Kết quả thực hiện Đề án lai tạo đàn bò ở Vân Canh tỉnh Bình Định
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đặc biệt là trên lĩnh vực chăn nuôi, năm 2011, UBND huyện Vân Canh (Bình Định) triển khai Đề án lai tạo đàn bò, giao Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với UBND 7 xã-thị trấn thực hiện...
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vân Canh, cho biết: “Năm 2011, UBND huyện giao kế hoạch phối giống 938 con bò, nhưng khi đi vào thực hiện Đề án gặp nhiều khó khăn vì người dân địa phương chưa hiểu biết nhiều về giá trị của việc lai tạo đàn bò.
Với quyết tâm cao, Trạm đã tiến hành thụ tinh nhân tạo được 1.124 con; cho nhảy trực tiếp 63 con, tổng cộng cả hai loại thụ tinh được 1.187 con, đạt tỉ lệ 126,54% so với kế hoạch giao. Về chỉ tiêu giao bê lai sinh ra thời điểm đó 750 con, thực hiện được 754 con. Trong 5 năm thực hiện Đề án, chỉ tiêu bê lai sinh ra là 5.178 con, kết quả thực hiện 8.190 con, đạt tỉ lệ 158,16%”.
Số lượng đàn bê lai sinh ra hàng năm đã bổ sung rất lớn vào cơ cấu đàn bò hiện nay trên địa bàn huyện. Ước tính đến cuối năm 2015, tỉ lệ đàn bò lai toàn huyện sẽ đạt 50,2% (7.781/15.500 con), tăng 22% so với năm 2010, bình quân mỗi năm tăng 4,4%. Một số địa phương có tỉ lệ đàn bò lai khá cao, như: Canh Vinh 4.604 con, chiếm 66,87% tổng đàn bò trong xã; Canh Hiển 1.306 con, chiếm 61,56%…
Ông Nguyễn Văn Tấn - người Chăm H’roi, sinh sống tại làng Kà Xiêm, xã vùng sâu Canh Thuận - tâm sự: “Nhờ huyện cấp cho con bò đực lai để lai tạo nhảy trực tiếp đàn bò trong làng, nên bầy bò của gia đình mình đã được lai tạo, đến giờ có 5 con bê lai. So với bò cỏ thì bò lai có giá trị kinh tế cao hơn. Một con bò cỏ chăn thả 5 năm bán được từ 5 - 10 triệu đồng, nhưng với bò lai thì đến 25 - 30 triệu đồng chỉ sau 2 năm chăn thả. Bò lai sinh ra, thích nghi nhanh với môi trường khí hậu tại địa phương nên ít bị bệnh tật và lớn nhanh”.
Trong Đề án lai tạo đàn bò, huyện Vân Canh đã vận dụng lồng ghép kinh phí từ các Chương trình 30a, 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới… bổ sung vào nguồn kinh phí thực hiện Đề án lai tạo đàn bò giai đoạn 2011 - 2015 để mua bò đực giống lai, hỗ trợ thức ăn tinh cho bò lai, mua cỏ giống hỗ trợ cho nông dân và mua bò cái giống lai cấp cho hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Nhờ thực hiện có hiệu quả Đề án lai tạo đàn bò, đã giúp cho nhiều hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện trở nên khá giả, có thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm từ bán bò nghé lai.
Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: “Trong những năm tới, nhất là giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan chú trọng hơn nữa công tác lai tạo đàn bò trên cả 2 phương pháp (thụ tinh nhân tạo và nhảy trực tiếp), phấn đấu mỗi năm có 2.500 - 3.000 con bê lai ra đời, tăng tỉ lệ đàn bò lai hàng năm từ 3 - 3,5% so với tổng đàn; phấn đấu đến cuối năm 2020 tỉ lệ bò lai trong huyện đạt 65%”.
Có thể bạn quan tâm
Từ miền Tây khăn gói lên mảnh đất Lâm Đồng lập nghiệp, nhờ chịu thương, chịu khó tìm tòi và biết áp dụng kỹ thuật trồng cam. Đến nay, anh Lê Hoàng Minh (35 tuổi, ở xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) đã có một vườn cam sành thu lãi khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.
Ðể có được những giọt mật ngon, những người nuôi ong ngày này qua tháng nọ phải lang bạt khắp nơi để đưa đàn ong đi tìm mật. Nhiều rủi ro bất trắc trên đường di chuyển, nhưng bù lại nghề này có thể cho thu nhập rất cao nếu tìm được vùng hoa có nhiều mật.
Mặc dù chỉ mới hoạt động hơn 1 năm, song Tổ dịch vụ (TDV) bao trái xoài ở phường 6, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã tạo được hiệu ứng tốt trong việc nhân rộng và phát triển mô hình sản xuất xoài theo hướng an toàn tại địa phương
Người tiên phong đó là chị Nguyễn Thị Thanh (47 tuổi, ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Đến nay, sau gần 20 năm, mô hình này đã thành công, vừa mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, vừa tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Ngành chăn nuôi Việt Nam đầu vào đã không tự chủ được và ngày càng bị lấn át bởi các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Thái Lan, đầu ra cũng bị cạnh tranh khốc liệt, không có thế mạnh xuất khẩu mà chỉ tiêu thụ trong nước, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nhận xét.