Vụ Lúa Hè Thu Ở Khu Vực Phía Đông Đã Khó Càng Thêm Khó
Thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp trong nhiều ngày qua đã tăng thêm áp lực cho vụ lúa hè thu ở khu vực phía Đông của tỉnh. Nông dân càng có lý do để lo lắng khi đầu ra và giá lúa vẫn chưa có tín hiệu vui.
Đầu vụ đã khó
Nắng nóng kéo dài, ít mưa, cộng với nguồn nước kinh không tốt đã gây khó khăn cho việc xuống giống cũng như sự phát triển của cây lúa vào đầu vụ hè thu ở vùng Ngọt hóa Gò Công. Một số diện tích lúa bị thiệt hại trắng; hàng trăm ha lúa trong vùng phải xuống giống trễ hơn so với lịch thời vụ.
Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, địa bàn huyện nằm ở cuối nguồn ngọt hóa, chất lượng nước không tốt do ít có điều kiện xổ xả, kết hợp nắng nóng, ít mưa kéo dài trong thời gian qua đã làm cho 45 ha bị thiệt hại hoàn toàn phải sạ lại và khoảng 80 ha lúa bị chết lởm chởm trên ruộng. Ngoài ra, do tác động của thời tiết bất thường nêu trên, nên toàn huyện có 300 ha xuống giống trễ lịch thời vụ.
Không bị ảnh hưởng nặng nề như huyện Gò Công Đông, nhưng theo Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây, huyện vẫn có một số diện tích bị thiệt hại, một số diện tích buộc phải xuống giống trễ hơn so với lịch thời vụ. Ông Hồ Văn Tài, ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt (Gò Công Tây) cho biết, trong những năm gần đây chưa có năm nào lượng mưa vào đầu vụ hè thu lại ít như năm nay.
Nhu cầu nước tăng cao làm cho nhiều diện tích lúa xa kinh lớn bị thiếu nước. Nguồn nước thiếu, nắng nóng kéo dài gây xì phèn trên ruộng làm nhiều diện tích lúa bị chết lởm chởm; thậm chí có ruộng lúa chết nhiều quá phải sạ lại. “Ruộng của tôi lúa chết khoảng 40%. Nắng nóng kéo dài, cộng xì phèn làm cho những cây lúa còn sống cũng không nở bụi được” - ông Tài nói.
Trước diễn biến bất lợi của thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất lúa hè thu, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão thống kê chính xác lại số diện tích lúa thiệt hại, diện tích thiếu nước phải bơm chuyền 2 cấp và diện tích xuống giống trễ để đề xuất chính sách hỗ trợ; xúc tiến các giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Đối với những vùng khó khăn về nguồn nước, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chuyển đổi sang trồng các cây ngắn ngày, cây ít sử dụng nước.
Đã khó càng thêm khó
Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sản xuất lúa ở khu vực phía Đông của tỉnh (chủ yếu là trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công) vốn rất khó khăn về cơ cấu mùa vụ, do chỉ có 9 tháng nước ngọt, nhưng phải đảm bảo sản xuất 3 vụ. Vụ lúa hè thu năm nay ở khu vực này xuống giống 37.000 ha và đã, đang gặp nhiều khó khăn do mưa ít, nắng nóng kéo dài.
Đây là vụ lúa đầu tiên trong năm của khu vực và được xem là vụ lúa đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi nhất. Vì thế, trước diễn biến bất lợi của thời tiết vào giai đoạn đầu của vụ lúa càng gây thêm áp lực cho nông dân. Bất lợi đầu tiên là nguồn nước. Bởi hàng năm, lượng mưa đầu vụ thường thấp nên chi phí bơm nước vào ruộng tương đối cao so với các vụ lúa khác trong năm.
Thêm vào đó, chất lượng nước kinh trong vùng ở giai đoạn đầu mùa mưa cũng không được tốt do sau thời gian dài phải đóng cống ngăn mặn, đã ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của cây lúa. Đã vậy, đầu vụ hè thu năm nay, lượng mưa quá ít, nắng nóng kéo dài, nhiều khả năng chi phí bơm nước sẽ tăng đáng kể so với mọi năm. Đặc biệt, đối với những diện tích lúa bị thiệt hại trắng, chi phí lúa giống tăng lên gấp đôi (mua giống sạ lại) cộng với chi phí bơm nước đã đưa nông dân vào tình thế càng khó khăn hơn.
Riêng đối với những diện tích xuống giống trễ lịch thời vụ do tác động của thời tiết có thể làm kéo dài thời vụ của những vụ lúa sau. Hệ lụy của nó là vụ lúa đông xuân năm 2014 - 2015 sẽ có nguy cơ “vướng” hạn mặn vào cuối vụ.
Trước nguy cơ này, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ngắn ngày khác để lúa vụ đông xuân 2014 - 2015 đảm bảo cắt nước trước ngày 15-3-2015 (thời điểm đảm bảo sản xuất lúa an toàn trước tác động của hạn, mặn).
Đó là chưa nói đến nguy cơ đe dọa từ dịch bệnh, rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trong vụ hè thu này rất cao. Bởi theo các nhà chuyên môn, trà lúa hè thu có thể “đón” lứa rầy nâu từ lúa xuân hè đang thu hoạch ở khu vực phía Tây của tỉnh và các tỉnh lân cận di chuyển xuống phía Đông của tỉnh. Mặt khác, vụ lúa hè thu sản xuất vào mùa mưa là điều kiện tốt cho sâu bệnh phát triển.
Tuy nhiên, nỗi lo lắng của nông dân không chỉ có thời tiết, dịch bệnh mà còn là giá cả, thị trường. Hiện nay, tình hình giá cả, thị trường lúa gạo vẫn chưa có gì sáng sủa, càng làm cho nông dân thêm lo lắng.
Nông dân Huỳnh Phước Nhân, xã Thạnh Nhựt (Gò Công Tây) bày tỏ: “Lúa bị thiệt hại do thời tiết, chi phí bơm nước tăng đáng kể so với mọi năm. Trong khi đó, năng suất lúa, giá cả ra sao thì nông dân còn phải chờ. Đặc biệt, giá lúa vào thời điểm thu hoạch vụ lúa này vẫn còn là ẩn số khó đoán”.
Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân và giới chuyên môn, chất lượng lúa hè thu thường thấp do thu hoạch trong mùa mưa nên càng khó bán, dễ bị thương lái ép giá. Đã vậy, áp lực vụ lúa thu đông liền kề cùng với ẩm độ lúa cao do mưa, nông dân khó có thể trữ để chờ giá khi xảy ra giá lúa thấp hoặc khó tiêu thụ. Sản xuất lúa hè thu ở khu vực phía Đông của tỉnh vốn đã khó khăn, giờ càng khó khăn hơn.
Vừa bước vào vụ sản xuất lúa đầu tiên của năm, nông dân đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực từ thời tiết, dịch bệnh đến giá cả, thị trường. Vì thế, nông dân có lý do để lo lắng cho vụ sản xuất này. Song, với tập quán sản xuất lúa lâu nay, nhiều nông dân buộc phải tiếp tục gắn bó với cây trồng này.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ còn khoảng 3-5 ngày nữa, vựa vải thiều Thanh Hà sẽ bước vào thu hoạch chính vụ. Thời điểm này, các nhà vườn vải thiều ở các vùng vải trọng điểm như Thanh Khê, Thanh Thủy, Thanh Sơn... (huyện Thanh Hà) cũng đã bắt đầu rục rịch vào vụ thu hoạch. Dọc hai bên tỉnh lộ 390, các chủ vựa thu mua vải thiều đã bắt đầu hoạt động tấp nập.
Đánh giá lại thực trạng diễn biến tình hình bệnh tôm ở Cà Mau, đề xuất giải pháp khắc phục nhằm trao đổi kinh nghiệm và phát triển nghề nuôi tôm bền vững là nội dung quan trọng tại hội thảo khoa học được tổ chức ngày 1/7 do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Phân viện nghiên cứu thủy sản Minh Hải đồng tổ chức.
Mặc dù Ấn Độ và Ecuador vẫn trúng mùa, nhưng tôm nuôi của Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia đang bị thiệt hại nặng do hội chứng chết sớm (EMS) nên nguồn cung không còn dồi dào như ở thời điểm tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường vẫn không suy giảm, giúp giá tôm tăng trở lại trong tháng 6.
Sáng 12/6, tại UBND xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam), Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam phối hợp với Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ hỗ trợ vốn cho 150 hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc 15 tàu của huyện Núi Thành.
Để khắc phục tình trạng trên, An Giang thực hiện tái cơ cấu con cá tra với các giải pháp như: Quy hoạch gắn với thị trường, giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về tổ chức sản xuất... Trong đó liên kết trong khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được xem là một trong những yếu tố quan trọng để giựt dậy ngành cá tra hiện nay.