Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những Mô Hình Làm Thay Đổi Cách Nghĩ, Cách Làm Cho Người Nông Dân

Những Mô Hình Làm Thay Đổi Cách Nghĩ, Cách Làm Cho Người Nông Dân
Ngày đăng: 23/06/2014

Nhờ thực hiện theo các mô hình về phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: cánh đồng mẫu; mô hình thành tổ gieo mạ tập trung; thí điểm trồng cây chanh leo và Mô hình Đầu tư có thu hồi để tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp... mà diện mạo của nông thôn của tỉnh và huyện Quang Bình đã từng bước thay đổi rõ rệt, tỉ lệ hộ khá, giàu tăng lên đáng kể và bền vững, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 10,85 % (năm 2013)...

Qua thời gian thí điểm xuống giống và chăm sóc 5ha cây chanh leo, nhìn chung tình hình cây chanh leo trên đất Quang Bình sinh trưởng tốt, tỉ lệ cây sống đạt gần 80%.

Với cách làm nêu trên, thời gian qua huyện Quang Bình đã có những "bước đi" rất quyết đoán trong việc lãnh, chỉ đạo người nông dân phát triển sản xuất dựa trên những thế mạnh sẵn có của vùng theo mô hình cánh đồng mẫu "5 cùng", gồm: Cùng thời gian, cùng thời điểm, cùng giống, cùng chăm sóc và cùng thu hoạch.

Qua thực tế hiện nay cho thấy thực hiện "5 cùng" trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện đã khắc phục được hoàn toàn việc phụ thuộc vào nông dân, họ tiến hành sản xuất theo ý muốn chủ quan, như: Sử dụng nhiều loại giống có chất lượng khác nhau để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ khác nhau, không tạo ra được sản phẩm hàng hóa lúa chất lượng đồng nhất với số lượng lớn, ổn định để cung ứng lưu thông theo yêu cầu thị trường.

Từ đó, cũng để hoàn thành những chỉ tiêu kế hoạch của năm và cả nhiệm kỳ, huyện Quang Bình đã, đang đề ra các giải pháp tập trung đầu tư thâm canh, tuyển chọn loại giống cây, con chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất; các xã, thị trấn, ngành đề ra phương án phù hợp để đầu tư thực hiện và nhân rộng; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao có tính bền vững.

Hướng dẫn Nhân dân cấy tăng mật độ trên mỗi đơn vị diện tích, đầu tư có thu hồi, tăng lượng phân bón, đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, tạo vùng sản xuất lớn, nâng giá trị trên một đơn vị diện tích... Bởi, toàn huyện hiện có tổng diện tích lúa 2 vụ trên 5.200ha nhưng qua thực tế cho thấy: Đối với sản xuất lúa tuy đã hình thành được các cánh đồng mẫu nhưng chưa thực hiện được đầy đủ theo tiêu chí "5 cùng", chi phí sản xuất còn lớn.

Từ đó, việc thực hiện mô hình thành lập tổ gieo mạ tập trung là hết sức cần thiết, thành công của mô hình sẽ góp phần thành lập các tổ đội sản xuất điểm thực hiện theo đúng tiêu chí "5 cùng" của cánh đồng mẫu, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng mạ khi cấy. Với những hiệu quả to lớn của việc thực hiện gieo mạ tập trung, vụ mùa năm nay, huyện Quang Bình tiến hành thành lập 22 tổ với gần 500 hộ tham gia tại 7 xã.

Tổng số lượng giống trên 2.700kg, chủ yếu là giống BC15 và Nhị ưu 838. Về cơ chế, năm nay huyện hỗ trợ 30% giá giống lúa cho những hộ tham gia tổ sản xuất mạ tập trung và 100% thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh cho mạ.

Tâm sự với phóng viên chúng tôi khi cùng đoàn công tác thực tế tại cánh đồng thôn Lủ Hạ, xã Tân Bắc (Quang Bình), chị Hoàng Thị Kết, Trưởng bản 2 (thôn Lủ Hạ, xã Tân Bắc) tâm sự: "Thực hiện theo mô hình cánh đồng mẫu đã vui lắm rồi, vì cả thôn đều được mùa, năng suất cây trồng tăng lên cao lắm, cả làng đều phấn khởi nên bây giờ, cán bộ huyện xuống tuyên truyền thực hiện thành lập tổ reo mạ tập trung cho vụ mùa bà con tích cực đăng ký làm theo lắm.

Nhìn những luống mạ xanh khỏe được reo trồng tập trung tiện công chăm sóc, phân bón và phòng sâu, bệnh... mình và bà con yên tâm lắm, chắc chắn nếu mưa thuận, gió hòa sẽ có một vụ mùa bội thu...".

Phát huy những thành tích đạt được, từ đầu năm 2014, thực hiện Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) về phát triển 60ha cây chanh leo nhằm tạo sự đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với ứng dụng KHKT trong sản xuất.

Qua thời gian thí điểm xuống giống và chăm sóc 5ha cây chanh leo, nhìn chung tình hình cây chanh leo trên đất Quang Bình sinh trưởng tốt, tỉ lệ cây sống đạt gần 80%.

Anh Phạm Văn Lẫm, Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện cho biết: "Thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, Trạm luôn phối hợp với các đơn vị chức năng, chuyên môn của huyện và xã Tiên Nguyên, thị trấn Yên Bình thực hiện mô hình, trực tiếp bám sát, theo dõi, chỉ đạo và hướng dẫn Nhân dân thực hiện chăm sóc, bón phân lần một; thực hiện trồng dặm.

Đồng thời kiểm tra và tiếp tục hướng dẫn các hộ làm sạch cỏ quanh gốc, tiến hành xới xáo vun tủ gốc, làm rãnh thoát nước để đảm bảo cây không bị úng khi gặp mưa kết hợp bón thúc lần một theo đúng quy trình kỹ thuật của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao ban hành...".

Qua thực tế cho thấy: Cây chanh leo tại thị trấn Yên Bình phát triển rất tốt mặc dù được trồng xen với các loại cây trồng ngắn ngày khác hoặc tại vườn chè. Sau hơn 4 tháng trồng, chăm sóc cây chanh leo đã leo giàn và một số khóm chanh leo đã ra hoa, kết trái. Đây chính là tín hiệu vui không chỉ cho người nông dân mà còn cho cả những cán bộ, lãnh đạo huyện về một hướng đi mới, phát huy được tiềm năng của vùng.

Tuy nhiên, qua chuyến thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh yêu cầu huyện phải thống nhất quan điểm trong chỉ đạo sản xuất, nhất là trong chỉ đạo thực hiện các mô hình, làm thí điểm phải chuẩn hơn, tốt hơn làm đại trà. Nhất là đối với việc thí điểm mô hình cây chanh leo phải đầu tư tập trung, đồng bộ, phải tạo hiệu quả cho người dân ngay từ đầu thì mới có tính thuyết phục cao để nhân rộng mô hình.

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị ngành chức năng chuyên môn của huyện Quang Bình xem xét cách thức gieo mạ giống trên khay, nghiên cứu máng gieo xạ để đảm bảo được chất lượng và tiết kiệm công lao động cho người dân. Huyện nên xem xét hướng tổ chức dịch vụ cây giống theo hình thức một hộ gieo trồng để cung ứng giống cho cả xã. Đồng thời xây dựng mô hinh bảo trợ sản xuất cho người nông dân...


Có thể bạn quan tâm

Thoát Nghèo Nhờ Trồng Dâu Da Đất Thoát Nghèo Nhờ Trồng Dâu Da Đất

Sở hữu hơn 40 cây dâu da đất với năng suất từ 1 tạ đến 3 tạ/cây, gia đình ông Nguyễn Hòa My (ở thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê) đã chọn đúng cây trồng, hợp thổ nhưỡng để thoát nghèo “khỏe” với thu nhập gần 50 triệu đồng/năm.

07/10/2014
Nông Dân Krông Pa Thi Đua Sản Xuất, Kinh Doanh Giỏi Nông Dân Krông Pa Thi Đua Sản Xuất, Kinh Doanh Giỏi

Tận dụng lợi thế đất đai, thổ nhưỡng kết hợp với phương pháp canh tác khoa học và trên cả là ý chí vượt khó vươn lên, nhiều hộ nông dân ở huyện Krông Pa đã và đang làm đổi thay cuộc đời mình. Những hộ nông dân thu nhập tiền tỷ hay hàng trăm triệu đồng mỗi năm đã không còn là chuyện hiếm trên vùng đất xa xôi này.

07/10/2014
Quang Minh Mùa Lúa Chín Quang Minh Mùa Lúa Chín

Trong nắng Thu dịu nhẹ nhuộm vàng cánh đồng lúa chín là hình ảnh người dân quê nhanh tay gặt những bông lúa vàng trĩu hạt; là sự tất bật thu từng bó lúa đã hanh khô qua nắng để đưa vào máy tuốt... Những hình ảnh ấy tuy bình dị nhưng đã tạo nên bức tranh sinh động cho mùa lúa chín ở xã Quang Minh (Bắc Quang).

07/10/2014
Đổi Thay Trong Phát Triển Kinh Tế Ở Kim Thạch Đổi Thay Trong Phát Triển Kinh Tế Ở Kim Thạch

Những thế mạnh, tiềm năng của xã đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tập trung khai thác, biến những lợi thế thành động lực để thúc đẩy mặt bằng kinh tế chung trong toàn xã phát triển đi lên.

07/10/2014
Nhiều Cái Khó Ở HTX Nông Nghiệp Nhiều Cái Khó Ở HTX Nông Nghiệp

Ở Hậu Giang, kinh tế tập thể đã thể hiện một phần vai trò tích cực trong cơ cấu nền kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, hiện còn nhiều hợp tác xã yếu kém, rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực từ ngành chức năng.

07/10/2014