Phá Mía Nuôi Tôm, Nguy Cơ Vỡ Qui Hoạch Ở Sóc Trăng
Hai năm trở lại đây, dịch bệnh trên tôm ở vùng nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng giảm nên nông dân trúng tôm, trúng giá, cuộc sống khấm khá hẳn lên. Trong khi đó, cùng thời gian này vùng nguyên liệu mía đang “chết đứng” do giá mía nguyên liệu xuống thấp, chi phí sản xuất cao khiến nông dân có lãi ít hoặc phá huề.
Không ít nông dân ở vùng nguyên liệu mía thuộc huyện Long Phú, Cù Lao Dung chán nản, không còn mặn mà trồng mía nữa, nhiều hộ chuyển sang nuôi tôm, họ thuê máy cuốc đào phá bỏ ruộng mía, làm ao nuôi tôm.
Lại phá mía nuôi tôm
Chúng tôi tìm đến vùng nguyên liệu mía dọc theo tuyến Nam Sông Hậu thuộc địa bàn thị trấn Long Phú, huyện Long Phú vào những ngày đầu năm mới. Nơi đây vốn được xem là một trong ba địa bàn có diện tích trồng mía lớn của huyện, với hơn 200 ha.
Cả cánh đồng mía bạt ngàn ngày nào giờ chỉ còn thưa thớt vài diện tích nằm đan xen với những ao tôm rộng lớn vừa mới đào, đang xử lý đáy, chờ nước sông Hậu đủ mặn là đưa vào nuôi tôm. Một đám ruộng mía vừa thu hoạch, cũng được thuê cơ giới đào xúc lên chuyển sang nuôi tôm...
Chuyện nuôi tôm giúp nhà nông đổi đời không phải là chuyện mới ở Sóc Trăng. Thực tiễn, đã có hàng chục nghìn hộ ở các huyện Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu, Ngã Năm, Trần Đề… nhờ kết hợp nuôi tôm với trồng lúa đã đổi đời, trở nên giàu có.
Chúng tôi đến huyện Cù Lao Dung – huyện có thế mạnh là vùng nguyên liệu mía của tỉnh Sóc Trăng với hơn 8.000 ha. Ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, cho biết: Trước đây, cây mía từng đồng hành với nông dân đất cù lao này hàng chục năm qua.
Thế nhưng mấy năm gần đây, giá mía xuống thấp, chi phí sản xuất cao, vật tư nông nghiệp cứ tăng liên tục khiến nông dân trồng mía không còn lãi như trước. Mùa mía 2013, hộ lãi cao nhất là 30 triệu đồng. Có hộ không có lãi nên nông dân không còn mặn mà với cây mía. Từ đầu năm 2014 đến nay, bà con đã phá khoảng 300 ha mía chuyển sang nuôi tôm.
Những hộ không có vốn đã cho thuê ruộng trồng mía để những hộ có điều kiện đào ao nuôi tôm với giá cho thuê 50 triệu đồng/ha/năm. Theo bà con nông dân, cho thuê như thế vừa khỏe, vừa có thu nhập cao hơn trồng mía.
Ông Phạm Văn Trung, ngụ ấp 2, thị trấn Long Phú mướn cơ giới vào đào 5 công mía làm ao nuôi tôm, ông bộc bạch: “Hơn 30 năm nay, tôi chỉ chuyên canh cây mía 1vụ/năm, tính ra thu nhập cũng khá ổn định nhờ mía có giá. Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây giá mía thấp, suýt bị lỗ nên tôi và một vài hộ lân cận quyết định phá mía, đào ao để nuôi tôm, vì tôm hiện đang có giá”.
Bà Phạm Thị Thương cùng ấp với ông Trung cũng vừa đào xong 3 công trong số 20 công ruộng trồng mía lâu nay để chuyển sang nuôi tôm. Bà Thương rất tự tin với sự chuyển hướng làm ăn này. “Giờ ao nuôi đã sẵn sàng, chờ lấy nước mặn đưa vào ruộng.
Nếu nuôi tôm thuận lợi sẽ kiếm tiền tỉ chứ không phải bạc chục triệu như trồng mía” - bà Thương lạc quan. Còn hộ ông Nguyễn Văn Mỹ, ấp 2, thị trấn Long Phú, chia sẻ: “Gần 5 năm chuyển từ cây mía sang con tôm, thất bại thành công từ việc nuôi loài thủy sản này tôi đều trải qua.
Riêng năm 2012, 2013 tôi đều trúng lớn, thu về bạc tỉ. Với tôm thẻ chân trắng, năm 2013, diện tích mặt nước ao nuôi 3.000m2 thu được gần 700 triệu đồng. Tôi nuôi tôm 3 vụ/năm, kiếm lời hơn 2 tỉ đồng, nhiều hơn gấp mấy chục lần trồng mía”.
Sang huyện Cù Lao Dung, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng anh Lê Hồng Tuấn ở ấp Phan Thành Hơn B, xã An Thạnh Nhì. Anh Tuấn cho biết: Mấy năm qua, nuôi tôm trúng lớn trong khi trồng mía năm 2013, tôi chỉ lãi được 10 triệu đồng/ha nên đầu năm nay, tôi thuê máy đào mới thêm 2 ha nâng tổng diện tích nuôi tôm lên 5 ha.
Mỗi một héc-ta tôi lãi hơn 6 tỉ đồng. Nhờ nuôi tôm thắng lợi, anh Tuấn cất nhà, đầu tư bình điện 3 pha riêng để phục vụ cho việc nuôi tôm. Cũng tại ấp Phạm Thành Hơn B, ông Nguyễn Hoàng Phục, 53 tuổi sau khi thất bát vụ mía 2013 đã đầu tư gần 50 triệu đồng thuê máy đào 4.500m2 ruộng mía để chuyển sang nuôi tôm với hy vọng đổi đời từ con tôm.
Ông Phạm Hùng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, cho biết, ông cũng thực hiện nuôi tôm được 1,7 ha. Năm nay, ông đào mới thêm 1,5 ha nữa nâng tổng diện tích nuôi tôm lên 3,2 ha. Gia đình ông Văn cũng đầu tư bình hạ thế để chạy máy sa quạt cho vuông tôm nuôi công nghiệp. Hai 2 năm qua nuôi tôm không bị bệnh dịch nên lãi khá lớn.
Lộ diện những khó khăn
Hiện nay, rất nhiều hộ dân trồng mía bị thua lỗ đều muốn đào ao nuôi tôm, nhưng không phải nông dân nào cũng có đủ điều kiện để chuyển đổi từ trồng mía sang nuôi tôm vì chi phí cải tạo ao, con giống, thức ăn khá cao... Trong khi đó, nguồn vốn vay của ngân hàng chỉ vài chục triệu đồng không đáp ứng đủ yêu cầu của việc nuôi tôm.
Trao đổi với chúng tôi, cả ông Phạm Văn Trung và bà Phạm Thị Thương đều tỏ ra lo lắng về vấn đề điện. Muốn có điện 3 pha để phục vụ nuôi tôm, người dân phải tự bỏ tiền đầu tư với chi phí vài trăm triệu đồng, nhiều hộ đành bỏ cuộc. Vì vậy, các hộ đều mong muốn được ngành chức năng xem xét đầu tư lưới điện 3 pha để họ có điều kiện chuyển đổi sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ngoài ra, yếu tố kỹ thuật cũng hết sức quan trọng cho việc nuôi tôm đạt hiệu quả hay không. Nhiều hộ nông dân trồng mía nay chuyển đổi sang nuôi tôm nhưng kinh nghiệm và kỹ thuật hầu như chưa có.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, cho biết: “Tổng diện tích trồng mía của 3 xã ven đường Nam Sông Hậu (Long Đức, Long Phú và thị trấn Long Phú) đầu năm nay giảm từ 633 ha nay còn 500 ha.
Theo định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, huyện qui hoạch diện tích nuôi tôm là 300 ha đối với 3 địa phương trên, khuyến cáo nông dân không nên chuyển đổi ào ạt, phá vỡ qui hoạch vùng trồng mía và nuôi tôm của huyện. Hiện tại khu vực này có 68 ha nuôi tôm và số đào mới năm 2013 là 18 ha. Đầu năm 2014 này, có 96 ha tôm được thả nuôi trên địa bàn 3 xã này.
Để đảm bảo vụ nuôi tôm của bà con đạt kết quả Phòng Nông nghiệp khuyến cáo vừa nuôi tôm thẻ vừa nuôi tôm sú đồng thời khuyến cáo bà con thả con giống đúng lịch thời vụ. Đồng thời, phối hợp với Điện lực Long Phú đầu tư trạm điện 3 pha phục vụ cho người nuôi tôm trong khu vực”.
Ông Trần Bé Tư, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, cho biết: Để giúp nông dân tháo gỡ khó khăn về nguồn điện trong nuôi tôm, UBND huyện đã đề nghị với Điện lực Sóc Trăng đầu tư 16 tỉ đồng lắp đặt mới 34 trạm và kéo 10 km đường dây cho vùng qui hoạch nuôi tôm của huyện.
Ngoài ra, trước phong trào chuyển đổi từ ruộng mía sang nuôi tôm thẻ chân trắng, một thực tế đang diễn ra là sự khan hiếm con giống đạt chất lượng.
Vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ và cả tay nghề, kỹ thuật nuôi đang là những thách thức đối với hai huyện Cù Lao Dung và Long Phú.
Vụ nuôi tôm mới năm 2014 đang phập phồng nhiều nỗi lo, trong đó nỗi lo lớn của chính quyền địa phương là nông dân chạy theo lợi nhuận con tôm sẽ phá vỡ qui hoạch vùng nguyên liệu mía.
Có thể bạn quan tâm
Liên tiếp trong những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thường xuyên xuất hiện mưa to trái mùa.
Bấy lâu nay, bà con nông dân xã Tân Thành, phường Tân Thành, TP Cà Mau, chỉ quan tâm đến việc nuôi cá bống tượng, cá chình dưới mặt nước, còn trên bờ liếp ao cá để cỏ mọc hay chỉ trồng lưa thưa các cây ngắn ngày hiệu quả kinh tế thấp, vì trồng cây lâu năm sợ ảnh hưởng đến cá nuôi.
Một ngày nắng gắt cuối tháng 3, chúng tôi về thăm trang trại của chị Phan Thị Hằng ở thôn Tân An, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Chị Hằng là người được nhiều nông dân ở xã Hải An ngưỡng mộ bởi ý chí vượt khó làm giàu.
Người dân ở các thành thị của Hàn Quốc đang có xu hướng đổ về nông thôn sống và làm việc sau khi nghỉ hưu, khiến đời sống xã hội ở các vùng quê này trở nên đa dạng và khởi sắc.
Theo thống kê của Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện toàn khu vực Tây Nguyên có hơn 450.000ha cà phê, trong đó có 100.000ha già cỗi (trên 20 năm tuổi) cần tái canh.