Quảng Ngãi Thu Tiền Tỷ Từ Vàng Trắng
100 gram có giá đến 3 triệu đồng, nên yến sào được mệnh danh như “vàng trắng”. Nuôi yến mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng không phải ai cũng thành công. Có người đầu tư cả tỷ bạc, nhưng đành trắng tay khi loài chim “khó tính” này không chịu đến ở.
Riêng anh Nguyễn Ghi Ta, ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi), nhờ biết cách “xin” lộc trời, mà chỉ sau 5 năm, từ 2 con chim yến ban đầu, giờ anh đã thu hút được đàn yến hơn 8 nghìn con.
Từ những ngày lang thang...
Trước khi đến với nghề nuôi chim yến, anh Nguyễn Ghi Ta từng nghĩ sẽ mãi gắn bó với nghề lái xe đã theo mình hơn hai mươi năm.
Cho đến khi, chứng kiến người thân của mình phục hồi sức khỏe nhanh chóng khi dùng yến sào, anh Ghi Ta mới quyết định chuyển nghề. “Tìm mua yến sào, hộp chỉ 50gram mà giá lên đến hơn 1 triệu đồng. Tự dưng lúc đó tôi nghĩ, tại sao mình không kiếm tiền từ nước bọt của loài chim trời này?”.
Bắt đầu lại tất cả, khi đã ngoài 40, anh Ta không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Người em còn chân tình khuyên anh rằng: “Anh đừng làm chuyện viễn vông nữa”. Thế nhưng, nghĩ là làm! Với chiếc xe Wave cùng bộ đồ nghề vá xe để có thể tự sửa chữa dọc đường, anh Ta rong ruổi ngoài đường suốt hai năm trời để tìm hiểu về yến. Chỉ cần nghe nơi nào có nhà yến, anh liền đến tham quan, học hỏi, quay phim. Cần Giờ, Hóc Môn, Khánh Hòa... anh đều đã đi qua.
Nhờ sự quyết tâm và chịu khó, mà từ một người chưa biết gì về yến, anh Ghi Ta đã tích lũy cho mình đầy đủ kiến thức lẫn bài học xương máu từ thất bại của người khác.
Đến cơ ngơi tiền tỷ
Lúc biết tin anh quyết định xây dựng nhà yến tại xã Nghĩa Lâm ai cũng ngăn cản. Từ người cung cấp thiết bị nhà yến cho đến hàng xóm láng giềng. Bởi mọi người cho rằng, yến thường chỉ thích trú ngụ ở những vùng ven biển, nơi có độ ẩm cao.
Trong khi đó, Nghĩa Lâm lại cách biển đến hơn 30km theo đường chim bay. Thế nhưng, anh Ghi Ta vẫn nhất quyết bỏ ra gần 700 triệu đồng để xây nhà yến 3 tầng, ngay tại trung tâm xã. Và quả thật, anh không “gàn dở” để “ăn may”, mà mọi quyết định của anh đều dựa vào kiến thức mà anh có được sau 2 năm miệt mài học hỏi.
Theo máy đo đạc và sự quan sát của anh Ghi Ta, trong bán kính 8km từ trung tâm xã, có 50% diện tích đồng ruộng, 30% diện tích cây cối cao dưới 5m, 20% diện tích mặt nước nên nơi đây chính là nơi lý tưởng để thu hút chim yến.
Đầu tư nhà yến hết sức kỹ lưỡng với tường được xây bằng 2 lớp gạch để cách nhiệt, cách âm và ánh sáng, rồi máy phun sương, máy giả tiếng chim, camera theo dõi... Nhưng sau khi nhà yến hoàn thành, phải mất đến cả tháng sau, nhà yến của anh Ta mới có những “cư dân” đầu tiên.
Giai đoạn đầu quyết định mọi sự thành bại, nên suốt cả năm trời, anh Ghi Ta ăn ngủ cùng yến. Hai con ban đầu chọn tổ nào để ngủ, bao lâu nữa thì những chim yến khác kéo về... anh đều quan sát thật kỹ qua camera và ghi chép tỉ mỉ vào sổ hành trình.
Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và “say” nghề, đến tháng 9.2010, tròn một năm sau khi xây nhà yến, anh Ghi Ta đã bắt đầu gỡ bỏ tổ giả, để chim yến tiết nước bọt làm tổ thật. Đến năm 2011, anh bắt đầu thu mẻ yến sào đầu tiên.
Dù chỉ vỏn vẹn 100 gram, và bán ra đúng 3 triệu đồng, nhưng anh Ta mừng rơi nước mắt khi những ngày tháng tâm huyết, ăn ngủ cùng yến giờ đã được đáp đền. Đến năm 2012, từ con số 100 gram yến sào thành phẩm ban đầu, nhà yến đã mang về cho anh Ta hơn 10kg, năm 2013 là 20kg và nửa đầu năm 2014 đã là 15kg yến sào.
Không chỉ nổi tiếng bởi tài dẫn dụ được chim yến lên núi, anh Nguyễn Ghi Ta còn được “tiếng lành đồn xa” bởi sự mát tay trong sửa chữa, lắp đặt nhà yến. Đã có 10 nhà yến ở Bình Sơn, TP.Quảng Ngãi, Mộ Đức... xây dựng theo kiểu tự phát nên không phát triển được đàn, nhưng sau khi được anh sửa chữa, tất thảy đều “hấp dẫn” được chim yến đến làm tổ.
Có thể bạn quan tâm
Bây giờ, về làng biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) cứ nghe xôn xao chuyện nuôi tôm trên cát. Ba năm trở lại đây, ai mất mùa cứ mất mùa, riêng người dân biển Hải Ninh nuôi tôm cứ thu nhập tiền tỷ đều.
Ông Hòe đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh vấn đề này trước thềm năm 2014. Ngoài cơ hội, ông cũng lưu ý về những nguy cơ mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi xuất khẩu sản phẩm của họ theo đường tiều ngạch.
Năm 2013 Sóc Trăng đạt sản lượng 44.000 tấn tôm, cao gấp 3 lần so với năm 2011. Kết quả này đã đóng góp tích cực vào con số 2,8 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Chỉ tính riêng 2 nhà máy tại Khu công nghiệp An Nghiệp, giá trị xuất khẩu đã đạt 170 triệu USD.
Năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng trưởng khá nhờ thế mạnh về xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây… Tuy vậy, năm 2014 xuất khẩu của cả vùng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nỗi lo.
Có được kết quả này là nhờ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khắc phục kịp thời tình trạng thiếu nguyên liệu. Năm 2013, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng của tỉnh đạt xấp xỉ 98.000 tấn, đáp ứng được 40% nguyên liệu cho các nhà máy, còn lại các doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài để đủ chế biến…