Khi Nông Dân Bán Búp Thanh Long
Trong thời gian gần đây, khi thanh long chính vụ bước vào thời kỳ rộ, nhiều nông dân trồng thanh long trên địa bàn một số xã thuộc huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã bán búp thanh long cho một số điểm thu mua được đặt tại địa phương. Tại sao lại có hiện tượng này?
Phóng viên Nhân Dân điện tử tới gặp ông Phạm Hữu Trường, trú thôn 3, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc là tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long VietGAP Hàm Liêm 1. Gia đình ông vừa bán một lứa búp thanh long được hơn một triệu đồng. Ông phấn khởi cho biết, bình quân mỗi trụ thanh long có gần 100 dây, khi ra búp, mỗi dây có từ hai đến ba búp, có nhiều dây búp ra rất dày.
Nếu để cho ra trái thì chất lượng không tốt, kích cỡ nhỏ, bán không được giá, có khi còn lỗ, vì vậy phải cắt tỉa. Trước đây, búp thanh long thải ra thì cho bò ăn, nhưng nhiều quá rồi cũng phải đổ bỏ. Nay có người mua với giá từ 2.500đ – 3.000 đ/kg, ông bán vừa có thêm thu nhập, đồng thời vừa bảo đảm được vệ sinh môi trường trong vườn.
Theo lão nông Nguyễn Văn Sinh, thôn Thuận Thành, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, một trong những người trồng thanh long lâu năm nhất tại địa phương, khi thanh long ra búp, thì chỉ chọn những búp đẹp để lại, còn những búp khác phải cắt bỏ đi.
Tại địa phương thời gian gần đây có người tìm mua những búp này, nhưng số lượng cũng hạn chế. Ông thấy chẳng có gì là bất thường trong việc này, bởi người trồng chỉ bán những búp bị cắt bỏ, còn vẫn duy trì trên cây thanh long những búp tốt để cho ra trái.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc có cơ sở kinh doanh Hoa Bá Vương của gia đình bà Võ Thị Trúc Phương, người địa phương làm chủ. Cơ sở chuyên thu mua và chế biến búp thanh long được Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh từ năm 2011.
Chúng tôi tìm tới cơ sở này và được ông Trương Phán, chồng bà Phương, người điều hành hoạt động sản xuất cung cấp thông tin, cơ sở chỉ thu mua búp thanh long khi còn một đến hai ngày là ra hoa.
Quy trình chế biến búp thanh long được thực hiện khá đơn giản: sau khi đưa về xưởng, búp thanh long tươi sẽ được chẻ làm sáu và tách ra đặt trên các vỉ, rồi đưa vào lò sấy ở nhiệt độ 70 độ C. Sau 24 tiếng, thanh long được đưa ra để nơi thoáng mát cho mềm lại (sau khi sấy thanh long rất giòn).
Khi đã mềm theo đúng yêu cầu, thanh long được đóng bao (khoảng 10 - 11 kg/bao) rồi đưa vào kho lạnh bảo quản. Thời gian cho cả quy trình từ khi búp thanh long được chẻ đến khi đóng bao khoảng 48 tiếng. Khi đã đủ số lượng từ bốn đến năm tấn, sản phẩm sẽ được xuất bán cho đối tác Trung Quốc.
Cơ sở hiện có năm lò sấy với công suất mỗi lò hai tấn/ngày. Bình quân 11kg búp tươi qua sấy khô sẽ được một kg thành phẩm. Mỗi ngày, cơ sở chế biến được chín tạ thành phẩm. Bà Võ Thị Trúc Phương, chủ cơ sở cho biết, sản phẩm này sẽ được chế biến làm trà thanh nhiệt hoặc chế biến thành các món ăn như nấu canh, xào…
Năm 2013, cơ sở Hoa Bá Vương thu mua khoảng 750 tấn búp tươi (bình quân năm búp được một kg), trong đó chính vụ 250 tấn và trái vụ là 500 tấn. Ông Trương Phán giải thích, ở Trung Quốc hiện cũng trồng thanh long, nhưng không chong đèn, thanh long chính vụ (nông dân địa phương gọi là hàng “mùa”) ra đều hàng loạt, số lượng búp thanh long bị cắt bỏ là rất lớn.
Vì vậy, đối tác chỉ cần mua một số lượng hạn chế ở Việt Nam là đáp ứng đủ yêu cầu. Còn với thanh long trái vụ, chỉ ở Việt Nam mới có chong đèn, nên cơ sở thu mua búp thanh long trái vụ nhiều hơn so với thanh long mùa.
Thanh long từ lúc ra búp đến khi nở hoa 18 ngày, đến khi ra trái thu hoạch được là 60 ngày. Nếu cắt búp trái thanh long sẽ phát triển nhanh hơn, khoảng 50 ngày cho thu hoạch.
Anh Nguyễn Duy Toàn, người trồng thanh long ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, theo kinh nghiệm thực tế, trong khoảng thời gian 18 ngày đầu khi có búp, việc cắt búp sớm hay muộn tùy thuộc người trồng chủ động về thời gian thu hoạch. Cho nên cắt búp trước khi nở hoa từ một đến hai ngày cũng là bình thường.
Hiện tại, cơ sở Hoa Bá Vương mua búp thanh long của nông dân ở các xã Hàm Trí, Hàm Liêm, Hàm Chính, Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc với giá 2.700 đ/kg chính vụ và 3.800đ/kg chong đèn thông qua các đại lý vệ tinh được đặt tại các địa phương này.
Các đại lý thu mua của nông dân với giá thấp hơn từ 200 – 300 đ/kg rồi sau đó sẽ giao lại cho cơ sở. Với diện tích thanh long chỉ riêng ở huyện Hàm Thuận Bắc hơn 6.500 ha, lượng búp thanh long cắt bỏ là rất lớn. Cơ sở chỉ mua búp thanh long của nông dân có hợp đồng lâu dài với đại lý.
Đối với thanh long mùa, cứ khoảng 10-15 ngày cơ sở mua một đợt với khoảng 80 tấn; thanh long trái vụ, mỗi ngày mua từ bốn đến năm tấn. Búp thanh long được bảo quản và cất giữ tại các kho lạnh tối đa không quá 10 ngày thì phải chế biến, nếu không cũng bỏ đi.
Cơ sở chế biến búp thanh long Hoa Bá Vương hiện có 44 lao động làm việc thường xuyên quanh năm. Trong đó, 36 người làm công đoạn cắt chẻ hoa, thu nhập được tính theo sản phẩm: 550.000 đ/tấn hoặc theo thời gian; 40.000 đ/người/giờ. Còn tám công nhân phụ trách lò sấy được trả lương bình quân bảy triệu đồng/tháng. Đây là mức khá so với thu nhập bình quân chung ở vùng nông thôn.
Trao đổi với ông Bùi Ngọc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hàm Trí về thông tin có một số thương lái tìm mua hoa thanh long, ông cho biết, ngoài cơ sở Hoa Bá Vương, trên địa bàn xã và các địa phương lân cận không thấy có đơn vị, doanh nghiệp nào tổ chức thu mua và chế biến búp thanh long.
Bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận cho biết, việc cắt tỉa búp thanh long là hoạt động thường xuyên trong quá trình chăm sóc thanh long. Ngoài ra, khi cắt tỉa sẽ cân đối được số lượng trái thanh long trên một trụ.
Cây có đủ dưỡng chất để phát triển cho ra trái có chất lượng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Theo những nông dân trồng thanh long chong đèn, việc bán búp thanh long cắt tỉa giúp họ có thêm một khoản để bù đắp vào chi phí tiền điện.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, người nuôi ba ba trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) luôn lo lắng do ba ba rớt giá trên thị trường.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm nội địa trong tháng 3/2014 có nhiều biến động mà nguyên nhân chính được nhận định là do ảnh hưởng của quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 (POR8).
Tính đến cuối tháng 3.2014, toàn huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) có tổng cộng 2.727 con bò sữa, trong đó có 690 con đang cho sữa. Sản lượng sữa vắt trung bình mỗi ngày là 10.361 kg.
Cây tiêu vốn là loại cây trồng chủ lực của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), thời gian gần đây giá tiêu lên cao và giữ ở mức ổn định từ 100.000 - 150.000 đồng/kg.
Năm 2009, một vài hộ dân thôn Lập Định, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, từ một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai sáp. Với diện tích 4 ha ban đầu, đến nay toàn xã đã có 60 ha trồng khoai sáp.