Nông Dân Trồng Ớt Đang Gặp Khó

Người dân trồng ớt tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, so với năm 2013, giá ớt không chỉ giảm mạnh mà sản lượng lại không cao do ảnh hưởng từ đợt mưa lớn vừa qua. Hiện tại, giá ớt đang mức 15 ngàn - 18 ngàn đồng/kg, chỉ bằng gần phân nửa so với mức giá 25 ngàn – 35 ngàn đồng/kg cùng thời điểm năm ngoái. Với mức giá này, người trồng phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng cho mỗi hécta ớt.
Những ngày này, các cánh đồng ớt trên địa bàn huyện Thanh Bình (địa phương có diện tích trồng ớt lớn nhất tỉnh) bước vào thu hoạch rộ. Tuy nhiên, không khí thu hoạch vụ ớt này không còn hối hả, rộn ràng như vụ ớt năm 2013, do giá ớt đang ở mức thấp, dưới giá thành sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Dã, nông dân trồng 6.000m2 ớt ngụ ấp Tân Hội, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình cho biết: “Hiện tại, giá ớt đang ở mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây: loại 1 là 15 ngàn đồng/kg; loại 2 là 13 ngàn - 14 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá thành trồng ớt hiện nay lên tới 20 ngàn - 21 ngàn đồng/kg do các chi phí phân, thuốc, nhân công chăm sóc, thu hoạch liên tục tăng. Với giá ớt hiện tại, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi phải chịu lỗ 3 ngàn - 6 ngàn đồng/kg”.
Hiện nay, sức tiêu thụ ớt trên thị trường rất chậm, nhiều đại lý thu mua ớt đã ngưng hoạt động, trong khi nhiều ruộng ớt tại huyện Thanh Bình đang vào giai đoạn chín. Nếu như vụ trước, người trồng chỉ cần thu hoạch xong là có thương lái đến tận nhà thu mua, trả tiền ngay thì hiện nay nông dân phải chở ớt đến tận các đại lý.
Ông Phạm Trường Nhơn ngụ ấp Tân Hội, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình cho biết: “Giá ớt không chỉ giảm mạnh, người trồng ớt như tôi còn chịu thiệt hại về sản lượng do ảnh hưởng từ đợt mưa lớn đầu vụ. Mưa lớn làm cây ớt bị rụng hoa, dẫn đến năng suất giảm mạnh.
Năng suất chỉ đạt từ 2-2,5 tấn/công, giảm từ 30%-50% so với vụ đông xuân năm 2013. Hi vọng giá ớt những ngày sắp tới sẽ khả quan hơn để bà con trồng ớt đỡ khổ. Nếu như giá ớt vẫn giữ mức này từ nay đến cuối vụ, nông dân trồng ớt như chúng tôi khó có thể lấy lại vốn”.
Nhiều người trồng ớt thuộc 5 xã cù lao Thanh Bình cho biết, nguyên nhân giá ớt vụ này xuống thấp do năm trước giá ớt lên cao “ngất ngưởng”, người trồng thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi héc ta nên diện tích trồng ớt trong tỉnh và các tỉnh lân cận trong vụ này tăng mạnh, dẫn đến “cung vượt cầu”.
Theo bà Lê Thị Kim Thoa ngụ ấp Tân Bình Hạ, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình: “Nắm bắt được người dân trồng ớt đang gặp khó trong vấn đề đầu ra, một số thương lái lợi dụng tự ý thay đổi giá ớt để thu mua với giá rẻ, gây bất lợi cho nông dân. Có khi trong một ngày, giá ớt được thương lái thay đổi 2-3 lần.”
Ông Lê Minh Kế - Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Huề cho biết: “Giá ớt giảm mạnh do thời gian qua ớt chủ yếu được tiêu thụ bằng con đường xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia... nhưng hiện nay các thị trường này tiêu thụ ít hoặc không mua. Điều này dẫn đến tình trạng “cung vượt xa cầu” làm giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, năng suất ớt cũng giảm do điều kiện thời tiết bất lợi và việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là nguyên nhân ảnh hưởng.”
Có thể bạn quan tâm

Vịt thích hợp với nhiều phương thức nuôi khác nhau, có thể nuôi trên khô không cần nước bơi lội (nhốt trong chuồng, nuôi trên vườn cây), nuôi nhốt kết hợp với nuôi cá (cá - vịt) hoặc nuôi thả đồng có khoanh vùng kiểm soát. Là giống vịt chuyên trứng có năng suất cao nhất so với các giống vịt hiện có của Việt Nam.

Ngày 29/11/2013, tại ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu (Trung tâm) kết hợp với Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy đa dạng sinh học (GIZ) tỉnh Bạc Liêu (Dự án GIZ Bạc Liêu) đã tổ chức tổng kết lớp tập huấn canh tác dưa hấu trong khuôn khổ lớp tập huấn lúa - màu (lúa - dưa hấu).

Thăm vườn dừa xiêm lùn tươi tốt rộng gần 1 hécta của ông Trần Văn Nhẫn, ấp 2, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) bắt đầu cho thu hoạch, nhiều người không khỏi trầm trồ khen ngợi vì đây vốn là vùng đất ngập mặn bị bỏ hoang do canh tác không hiệu quả. Trong vườn có ao nuôi cá, có nhà thủy tạ nghỉ mát.

Các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm, nếu muốn tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản, phải có vùng nguyên liệu tối thiểu 10% công suất và phải ký hợp đồng mua tôm nguyên liệu có sự chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ trương của tỉnh là xây dựng thương hiệu mạnh cho con cá thát lát Hậu Giang, từ đó mà dự án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cá thát lát Hậu Giang dùng cho sản phẩm cá thát lát của tỉnh Hậu Giang” được triển khai thực hiện.