Giá Trị Thực Của Ca Cao Bến Tre
Từ đầu năm 2014 đến nay, giá ca cao đã phục hồi và duy trì ở mức từ 4.700 đến 5.000 đồng/kg trái, sau đợt sụt giá vào cuối năm 2013 (chỉ còn 3.000 đến 3.500 đồng/kg trái). Hạt ca cao lên men hiện có giá từ 55.500 đến 61.500 đồng/kg. Sự biến động giá ca cao lần này có ý nghĩa đặc biệt đối với người trồng cây ca cao.
Giá trị ca cao hiện nay là thực chất?
Bình luận về sự tăng giảm giá của ca cao trên thị trường, anh Nguyễn Mộng, đại diện đơn vị thu mua ca cao các tỉnh khu vực miền Tây - Công ty TNHH Cargill Việt Nam, nói: Những tháng cuối năm 2013, sản lượng ca cao trên thế giới tăng do các nhà đầu tư đồng loạt tung hàng dự trữ trong khi nhu cầu chế biến của các nhà máy không tăng; đồng thời, năng suất thu hoạch ca cao tại các nước cũng tăng do trúng mùa. Sang năm 2014, cán cân cung cầu ca cao trên thị trường thế giới đã trở lại trạng thái cân bằng, nên giá cả đang ổn định trở lại.
Trước đây, có thời điểm ca cao tăng giá kỷ lục, với mức dao động từ 8.500 đến 9.000 đồng/kg trái tươi, lúc đó hạt lên men có giá trên 100.000 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá là do ảnh hưởng của biến động về sản lượng, dẫn đến cán cân cung cầu mất cân đối, kéo theo sự biến động về giá. “Có thể nói, mức giá hiện nay của ca cao là giá trị thực” - anh Nguyễn Mộng cho biết.
Sản lượng ca cao trên địa bàn tỉnh hiện cũng được đánh giá là phát triển ổn định. Trong đợt chặt đốn hơn 1.400ha đất trồng ca cao, có huyện diện tích ca cao bị đốn bỏ chiếm khoảng 1/3. Theo cơ sở đầu mối thu mua ca cao các tỉnh miền Tây tại xã An Khánh (Châu Thành), sản lượng vẫn không giảm so cùng kỳ.
Bởi vì phần lớn vườn ca cao bị đốn đều là những vườn trồng nhỏ lẻ, chưa cho trái hoặc đã cho trái nhưng kém hiệu quả. Đối với các vườn đã cho trái ổn định và hiệu quả, nhà vườn vẫn vững niềm tin, chuyên tâm đầu tư chăm sóc nhằm nâng cao năng suất.
Hiện nay, việc đốn ca cao hàng loạt không còn diễn ra, một số địa phương đang đăng ký diện tích trồng mới theo tinh thần của Ban chỉ đạo là đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Theo ông Phan Văn Khổng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2014 và các năm sau, diện tích ca cao sẽ phát triển tùy thuộc vào sự hấp dẫn của thị trường.
Giữ vững niềm tin và nắm bắt cơ hội
Ca cao được xác định là cây thích hợp trồng xen trong vườn dừa, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu hơn so với nhiều loại cây trồng khác.
Qua quá trình triển khai và phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lợi nhuận trung bình của các mô hình trồng xen trong vườn dừa như sau: dừa trồng độc canh: 35 triệu đồng/ha/năm, dừa xen chanh: 55 triệu đồng/ha/năm, dừa xen ca cao: 65 triệu đồng/ha/năm.
Theo anh Lương Văn Vũ (xã An Khánh - Châu Thành), canh tác trên 5.000m2 vườn chuyên nhãn trước đó, từ năm 2005 đến nay, anh chuyển sang đầu tư trồng dừa, xen ca cao và măng cụt. Hiện, anh thu nhập bình quân từ huê lợi vườn cây trái khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Văn Ánh (xã An Khánh) là một trong những trường hợp tiếp cận với cây ca cao ngay từ thời gian đầu triển khai và duy trì phát triển đến nay. Ông ước tính, hiện sản lượng hạt ca cao (đã lên men) đạt 1,6 tấn/ha/năm. Với giá bình quân 60.000 đồng/kg (hạt lên men), thu nhập đạt từ 90 triệu đồng trở lên.
Cũng là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn UTZ (ấp 1 và 2), ông Ánh cho biết: Hầu hết thành viên trong câu lạc bộ đều giữ vững diện tích ca cao trong khi toàn xã có gần 100ha bị đốn bỏ hoặc chết trong năm 2012-2013. Các thành viên trong câu lạc bộ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc ca cao đúng mức, hiệu quả đem lại đúng thực chất nên không ai đốn bỏ ca cao. Bây giờ, người dân đã khá, vững niềm tin, hưởng ứng các phong trào do Nhà nước phát động.
Mặt khác, theo kết quả khảo sát của cán bộ chuyên môn, thông tin cho rằng ca cao làm ảnh hưởng không tốt đến các cây trồng khác hoặc ảnh hưởng đến việc nuôi tôm cá trong mương vườn là không có cơ sở, cả về mặt khoa học lẫn trên thực tế.
Tại Bến Tre, ngoài Công ty TNHH Ca cao Phạm Minh (xã Hữu Định - Châu Thành) đã thành lập và hoạt động, tháng 11-2013, Công ty TNHH Puratos Grand-Place cũng vừa khánh thành Nhà máy thu mua và lên men & Trung tâm phát triển ca cao tại Khu công nghiệp Giao Long. Đây là nhà máy chế biến hạt ca cao từ trái ca cao tươi thành chocolate đầu tiên tại Việt Nam.
Công suất hoạt động của nhà máy trong giai đoạn I là 8.000 tấn/năm. Công ty sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Dự án nhằm chế biến thành chocolate, công suất 5.000 tấn/năm. Riêng về phía Công ty TNHH Cargill ViệtNam, theo anh Nguyễn Mộng, đại diện đơn vị thu mua ca cao các tỉnh khu vực miền Tây, sắp tới, Công ty cũng sẽ thành lập nhà máy chế biến ca cao tại Việt Nam.
Với những cơ hội về phát triển sản xuất và tiêu thụ ca cao trên địa bàn tỉnh, nhà vườn đã có thể vững tin vào giá trị thực chất của nó. Vấn đề hiện nay là phải trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật để cây ca cao mang lại hiệu quả, giúp người dân có thu nhập cao nhất trên cùng một diện tích đất sản xuất.
Tính đến cuối năm 2012, Bến Tre đã trồng 10.667ha ca cao (trong đó do ACDI/VOCA tài trợ hơn 3.000ha), diện tích cho trái hơn 4.500ha, sản lượng trái tươi trên 30.000 tấn. Tổng thu nhập ước đạt 90-100 tỷ đồng/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, nhu cầu về hạt ca cao sẽ tăng lên 5% trong niên vụ 2013-2014 và những năm tiếp theo. Đặc biệt có các thị trường tiêu thụ ca cao mới nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Đông Âu…
Có thể bạn quan tâm
Biến đổi khí hậu được các nhà khoa học đánh giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thủy sản, nghề cá và cộng đồng ngư dân. Trong đó nhiệt độ trái đất tăng khiến lượng mưa thay đổi, mực nước biển dâng sẽ khiến cả sản lượng đánh bắt và nuôi trồng bị ảnh hưởng rất nhiều. Việc đánh bắt sẽ ảnh hưởng do mật độ bão dày đặc và cường độ lớn hơn.
Ngày 3/6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số bất cập trong Nghị định 36 về nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra vừa ban hành; đồng thời lùi thời gian bắt đầu thực hiện đến 1/7/2015, thay vì từ 20/6 năm nay.
Theo UBND huyện Krông Nô, hàng năm, địa phương có trên 2.700 ha lúa nước vụ hè thu, 1.795 ha lúa nước vụ đông xuân và hơn 1.900 ha ngô. Những năm gần đây, việc đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã đưa lại những hiệu quả kinh tế lớn.
Để giúp nông dân phòng chống bệnh rệp sáp tấn công, ngành Nông nghiệp huyện Chư Jút đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn nông dân mua các loại thuốc đặc trị rệp sáp về phun và khuyến cáo nông dân nên tiến hành cắt và tiêu hủy những cành, chùm quả đã bị khô nhằm hạn chế sự phát triển của rệp sáp.
Đến thời điểm này đã có 12 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, như điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dầu thô; thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ; cà phê; gạo...