Sử Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật An Toàn, Hiệu Quả
1. Lựa chọn và mua thuốc
Mua loại thuốc phù hợp để phòng trừ đúng đối tượng dịch hại, thuốc có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được phép sử dụng và hạn chế sử dụng tại Việt Nam và do các đại lý được cấp phép bán. Thuốc BVTV được mua có dán nhãn ghi rõ các thông tin cần thiết: tên thương mại của thuốc, tên hoạt chất, đối tượng phòng trừ, liều lượng sử dụng, ngày sản xuất,...
Không mua các thuốc mà bao bì đã bị hư hỏng; nhãn phai mờ khó đọc, nhãn có dấu hiệu dán lại; không có nhãn bằng tiếng Việt, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng.
2. Vận chuyển và bảo quản thuốc
Khi vận chuyển thuốc BVTV cần cẩn thận, tránh đổ vỡ, rò rỉ thuốc. Bảo quản tại nơi mà trẻ em, người không có nhiệm vụ, gia súc không tiếp cận được và không được để lẫn với đồ uống, thực phẩm và các loại hàng hoá khác. Để thuốc tại nơi khô ráo, cách xa ngọn lửa và ánh sáng trực tiếp của mặt trời.
3. Hướng dẫn về an toàn
Khi sử dụng hay tiếp xúc với thuốc BVTV phải mặc bảo hộ lao động phù hợp: Quần áo bảo hộ lao động, áo choàng; kính, nón; găng tay, ủng; khẩu trang, mặt nạ. Phải đọc kỹ hướng dẫn ghi trên nhãn trước khi sử dụng. Không đi phun rải thuốc vào lúc trời nắng nóng, khi gió to, đi ngược chiều gió.
Không được ăn uống, hút thuốc khi đang phun rải thuốc. Không sử dụng thiết bị phun rải thuốc bị rò rỉ, hư hỏng hoặc để thuốc dính lên da.
Dọn bao bì, chai thuốc vào một chỗ, tiêu huỷ đúng quy định. Rửa thiết bị phun rải sạch sẽ, đúng cách (rửa bằng xà phòng), cất vào kho.
Không đổ thuốc đã pha không sử dụng hết và nước súc rửa thiết bị phun rải xuống nguồn nước, làm ô nhiễm môi trường.
Tắm, giặt quần áo bảo hộ và công cụ bảo hộ lao động bằng xà phòng. Cần ngăn người và gia súc đi vào nơi mới xử lý thuốc ít nhất sau 48 giờ.
4. Sử dụng thuốc
Nguyên tắc 4 đúng sử dụng thuốc BVTV là dùng loại thuốc phù hợp nhất để phòng trừ dịch hại, bảo vệ môi trường, sức khoẻ con người, an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế.
Một loại thuốc BVTV thường chỉ phòng trừ được một hay một số loài dịch hại, chúng chỉ thích hợp với những điều kiện thời tiết, đất đai, canh tác, cây trồng nhất định. Cần xác định loài dịch hại nào đang gây hại để chọn mua đúng loại thuốc thích hợp, trên nguyên tắc: sâu bệnh nào - thuốc nấy.
Sử dụng đúng lúc là dùng thuốc vào thời điểm mà hiệu quả phòng trừ dịch hại cao nhất, mang lại lợi ích kinh tế lớn nhất nhưng ít gây hại cho môi trường và sức khoẻ con người nhất.
Sử dụng đúng liều lượng, nồng độ là sử dụng với nồng độ và liều lượng đem lại hiệu quả phòng trừ dịch hại và hiệu quả kinh tế cao nhất, đồng thời giảm thiểu tác hại do thuốc BVTV gây ra đối với môi trường, con người và sản phẩm.
Đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn để tính toán đúng lượng thuốc cần sử dụng và lượng nước để pha thuốc cho diện tích và đối tượng cây trồng cần xử lý. Phải có dụng cụ, cân đong thuốc, không ước lượng ẩu lượng thuốc cần dùng. Cần phun hết lượng thuốc đã tính toán trên diện tích cần phun thuốc.
Sử dụng đúng cách (đúng kỹ thuật): Là sử dụng với kỹ thuật mang lại hiệu quả phòng trừ dịch hại và hiệu quả kinh tế tối ưu nhưng ít gây hại đến môi trường và sức khoẻ con người nhất.
5. Xử lý vỏ, bao bì thuốc đã qua sử dụng
Thu dọn sạch sẽ không để vương vãi thuốc và bao bì thuốc trên đồng ruộng. Bao bì chứa thuốc, vật liệu nhiễm thuốc là loại rác thải độc hại cần phải được thu gom để đúng nơi quy định. Bao bì thuốc đã qua sử dụng phải được thải bỏ theo khuyến nghị của nhà sản xuất, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người và môi trường. Không sử dụng bao bì thuốc BVTV cho các mục đích khác.
Có thể bạn quan tâm
Việc siêu thị từ chối hàng nông sản tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như sản phẩm khu vực này khó cạnh tranh trên thị trường đang làm cho người nông dân gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia cho rằng nên “phá bỏ để làm mới” lĩnh vực sản xuất nông sản thì mới hy vọng tình hình chuyển biến tốt hơn.
Nếu không có biện pháp ứng phó thích hợp với biến đổi khí hậu, trong tương lai không xa, có không ít doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thu hẹp sản xuất, thậm chí bị phá sản vì thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Nhiều chuyên gia cho rằng trong vòng 20 năm nữa, Việt Nam vẫn phải đứng trên “đôi chân nông nghiệp”. Điều này báo chí đã phân tích nhiều, có lẽ không cần bàn cãi. Bài viết này ghi nhận ý kiến của các chuyên gia liên quan đến câu chuyện thay đổi tư duy làm nông nghiệp của Việt Nam. Đáng chú ý, bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Israel tại Việt Nam, khẳng định: nông nghiệp chính là tương lai.
Để giải cứu cá tra, cần nhân rộng mô hình liên kết hiệu quả 4 bên: Nông dân, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung ứng thức ăn và hệ thống ngân hàng.
Trước cơn lốc nhập khẩu bò ngoại, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân vừa có chuyến đi khảo sát thực tế bên Úc và chia sẻ ngay với NNVN.