Khi Nông Dân Vay Vốn...
Dù nguồn vốn không lớn nhưng Quỹ hỗ trợ nông dân được xem như “bà đỡ” góp phần tạo điều kiện để nhiều nông dân huyện Phú Ninh chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả.
Nhiều mô hình hiệu quả
Trang trại nuôi gà, bồ câu, cá trê của ông Nguyễn Nhung (thôn Tú Lâm, xã Tam Vinh) gần đây được nhiều nông dân trong vùng biết và tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Trang trại hiện có khoảng 1 nghìn con gà thịt, hàng trăm con bồ câu Thái và ao nuôi cá trê. Cơ ngơi hôm nay của ông Nhung được khởi đầu bằng nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Phú Ninh.
Ông Nhung nói: “Ban đầu, tôi biết đến nguồn vốn này từ Hội Nông dân xã Tam Vinh, nhưng không dám vay vì chưa biết đầu tư thế nào. Tôi nghĩ mãi đến việc nuôi gà, nhưng lại sợ dịch bệnh, sợ không có đầu ra. Sau thời gian chần chừ, tôi quyết định thử sức và đã thành công”.
Hiện tại, khoảng 1 nghìn con gà thịt trong trang trại của ông Nhung đủ cung cấp cho nhu cầu của xã Tam Vinh và các xã lân cận. Ngoài ra, ông còn biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tiêm phòng dịch bệnh cho gà nên hạn chế tối đa nguy cơ bệnh dịch. Sau thời gian tìm tòi để nuôi thử con vật nuôi mới, vợ chồng ông Nhung quyết định mở rộng thêm trang trại để nuôi bồ câu Thái.
Đây là giống bồ câu dễ chăm sóc, ít bị bệnh nhưng mau đẻ nên cho hiệu quả kinh tế rất cao. Cùng với ao nuôi cá trê hàng trăm con, mỗi năm ông Nhung thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng từ trang trại nhỏ của mình.
Ông Huỳnh Văn Ba (thôn Dương Đàn, xã Tam Dân) là một nông dân mạnh dạn, dám nghĩ dám làm nên sự đầu tư của ông luôn đúng hướng. Từ số vốn vay ban đầu của Quỹ hỗ trợ nông dân huyện, ông Ba vay mượn thêm, mua máy cày về thử nghiệm trên đồng ruộng của thôn, rồi mở rộng ra các cánh đồng của cả xã.
Sau mỗi mùa vụ, ông Ba lại tích cóp đầu tư thêm máy móc phục vụ cơ giới hóa đồng ruộng. Hiện ông sở hữu 5 loại máy, trong đó có cả máy gặt đập liên hợp giá cả trăm triệu đồng.
Ông Ba tự nghiên cứu, tìm tòi học hỏi cách bảo trì và sửa chữa máy móc để có thể chủ động khi có sự cố, chỉ những lỗi nào quá khó mới mang ra tiệm. Nhờ thế, ông Ba đã tiết kiệm được phần lớn chi phí, đồng thời tăng tuổi thọ cho máy móc của mình.
Ông Ba tâm sự: “Phú Ninh đang tiến hành xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã, tôi không muốn dừng lại ở 5 loại máy này mà còn muốn đầu tư mở rộng. Tôi đang nghiên cứu mua thêm nhiều loại máy mới có thể ứng dụng được vào xây dựng nông thôn mới, vừa giúp đỡ bà con nông dân vừa có thể tạo thêm việc làm cho một số lao động”.
Sát cánh cùng nông dân
Phú Ninh là huyện điểm về xây dựng nông thôn mới, nên sản xuất hàng hóa, giá trị cao là đích hướng tới của nền sản xuất nông nghiệp. Hiện Phú Ninh rất chú trọng việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung gồm lúa thương phẩm chất lượng cao, giống lúa hàng hóa, bắp, đậu phụng, rau quả và nhất là phát triển vùng dưa hấu, rau tập trung, chuyên canh theo tiêu chuẩn GAP…
Hiện nay, bình quân mỗi năm Phú Ninh sản xuất gần 1.000ha lúa giống hàng hóa, giá trị đạt 80 triệu đồng/ha; trên 600ha dưa hấu gắn với thương hiệu dưa hấu Kỳ Lý có giá trị cao. Nhiều cánh đồng mẫu, cánh đồng có thu nhập cao đã được hình thành, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh…
Sát cánh cùng nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới là vai trò bà đỡ của ngành nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Phú Ninh. Ông Đỗ Thọ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh cho biết: “Hội có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, an toàn, có giá trị cao.
Trong đó, nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân được bà con vay và sử dụng rất hiệu quả, giúp hàng trăm lượt nông dân của huyện có được sinh kế làm ăn, tạo được việc làm thường xuyên cho bản thân và nhiều lao động khác lúc nông nhàn”.
Đi đôi với hỗ trợ vốn, hàng năm Hội Nông dân huyện Phú Ninh đều tiến hành khảo sát, theo dõi nhằm đôn đốc các hộ sử dụng đồng vốn hợp lý, đúng mục đích. Ngoài ra, cùng với ngành nông nghiệp, Hội Nông dân Phú Ninh tổ chức tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng cây con đạt chất lượng cao cho nông dân.
Nhiều loại cây, con đạt năng suất cao có thể ứng dụng nuôi trồng trên địa bàn huyện, hội đều giới thiệu đến bà con nhân dân để họ thử nghiệm, nếu cho hiệu quả cao thì sẽ đi tới sản xuất đại trà. Sự hỗ trợ đắc lực của hội giúp hàng trăm lượt nông dân tin tưởng, yên tâm vay vốn sản xuất, đưa nền nông nghiệp Phú Ninh từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng chất lượng hàng hóa lên mức chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Ở một số vùng nuôi tôm, việc kết hợp nuôi cá điêu hồng xen canh với tôm sú vào mùa nước ngọt là biện pháp tốt để giảm rủi ro và cân bằng môi trường sinh thái.
Lấy vợ, lập nghiệp với 2 sào đất vườn bạc màu, 6 sào ruộng lúa, vợ chồng ông Trần Đăng Khoa, xã Hải Toàn, huyện Hải Hậu, Nam Định đã làm giàu từ chính mảnh đất bạc màu ấy.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, để đầu tư cho một héc-ta nuôi tôm quảng canh cải tiến, người nông dân phải đầu tư các khoản như: cải tạo ao đầm, men vi sinh, tiền con giống, thức ăn bổ sung, tương đương 12 triệu đồng/vụ. Quả thật đây là khoản tiền không nhỏ đối với những hộ gia đình có mức sống trung bình.
Với việc thành lập các ban điều phối ngành hàng nông sản, nông sản Việt Nam sẽ tăng được giá trị gia tăng, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.
UBND tỉnh Đăk Lăk lại đồng ý bổ sung quy hoạch thêm 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn, nâng số nhà máy trên toàn tỉnh lên 7 trong thời gian tới.