Khống Chế Sâu Bệnh Hại Vải Thiều
Do thời tiết âm u kéo dài, nên sâu bệnh đã “tấn công” những vườn vải thiều đang ra hoa ở Hải Dương. Dù đã phun thuốc BVTV nhiều lần, song sâu bệnh vẫn hoành hành, khiến người trồng vải lo lắng mất mùa.
Theo thống kê của phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà, toàn huyện có hơn 200 ha vải sớm bị nhiễm bệnh sương mai, nguyên nhân do mưa phùn, ẩm ướt dài ngày. Bên cạnh đó, hơn 200 ha bị sâu đục thân, sâu đục nhánh hoa, sâu đo, bọ xít, nhện lông nhung... gây hại.
Trước tình hình trên, phòng NN-PTNT đã hướng dẫn người dân kịp thời phun các loại thuốc phòng trừ bệnh sương mai phun Boocdo 1%, Ricire 72 WB; phòng trừ sâu đo (phun trước khi hoa nở rộ) Kinalux 25EC, Pedan 50 EC; trừ rệp muội phun Ofatoc 400 EC...
Ông Vũ Đình Ngọc, thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) trồng 4 sào vải, cho biết: Năm nay thời điểm vải ra hoa thì trời mưa phùn, ẩm ướt nên bị bệnh sương mai. Tiếp đến trời nắng đã tạo điều kiện cho các loại sâu xuất hiện như sâu đục thân, sâu cuốn lá, sâu đo, rệp, bọ xít. Gia đình tôi đã 2 lần phun thuốc mất 500 ngàn đồng, có những hộ gia đình phun từ 3-4 lần, nhưng không giảm sâu bệnh.
Chúng tôi quan sát vườn vải thấy quả non rụng đầy gốc. Ông Ngọc cho rằng do sâu đục thân "ăn" vào nên cành bị chết, sâu đo (sâu cắn chẽn) thì cắn tại cuống quả khiến quả nào, quả ấy rụng hết. Nếu sâu tấn công mà không phát hiện, xử lý kịp thời thì chỉ chỉ một vài ngày vườn vải bị “xơi” hết quả non.
“Năm trước được mùa, 4 sào vải gia đình tôi thu được 2 tấn nhưng chỉ bán được từ 2.500-3.000 đồng/kg. Nếu giá vải không tăng, sâu bệnh hoành hành như thế thì trừ chi phí mùa vải này lời lãi chẳng được bao nhiêu. Mặc dù được sự chủ động phòng trừ tốt nên hoa đậu quả cao, song bị bọ xít hút thì hỏng hết. Loại sâu này khó trừ nhất”, ông Ngọc thở dài.
Nhận định về giá vải thiều năm nay, ông Định cho rằng: “Vải Thanh Hà chất lượng cao hơn vải nơi khác do người dân có truyền thống thâm canh tốt. Tuy nhiên diện tích trồng vải của huyện đang giảm xuống, sản lượng ít nên có thể giá sẽ cao hơn năm trước. Đặc biệt người dân đã trồng rải vụ nên duy trì được giá bán cao”.Ông Ngô Bá Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà cho biết: Đến nay có khoảng 98% trà vải sớm, vải nhỡ; 95% vải thiều chính vụ trên địa bàn huyện đã ra hoa. Ngày từ đầu vụ chúng tôi đã cử cán bộ xuống tận các vườn hướng dẫn bà con theo dõi, phòng trừ sâu bệnh. Do đó, bệnh ở giai đoạn vải ra hoa được phòng trừ kịp thời. Hiện đang vào thời điểm nắng nóng, là giai đoạn tốt để phát triển cây vải. Song nhiều sâu xuất hiện nên phải theo dõi và có biện pháp phòng trừ kịp thời.
“Nhằm dự báo chính xác thời tiết phục vụ chăm sóc cây vải, phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ, Phòng NN-PTNT huyện đã kí hợp đồng với Trạm Khí tượng thủy văn Bá Nha cung cấp bản tin dự báo thời tiết. Dự báo chi tiết về lượng mưa, sương mù để thông báo cho bà con phòng trừ bệnh vải. Từ kinh nghiệm của người dân và trợ giúp của ngành nông nghiệp, các loại sâu bệnh trong thời kỳ vải ra hoa đã được khống chế”, ông Định khẳng định.
Huyện Thanh Hà có 6.800 ha cây ăn quả, trong đó diện tích trồng vải thiều gần 4.000 ha. UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt dự án “Xây dựng, phát triển mô hình SX vải thiều Thanh Hà, bảo đảm ATVSTP theo quy trình VietGAP” trên diện tích 60 ha tại ba xã Thanh Sơn, Thanh Khê và Thanh Thuỷ. Dự án này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của cây vải Thanh Hà, mang lại hiệu quả cho người trồng, quảng bá hình ảnh sản phẩm chất lượng và khẳng định uy tín, chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng tới XK.
Có thể bạn quan tâm
Anh Lê Văn Dũng ở thôn Đầu, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách (Hải Dương) trồng bí xanh trái vụ cho thu nhập cao
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án gây dựng nguồn giống gia cầm cho 7 tỉnh biên giới phía Bắc.
Vừa qua, tại Vĩnh Long, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Sở NN-PTNT Vĩnh Long tổ chức hội thảo Sơ kết chiến dịch phòng chống bệnh chổi rồng.
Mặc dù vùng rau sạch Ninh Đông (TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã được công nhận đủ điều kiện SX nông nghiệp tốt (VietGAP) song vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là đầu ra sản phẩm.
Nghề nuôi nhím sinh sản một thời hái ra tiền, “một vốn bốn lời”, “buôn tài không bằng xài lông nhím”. Nhà nhà đua nhau nuôi nhím.