Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dự Án Nuôi Cá Chình Thương Phẩm Hướng Đi Mới Cho Nghề Nuôi Cá Chình

Dự Án Nuôi Cá Chình Thương Phẩm Hướng Đi Mới Cho Nghề Nuôi Cá Chình
Ngày đăng: 05/03/2014

Cá chình là một trong những đối tượng nuôi được đánh giá là mang lại lợi ích kinh tế khá cao, hiện đang được các nước đầu tư nuôi theo hướng công nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các chuyên gia trong ngành thủy sản cho rằng: Việt Nam hoàn toàn có đủ các điều kiện để nhân nuôi cá chính thương phẩm, đồng thời có thể chuyển giao công nghệ nuôi đến nông dân, các doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh nghề nuôi cá chình ngày càng phát triển.

Chính từ đó, năm 2012, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn, Sản xuất và Dịch vụ Khoa học Công nghệ thủy sản, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, Nha Trang đã bắt tay thực hiện Dự án: “Hoàn thiện công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa theo hình thức công nghiệp”. Đây là Dự án nghiên cứu về nhân nuôi cá chình đầu tiên ở trong nước, mở ra nhiều hướng đi cho nghề nuôi trồng thủy sản hiện nay.

Cơ sở ươm giống và nuôi cá chình thương phẩm được nhóm nghiên cứu đặt tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, vì khu vực này có nhiều thuận lợi về nguồn nước, khí hậu để nuôi thử nghiệm cá chình. Hôm nay, Thạc sĩ Hoàng Văn Duật – Chủ nhiệm Dự án cùng với các cộng sự đang đưa những con cá chình vừa hoàn thiện quá trình ươm giống để nuôi thương phẩm.

Dự án phải hoàn thành 4 nội dung quan trọng đó là: Thiết kế, hoàn thiện trang thiết bị, nhà xưởng cho ươm giống và nuôi thương phẩm cá chình theo phương thức công nghiệp; thử nghiệm ương cá chình giống; thử nghiệm nuôi thương phẩm cá chình; xây dựng quy trình công nghệ, triển khai một số mô hình ra cộng đồng, để đánh giá.

Theo dự kiến đến năm 2015 mới kết thúc, thế nhưng đến nay, dự án đã hoàn thiện được 2/3 chặng đường, đã có hơn 1 triệu con giống được ươm nuôi thành công.

Bên cạnh đó, cá chình thương phẩm cũng được xuất ra thị trường khá nhiều và bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là một thành công lớn của Dự án cũng như nhóm nghiên cứu.

Thạc sĩ Hoàng Văn Duật – Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Sản xuất và Dịch vụ Khoa học công nghệ thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, Nha Trang cho biết: “Cá chình là đối tượng nuôi lớn, tiềm năng giá trị kinh tế cao, trong khi các công trình nghiên cứu chưa đáp ứng.

Ở các nước trên thế giới phát triển được trong khi điều kiện môi trường của họ hoàn toàn không ưu đãi như Việt Nam, đây là lý do chúng tôi chọn cá chính là đối tượng nghiên cứu”.

Dự án sản xuất thử nghiệm ương cá chình giống và nuôi thương phẩm cá chình dựa trên công nghệ nuôi tiên tiến của thế giới là nuôi mật độ cao trong hệ thống nước tuần hoàn khép kín, sử dụng ôxy nguyên chất và thức ăn công nghiệp chuyên dụng cho cá chình, đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường.

Với công nghệ nuôi khép kín như hiện nay sẽ đảm bảo hoạt dộng nuôi mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí và tránh được nhiều dịch bệnh.

Bên cạnh việc hoàn thành các nội dung chính của Dự án, nhóm nghiên cứu phải thực hiện hàng loạt các công nghệ liên quan như: công nghệ sản xuất thức ăn, công nghệ lọc nước… đây được xem là những giải pháp kỹ thuật quan trọng trong hoạt động nuôi cá chình.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Nam – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3, Nha Trang cho biết: “Dự án này đã đạt được mục tiêu Nhà nước đặt ra đó là nâng cao được tỷ lệ sống cũng như năng suất thương phẩm, các cán bộ khoa học đã hết sức sáng tạo, vận dụng nhiều công nghệ vào mô hình, như công nghệ lọc nước sinh học, oxi lỏng phổ biến các nước, nhưng ở Việt Nam ít được áp dụng”.

Cá chình là đối tượng nuôi rất mới, đòi hỏi nhóm nghiên cứu phải thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật phức tạp. Do vậy, quá trình nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn như: Dịch bệnh trên cá chình khá phức tạp; việc thu gom con giống từ tự nhiên mất nhiều thời gian, công sức; nguồn thức ăn phải nhập khẩu; máy móc thiết bị chưa đồng bộ; thị trường tiêu thụ chưa quen với con giống mới, đặc biệt, việc đầu tư đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.

Do vậy, nhóm nghiên cứu phải kết hợp với doanh nghiệp để thực hiện đầu tư, nghiên cứu đạt hiệu quả cao nhất.

Bà Trần Thị Tuyết – Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân, Nha Trang cho biết: “Tôi nhận thấy đây là dự án mới, mà định hướng công ty là phát triển cá chình theo hướng công nghiệp.

Qua thời gian tham quan một số nước thấy dự án có tính khả thi phù hợp với mục tiêu đề ra. Thêm nữa nữa, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III có đề tài ứng dụng cao nên chúng tôi quyết định tham gia dự án”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khí hậu, điều kiện nuôi ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Trung Bộ, Nam Bộ và miền Tây hoàn toàn có đủ khả năng để nuôi cá chình thương phẩm.

Chính vì vậy, dự án ươm giống và nuôi cá chình thương phẩm thành công sẽ mang lại nhiều hy vọng cho nghề nuôi cá chình trong nước; mở ra khả năng cung cấp một lượng cá giống lớn có chất lượng cho thị trường, giúp nghề nuôi cá chình dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn cá giống lớn khai thác tự nhiên như hiện nay.

Các doanh nghiệp và người dân có điều kiện hoàn toàn đủ khả năng để tiếp cận, thực hiện nuôi theo hướng công nghiệp. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện quy trình nuôi cá chình để chuyển giao rộng rãi trong cả nước.


Có thể bạn quan tâm

Ngư Dân Sông Đốc Trúng Mùa Cá Ngư Dân Sông Đốc Trúng Mùa Cá

Ông Đoàn Quốc Lượm một ngư dân tại cửa biển Sông Đốc cho biết: Sau khoảng 20 ngày khai thác, chiếc tàu lưới kéo của gia đình thu hoạch được hàng chục tấn cá các loại. Do giá cá biển đang ở mức cao, nên sau khi trừ chi phí và chia cho ngư phủ, ông Lượm còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Được mùa cá, nhưng các phương tiện làm nghề câu mực tại thị trấn Sông Đốc lại có một chuyến biển thất thu, chỉ từ huề đến lỗ vốn.

11/08/2014
Sản Lượng Tôm Ở Kiên Giang Tăng Mạnh Sản Lượng Tôm Ở Kiên Giang Tăng Mạnh

Riêng với tôm nuôi công nghiệp, sau khi đã thu hoạch, các doanh nghiệp đang cải tạo để thả nuôi đợt tiếp theo. Năm 2014, ngành nông nghiệp Kiên Giang phấn đấu đạt sản lượng 52.000 tấn tôm nuôi, tăng 10.000 tấn so với năm trước.

11/08/2014
Bà Rịa – Vũng Tàu Xây Dựng Thành Công Mô Hình Ương Giống Tôm Thẻ Chân Trắng Bà Rịa – Vũng Tàu Xây Dựng Thành Công Mô Hình Ương Giống Tôm Thẻ Chân Trắng

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã triển khai mô hình trình diễn “Ương giống tôm thẻ chân trắng” tại hộ ông Phạm Văn Trí ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc – khu vực có diện tích nôi tôm công nghiệp lớn nhất toàn tỉnh hiện nay (trên 150 ha).

11/08/2014
Quảng Trung (Quảng Xương, Thanh Hóa) Nhiều Diện Tích Tôm Cá Chết Rải Rác Quảng Trung (Quảng Xương, Thanh Hóa) Nhiều Diện Tích Tôm Cá Chết Rải Rác

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã và các hộ nuôi trồng thủy sản thì việc tôm cá xuất hiện chết rải rác thời gian gần đây là do các nhà máy, xí nghiệp từ đầu nguồn sông Yên xả thải xuống sông khiến tôm cá nhiễm bệnh rồi chết. Ngoài ra, do nhiệt độ những ngày qua giảm đột ngột, kèm theo những cơn mưa giông, đã gây sốc cho tôm nuôi.

11/08/2014
Thành Phố Hồ Chí Minh Phát Triển Mô Hình Nuôi Tôm Theo VietGAP Thành Phố Hồ Chí Minh Phát Triển Mô Hình Nuôi Tôm Theo VietGAP

Mặc dù là mô hình nuôi mới, bà con nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm, song được sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Thành phố và Trạm Khuyến nông các huyện, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển hướng sang phương thức nuôi mới.

11/08/2014