943 tàu thuyền, trong đó 265 tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 90 CV trở lên, 377 chiếc tàu có công suất 20 CV đến 90 CV, còn lại là thuyền bãi ngang ven biển. Mỗi chiếc ghe, gọ, thuyền nan vùng bãi ngang trị giá từ 50 triệu đến vài trăm triệu đồng nên người dân không chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ tàu thuyền mùa bão lũ. Thời điểm này, nhiều ngư dân đang tiến hành di chuyển các thuyền bãi ngang lên bờ tránh bão...
Lo nhất đối với thuyền bãi ngang ven biển là những lúc sóng gió lớn dễ bị cuốn trôi, hoặc bị lật gây hư hỏng nặng nên người dân phải đưa thuyền trú bão cách xa bờ biển trên 500 m. Các thuyền bãi ngang khi chuyển lên bờ trú bão cũng phải đậu sát và buộc vào nhau để tránh gió lùa, sóng cuốn...
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh khá yên tâm về công tác bảo vệ an toàn tàu thuyền trong mùa mưa bão năm nay. Ngư dân có nhiều kinh nghiệm, chủ động và kịp thời hơn trong việc neo đậu, giằng buộc, bảo vệ tàu thuyền nên ít trường hợp xảy ra hư hỏng nặng.
Các địa phương, ban ngành liên quan cần quản lý chặt chẽ hơn trong việc neo đậu tránh trú bão; cương quyết xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định, cố tình ra biển trong thời điểm không an toàn.
Có thể bạn quan tâm
Nghề cá của tỉnh vừa kết thúc vụ sản xuất chính thành công nhờ tính năng động, linh hoạt tổ chức sản xuất của ngư dân cộng hưởng với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bản chất của ngành gạo Việt Nam là đang đi vào “vết xe đổ” của nhiều ngành công nghiệp như dệt may, da giày. Tức là ngành gạo cũng đang đi gia công cho thế giới khi mà giá trị gia tăng cho người sản xuất chỉ ở mức thấp.
Đó là khẳng định của các hộ chăn nuôi gà Đông Tảo trên địa bàn xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Một chất cấm mới có tên Vàng-Ô (nguyên liệu làm ve quét tường trong xây dựng hoặc sử dụng để nhuộm màu vải) được dùng để tạo màu vàng cho thịt gà trong quá trình chăn nuôi.
Sau một thời gian sụt giảm, giá thịt gà trong nước đang có chiều hướng tăng trở lại. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành chăn nuôi.