Khẳng Định Thế Mạnh Kinh Tế Vườn
Dịch bệnh trên cây trồng ngày càng tăng, vì vậy trong định hướng phát triển kinh tế vườn, Vũng Liêm (Vĩnh Long) vẫn tiếp tục quan tâm xây dựng và thực hiện một số dự án, mô hình sản xuất có hiệu quả. Trong đó, đặc biệt quan tâm phát triển các vườn cây ăn trái theo hướng bền vững, tăng năng suất và chất lượng.
Phát triển “cây nhà giàu”
Không quá “nổ” khi về Vũng Liêm ở bất kỳ thời điểm nào cũng có thể tìm và thưởng thức trái cây “đặc sản quê hương”. Trong đó, nhiều nhất phải kể là xoài, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon đã mang lại nguồn lợi lớn cho bà con nông dân.
Đặc biệt ở 2 xã cù lao Thanh Bình và Quới Thiện, mỗi hecta sầu riêng cho thu nhập đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Không ít hộ chỉ qua vài vụ bán trúng giá đã giàu lên nhanh chóng.
Ông Nguyễn Văn Nhanh (ấp Thanh Tân, xã Thanh Bình) có khoảng 2ha trồng sầu riêng cho biết: Hiện hơn 70% diện tích sầu riêng cho trái. Ước sản lượng trái năm nay khoảng 20 tấn, nếu giá chỉ khoảng 15.000 đ/kg, trừ các khoản chi phí thì ông Nhanh còn trong tay gần 200 triệu đồng.
Toàn huyện hiện có hơn 9.000ha vườn cây ăn trái, chiếm gần 40% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có gần 1.300ha đạt giá trị sản phẩm trên 120 triệu đồng mỗi ha/năm, trên 700ha còn lại đạt giá trị trên 100 triệu đồng/ha/năm, với các loại trái cây đặc sản như xoài, măng cụt, bưởi, sầu riêng,…
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm, từ đầu năm đến nay, nông dân trong huyện đã cải tạo vườn kém hiệu quả, trồng mới các loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao được 48ha. Với diện tích đất ruộng sản xuất các loại cây ngắn ngày không hiệu quả, nông dân lên liếp lập vườn mới 24,2ha, nâng tổng diện tích vườn toàn huyện lên 9.375,92ha, chiếm 38,06% diện tích đất nông nghiệp.
Theo đánh giá, năm nay giá trái cây ở mức khá cao so cùng kỳ nên hiệu quả kinh tế từ 120- 150 triệu đồng/ha. Riêng diện tích trồng các loại cây đặc sản như: xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, cam sành cho hiệu quả đạt trên 150 triệu đồng/ha.
Nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất, nông dân trong huyện còn trồng ca cao xen trong vườn cây ăn trái được 980,15ha, với 604.176 cây ca cao. Đầu năm đến nay, có 310 hộ đăng ký trồng ca cao, diện tích 72,2ha, đạt 72,2% kế hoạch. Hộ đăng ký trồng ca cao được hỗ trợ một phần tiền mua ca cao giống và được chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Vừa “trị bệnh” vừa phát triển
Vũng Liêm là một trong những địa phương chịu vấn nạn bởi dịch bệnh chổi rồng trên nhãn hoành hành. Liên tục trong nhiều năm qua không ít nhà vườn thất thu, chịu cảnh trắng tay. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của ngành chức năng trong việc phòng trị, cùng với sự đồng lòng hợp tác của bà con nông dân, đến nay nhiều diện tích nhãn dần hồi phục.
Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến nay có khoảng 330/550ha nhãn nhiễm chổi rồng hồi phục từ khoảng 60% trở lên và cho năng suất từ 40- 50% so với trước. Những vườn nhãn áp dụng đúng quy trình ước năng suất đạt 1.200- 1.400 kg/công.
Trong khi đó, diện tích bưởi bị sâu đục trái tấn công là 299,3ha trên tổng số 932,32ha bưởi. Thời gian qua, huyện đã tổ chức được 27 cuộc tập huấn với 726 người tham dự biện pháp phòng trị. Đến nay, đã mang lại nhiều kết quả khả quan và nhà vườn bắt đầu có bưởi bán trở lại.
Bên cạnh, huyện cũng đang xây dựng mô hình phát triển cây có múi 4ha; mô hình phòng chống dịch bệnh sâu đục trái trên cây có múi 0,5ha ở các xã Trung Hiệp, Trung Chánh, Tân Quới Trung, Quới Thiện, Trung An và Hiếu Nghĩa.
Phát huy thế mạnh, Vũng Liêm còn xây dựng nhiều mô hình phát triển sản phẩm nông nghiệp như: trồng cây trong ca cao xen vườn dừa, đồng thời kết hợp Công ty Thảo Li hỗ trợ phân bón cho nông dân và bao tiêu sản phẩm; tiếp tục tổ chức tập huấn, hỗ trợ nông dân cách phòng trừ bệnh chổi rồng trên cây nhãn và sâu đục trái trên cây bưởi…
Kinh tế vườn đang phát huy nhiều thế mạnh ở Vũng Liêm. Điều này được khẳng định qua việc đánh giá về giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2012 đạt tỷ trọng đến 71,2% trên đơn vị diện tích đất, đạt 130 triệu đồng/ha, tăng 57 triệu đồng/ha so năm 2008.
Từ đó, trong định hướng tới, huyện tiếp tục quan tâm cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả ở các xã- thị trấn như lời khẳng định của Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm Nguyễn Thị Kim Ba: “Đó là giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn và thu nhập cho người làm vườn thời gian tới”.
5 năm xây dựng tam nông (2008 - 2013), nông nghiệp huyện Vũng Liêm vẫn chiếm vai trò vô cùng quan trọng, với giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản tăng trưởng bình quân là 5,54%/năm.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, nhiều người lo ngại việc dịch tai xanh đang diễn biến khó lường và nguy cơ lây lan cao ở các tỉnh phía Bắc có thể dịch sẽ tiếp tục tấn công các tỉnh miền Trung và phía Nam.
Ngày 22.6, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết giá cá tra đang giảm mạnh. Hiện thương lái mua cá tra tại ĐBSCL với giá 18.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) năm tháng đầu năm cả nước khai thác được 1.051 nghìn tấn thủy sản, tăng 3% và nuôi trồng đạt 1.016 nghìn tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Quan trọng hơn, nhờ sản lượng tăng đã góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2011.
Từ đầu năm 2010, FrieslandCampina Việt Nam (Liên doanh giữa Công ty Friesland Hà Lan với Tổng công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương) triển khai Hệ thống quản lý rủi ro về chất lượng (Quality Risk Management System) nhằm hoàn tất hệ thống đảm bảo chất lượng của công ty từ nông trại đến bàn ăn
Mới vào mùa ươm cá giống, nhưng các cơ sở sản xuất cá thát lát cườm giống trên địa bàn huyện Châu Thành A (Hậu Giang) phải “treo” bể ươm hoặc sản xuất con giống cầm chừng vì không có đầu ra và giá cá thương phẩm giảm thấp.