Hơn 28 Ha Rừng Phòng Hộ Chết Khô Chưa Rõ Nguyên Nhân

Trà Vinh hiện có hơn 340 hecta rừng Phi lao phòng hộ ven biển, nằm trên địa bàn các xã: Trường Long Hòa, Hiệp Thạnh, Dân Thành, Đông Hải của huyện Duyên Hải và Mỹ Long Nam của huyện Cầu Ngang. Hiên nay hơn 28 hecta rừng phi lao tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang bị chết khô mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể và cách phòng trị.
Ông Trương Minh Hải, người dân giữ rừng tại ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải từ nhiều năm nay cho biết, diện tích rừng phi lao ông đang canh giữ đã xuất hiện tình trạng cây chết khô trên ngọn từ năm 2012 đến nay. Nếu như năm đầu, rừng chết từng cụm thì năm sau, diện tích thiệt hại càng lúc lan rộng. Ông chia sẻ: “Dấu hiệu của nó là vô đầu mùa mưa đó, lúc nó hạn dữ rồi đó bắt đầu vô mùa mưa nó vàng đầu trên ngọn từ từ xuống nó chết từng vùng. Năm nay nó chết nhiều hơn 2012. Khu tui giữ và quản lý là nó chết từ 2012, khoảng 200 mấy chục hecta của 10 mấy hộ … Nhỏ lớn nó cũng chết hết chứ không phải cây to cái rễ đảm bảo là nó không chết đâu, nó cũng chết luôn”.
Không riêng gì diện tích rừng của ông Hải, mà hàng loạt khu rừng lân cận khác kéo dài đến Dân Thành cũng chết trên diện rộng. Qua khảo sát, có trên 28,7 hecta phi lao bị chết khô đồng loạt. Hiện tượng ban đầu là cây chết từ ngọn xuống, trên thân vẫn chưa phát hiện vết bệnh cũng như sâu gây hại. Phần lá ban đầu héo rũ kéo dài từ 5-7 ngày sau đó khô lại. Hầu hết các rễ phụ hư trên 95%, vỏ rễ bong ra. Điều đáng quan tâm là diện tích phi lao chết đều từ 10 – 12 năm tuổi trở lên.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Trà Vinh đã lấy mẫu và gửi về Viện Cây ăn quả miền Nam và Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam xác định tác nhân gây hại nhưng vẫn chưa có kết quả chính xác. Ông Hứa Chiến Thắng - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Duyên Hải cho biết thêm: “Cũng được sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo cho Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tiến hành lấy mẫu, thân cây và mẫu đất để xác định nguyên nhân, nhưng cho đến nay thì các ngành chức năng cũng chưa trả lời và cũng chưa xử lý số lượng cây chết ”.
Rừng chết do đâu?, đang là câu hỏi đặt ra đối với ngành Nông nghiệp và cũng là nỗi lo của nhiều nông dân gắn bó với rừng. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Trà Vinh đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác điều tra, nắm tình hình diễn biến sâu bệnh để đưa ra giải pháp phòng trừ tối ưu nhất.
Nguồn bài viết: http://travinhtv.vn/thtv/detail/2320/duyen-hai-hon-28-ha-rung-phong-ho-chet-kho-chua-ro-nguyen-nhan/51.thtv
Có thể bạn quan tâm

Hầu hết các nước có tốc độ phát triển nhanh nhiều năm qua đều là những nước đã hoàn thành cơ bản xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông nông thôn.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích lúa cả năm 2012 đạt gần 7,75 triệu ha, tăng 1,2% so với năm 2011; năng suất bình quân ước đạt 56 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn (+2,6%) so với năm trước.

Nghiên cứu mới nhất của Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết, xây đập trên dòng chảy chính tại khu vực hạ nguồn sông Mê Công có thể trở thành mối đe dọa đối với sự sống còn của loài cá tra dầu sinh sống tại đây.

Hàng loạt hộ nuôi nhím ở Phú Quý, Phan Thiết và Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đang gặp khó do không tiêu thụ được động vật có nguồn gốc hoang dã này. Cách đây không lâu, nuôi nhím trở thành phong trào rầm rộ khi hàng trăm hộ xây chuồng trại, mua con giống, đẩy giá nhím giống lên trên 10 triệu đồng/đôi.

Phân bón đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài tác dụng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh hại, phân bón còn có tác dụng tăng cường độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ môi trường.