Khi Doanh Nghiệp Đồng Hành Với Nông Dân
Vẫn là những người nông dân ấy, vẫn là những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nhưng, bàn tay “bà đỡ” đang giúp những người nông dân được tiếp cận với phương thức sản xuất hiện đại, có ứng dụng khoa học - kỹ thuật, được trở thành một nhân tố trong chuỗi liên kết sản xuất, để rồi đây, họ có cơ hội vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Chúng tôi đến thăm Vân Sơn (Triệu Sơn) khi những cơn gió lạnh đầu đông còn e ấp, xa xa, những cánh đồng ngô xanh mướt chạy dài tít tắp đang điệu đà khoe sắc dưới ánh nắng ban mai. Thoảng trong những cơn gió nhẹ, vẳng tiếng cười đùa hoan hỉ của những “công nhân” đang tất bật tay cuốc, tay liềm thoăn thoắt chăm sóc những luống ngô non.
Ông Đặng Thế Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông công nghiệp dịch vụ thương mại Vân Sơn, hồ hởi cho biết: Gần 20 ha ngô đang phát triển rất tốt, do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên hầu như không có dấu hiệu của sâu bệnh.
Đây là mô hình liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ mà Công ty CP Nông công nghiệp dịch vụ thương mại Vân Sơn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn và UBND xã Vân Sơn triển khai thực hiện. Với 2 vụ lúa năng suất, chất lượng cao và 1 vụ đông, doanh thu trên 1 ha hàng năm của mô hình này đạt hơn120 triệu đồng, tỷ lệ lợi nhuận ước đạt trên 35%.
Năm 2011 là năm đánh dấu bước ngoặt lớn đối với đảng ủy, UBND và nhân dân xã Vân Sơn. Sau 4 tháng với gần 50 hội nghị, sôi nổi chất vấn về “Phương án tổ chức sản xuất lại nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa, công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại xã Vân Sơn, giai đoạn 2011-2020”, 492 hộ nông dân, chiếm gần 1/3 tổng số hộ có đất sản xuất nông nghiệp trên toàn xã đã tự nguyện góp 70 ha đất cho doanh nghiệp (DN) thuê trong thời hạn 20 năm để hình thành Công ty CP Nông công nghiệp dịch vụ thương mại Vân Sơn.
Công ty có số vốn điều lệ 12 tỷ đồng do Công ty CP Mía đường Lam Sơn đầu tư 75%, còn lại 25% là do các cá nhân và các hộ nông dân trên góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Mô hình này được thực hiện theo phương thức thỏa thuận, theo đó người dân sẽ được trả 300 kg thóc/sào/năm. Cụ thể, người dân sẽ được nhận 5 triệu đồng/sào (trả trước cho 10 năm, tương đương 80 kg thóc/sào). Số tiền còn lại (quy ra thóc là 2,2 tạ/sào) sẽ được trả đều vào hai vụ trong năm để bảo đảm người dân dù không canh tác nhưng vẫn bảo đảm lương thực cho cuộc sống. Phấn khởi khi nói về sự đổi thay của cuộc sống gia đình mình, chị Lê Thị May, thôn 6, xã Vân Sơn vui vẻ: Gia đình chị góp 5,5 sào đất cho công ty thuê, ngoài số tiền ban đầu được công ty trả trước gần 30 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi và số hoa lợi được chi trả mỗi khi đến mùa vụ, chị còn được tạo điều kiện trở thành công nhân của công ty, được tham gia sản xuất, bảo vệ hoa màu ngay trên đồng ruộng của mình với thu nhập 100.000 đồng/ngày công. “Công ty về làng” đã giúp gia đình chị trở nên khấm khá mà không phải đi “tha phương cầu thực”.
Về Vân Sơn những ngày đầu năm 2015, chiếc áo mới đã khoác lên trên diện mạo xóm làng. Chỉ trong 3 năm, chương trình XDNTM nơi đây đã có sự đột phá ngoạn mục. Thu nhập bình quân của người dân tăng từ 13 triệu đồng/người năm 2011 lên 24 triệu đồng/người vào năm 2014. Cơ cấu lao động chuyển dịch từ 75% làm nông nghiệp năm 2011 còn 33% năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,9%.
Vui mừng trước sự đổi thay của quê hương, bí thư đảng ủy xã Đặng Minh Ân hồ hởi khoe thêm với chúng tôi: 66 hộ gia đình vừa tự nguyện đăng ký rút khỏi danh sách hộ nghèo, tỷ lệ đồng thuận trong XDNTM ở địa phương đạt tới gần 99%. Cũng theo đánh giá của ông Ân, bên cạnh những đóng góp trực tiếp về cơ sở vật chất cho chương trình XDNTM, sự hiện diện của doanh nghiệp ở miền quê này đã giúp chính quyền và người dân địa phương được tiếp cận phương thức sản xuất hiện đại, từ đó nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Từ vụ thu mùa năm 2013, chính quyền và nhân dân xã Hoằng Anh (TP Thanh Hóa) cũng đã “bắt tay” với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông triển khai mô hình cánh đồng sản xuất lúa áp dụng công nghệ cao. Trên cánh đồng mẫu lớn 17 ha, chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Anh giải thích: Diện tích đất ở khu vực này là đất thịt nặng, lại không chủ động được tưới tiêu nên bà con nông dân canh tác không có lãi, nhiều gia đình đành bỏ hoang đồng ruộng.
Vậy mà 3 vụ sản xuất gần đây, hiệu quả đã được khẳng định khi có bàn tay DN giúp sức. Với việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, lựa chọn những giống lúa cho năng suất, chất lượng cao và kháng bệnh, như: ZZD 001, Bắc Thơm kháng bạc lá số 7 và áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật... năng suất lúa đã vượt trội, đặc biệt vụ chiêm-xuân 2014, năng suất lúa đạt tới 8,4 tấn/ha.
Hiệu quả kinh tế đã được DN và 5 hộ gia đình nhận thầu từ 1 ha trở lên khẳng định khi giảm giá sản xuất lúa thương phẩm xuống dưới 3.000 đồng/kg, thay vì giá sản xuất hiện nay là 4.000 đồng/kg, giảm chi phí sản xuất trên một ha từ 6 triệu đồng/ha xuống còn 5,4 triệu đồng/ha. Người trồng lúa đã có lãi khi hạch toán lợi nhuận đạt trên 30 triệu đồng/ha với sản xuất lúa thương phẩm và 50 triệu đồng/ha với sản xuất lúa giống.
Tham gia mô hình liên kết này, các hộ gia đình góp đất đã được DN chi trả 30 kg thóc/sào/vụ, tương đương 1,2 tấn/ha/năm. Chị Lê Thị Mai, đội 5, xã Hoằng Anh, chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 sào ruộng nhưng chia làm 3 mảnh, trước kia gia đình tự canh tác hiệu quả rất thấp, có năm mất mùa chỉ được 1-2 tạ/sào. Từ vụ mùa năm 2013 khi góp đất cùng DN, ngoài hoa lợi được chia sau mỗi vụ thu hoạch, chúng tôi được tham gia sản xuất ngay trên cánh đồng của mình với thu nhập 200.000 đồng/ngày công”.
Góp sức cho những kỳ vọng mới
Trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mục tiêu cơ bản được ngành nông nghiệp tỉnh nhà đề ra là nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp qua tăng năng suất, hiệu quả, từ đó nâng cao thu nhập và mức sống của cư dân nông thôn. Đó cũng chính là trọng tâm của chương trình XDNTM mà Đảng, Chính phủ và các tầng lớp nhân dân đang nỗ lực thực hiện.
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh nhà cũng nêu rõ tập trung phát triển 5 lĩnh vực chính: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp. Theo đó, định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, chú trọng phát triển công nghệ cao, đồng bộ theo chuỗi gắn với thị trường...
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh nhà khiến chúng ta hy vọng về sự đổi thay của bộ mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tương lai. Đó là một nền nông nghiệp khi 1 nông dân có thể sản xuất ra đủ lương thực, thực phẩm cho hàng chục, hàng trăm con người, đó là khi từ những vùng đất sỏi đá, khô cằn, tới chiêm trũng đều có thể sản xuất nông nghiệp nhờ những nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đó là bộ mặt nông thôn khi tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chỉ còn 20-30%, còn lại là dân số hoạt động trong các nhà máy chế biến, dịch vụ nông nghiệp, du lịch nông nghiệp...
Vậy nhưng, người nông dân với tiềm năng kinh tế hạn chế, ruộng đất manh mún, ít được tiếp cận với khoa học - kỹ thuật và thông tin thị trường liệu có tự mình làm nên những kỳ vọng đó? Tình trạng nông dân không mặn mà với đồng ruộng trong thời gian gần đây ở nhiều địa phương đã phần nào đã trả lời cho câu hỏi ấy.
Qua 2 mô hình cánh đồng liên kết của 2 DN trên địa bàn tỉnh, có thể khẳng định: Chỉ có DN mới có thể làm cầu nối giúp người nông dân tiếp cận được khoa học công nghệ để cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, chỉ có DN mới giúp nông dân có được những thị trường tiềm năng cho sản phẩm đầu ra của mình.
Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn, nhấn mạnh: Từ một điểm sáng trong sản xuất tập trung ở cánh đồng xã Vân Sơn, mô hình này đang được nhân rộng trên địa bàn một số xã tại huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Yên Định.
Mục tiêu trọng tâm của công ty là thực hiện chương trình tổ chức sản xuất lại cây mía theo hướng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn từ 50 đến 100 ha, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng giống mới, phân bón hữu cơ sinh học, cải tạo và bảo vệ đất, nhằm tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản xuất cây mía, bảo đảm người trồng mía có lãi từ 40-50%. Bên cạnh đó là chương trình sản xuất rau củ, quả công nghệ cao kết hợp với phát triển cây dược liệu theo hướng VietGAP.
Với sự chuyển giao công nghệ từ đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật được đào tạo chuyên sâu tại các viện nông nghiệp trong và ngoài nước, rồi đây, dưa vàng Kim Hậu, cải bó xôi, cà chua bi, cà rốt... công nghệ cao sẽ hiện diện trên đồng đất nhiều địa phương và sẽ mang theo chỉ dẫn địa lý tỉnh Thanh ra thế giới.
Một tin vui gần nhất, ngày 20-12-2014, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã phối hợp cùng 60 đơn vị kinh doanh dịch vụ nông nghiệp trong toàn tỉnh tổ chức hội nghị “Liên kết sản xuất lúa gạo hàng hóa tại Thanh Hóa”. 10.000 ha lúa đầu tiên tại Thanh Hóa sẽ được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất lúa gạo hiện đại từ khâu chọn giống đến thành phẩm cuối cùng là hạt gạo giá trị cao.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, cho biết: “Mô hình sẽ thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong tất cả các khâu chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch thành phẩm. Tiến Nông cam kết tham gia trong liên minh với vai trò là đơn vị cung ứng đầu vào cho sản xuất và chia sẻ những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong và ngoài nước”.
Nỗ lực của cộng đồng DN với phương châm “Dùng công nghiệp tác động vào nông nghiệp, dùng đô thị tác động vào nông thôn, dùng công nhân, thương nhân, trí thức tác động vào nông dân” như lời nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cố vấn Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM Trung ương Lê Huy Ngọ đã từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn báo chí đang hứa hẹn sẽ mang lại những đột phá cho nông nghiệp tỉnh Thanh trong tương lai gần.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, từ nguồn hạt giống cà phê hỗ trợ của Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam. Từ đầu mùa mưa đến nay nông dân trong tỉnh đã trồng mới và tái canh được 835 ha cà phê.
Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp miền Nam phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vừa tổ chức kiểm tra mô hình sản xuất và ứng dụng phân hữu cơ vi sinh quy mô nông hộ phục vụ canh tác cây hồ tiêu và cà phê theo hướng bền vững tại 2 xã Thanh Bình và Cây Gáo.
Theo Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hiện các tỉnh trong vùng đã thu hoạch xong gần 1,7 triệu ha lúa hè thu. Năng suất bình quân đạt 5,65 tấn/ha, sản lượng cả vụ đạt 9,6 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so vụ hè thu năm ngoái, góp phần nâng sản lượng hai vụ lúa đông xuân và hè thu năm nay đạt 20,6 triệu tấn, đạt trên 82% kế hoạch năm.
Cơ quan phụ trách thu mua lương thực Indonesia (Bulog) cho biết đã ký hợp đồng với Việt Nam vào tuần trước để mua khoảng 200.000 tấn gạo, gạo sẽ được giao từ giữa tháng 10 đến tháng 12/2014.
Ngày 23/9, Luật sư Ngô Quang Thụy – Giám đốc Công ty Luật NT Trade Law, cho biết Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) vừa có phán quyết cuối cùng giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ theo quyết định sơ bộ đối với kỳ rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8).