Hướng đi mới cho vùng chuyên canh rau màu

Điều này đã phần nào giúp bà con giải bài toán khó về giá cả bấp bênh trong canh tác rau màu.
Nông dân cù lao Bà Hòa chăm sóc bắp cải
Từ năm 2000, qua nhiều lần tham dự các hội thảo, ông Đặng Văn Đơ (ấp Thạnh Hưng) đã tìm hiểu và ký hợp đồng sản xuất giống rau màu nguyên chủng các loại, như: Đậu đũa, đậu que, bắp… với Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời).
“Ban đầu, cán bộ kỹ thuật của công ty xuống trực tiếp hướng dẫn, nhưng qua vài mùa vụ, mình đã nắm vững kỹ thuật và có kinh nghiệm canh tác nên công ty tin tưởng giao cho mình làm luôn”- ông Đơ chia sẻ.
Hàng năm, khoảng đầu tháng 9 âm lịch, ông Đơ cùng 13 hộ dân ở địa phương tiến hành làm đất, chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân, xong vụ đông xuân sẽ tận dụng đất, giàn dây làm sẵn canh tác thêm vụ hè thu.
Với khoảng 7 héc-ta đất canh tác, ông Đơ cùng bà con nơi đây cung cấp khoảng 10 tấn hạt giống các loại mỗi năm. “Các loại giống sẽ đáp ứng theo nhu cầu của công ty ký kết hợp đồng, chúng tôi chủ yếu trồng các loại đậu que và đậu đũa. Làm ít loại nhưng hiệu quả vì mình có thể kiểm soát chất lượng tốt hơn”, ông Đơ phân tích.
Trong quá trình trồng, phải thường xuyên loại bỏ cây tạp, xấu để đảm bảo chất lượng. Với năng suất ước tính khoảng 200kg hạt/công, sau khi trừ tất cả chi phí, bà con còn lời từ 7 - 9 triệu đồng/công. Với thời gian canh tác cũng như so với nhiều loại cây trồng khác thì có thể lãi không cao, tuy nhiên, so với trồng rau màu thì rất ổn định.
“Giá cả đã được ký kết từ đầu vụ theo hợp đồng nên bà con an tâm canh tác, chỉ tập trung vào chăm sóc đạt năng suất thì lợi nhuận càng cao”- ông Đơ nói thêm.
Có thể nói, vì trồng màu lấy hạt nên về khâu chăm sóc, thu hoạch cũng khỏe hơn nhiều so với thu hoạch rau màu thương phẩm.
Chỉ cần đợi đến lúc trái khô là thu hoạch và đem về lựa, giao cho công ty, không cần phải thu hoạch nhiều lần như trồng thương phẩm.
Hiện nay, ngoài Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, ông Đơ còn giao hạt giống cho nhiều công ty khác. Ông Đơ cho biết, nhu cầu của các công ty là khá lớn nhưng để tập trung được diện tích đất lớn để đáp ứng thì còn rất khó khăn nên không dám nhận những đơn hàng lớn…
Trước đây, ông Đơ còn có trang trại rau màu gốc ghép, điển hình, như: Cà chua có gốc ghép cà tím hoặc cà hoang dại, dưa hấu… Tuy nhiên, do ít người trồng vì do vùng đất không thích hợp, thị trường đầu ra không ổn định nên đã dần không còn làm nữa, chỉ tập trung vào sản xuất hạt giống.
Cùng ở ấp Thạnh Hưng, ông Đào Văn Măng, hiện là Chủ nhiệm CLB Nông dân ấp Thạnh Hưng, cũng bắt đầu làm thử mô hình liên kết sản xuất hạt giống với các công ty. “Biết đây là mô hình hiệu quả nên năm rồi, tôi cũng trồng thử đậu que trên khoảng 5 công đất để đánh giá năng suất, sau đó chính thức ký hợp đồng với công ty”- ông Măng giải thích.
Năm nay, ông Măng dự định sẽ tập hợp bà con canh tác nhiều hơn, chỉ cần có công ty đặt hàng thì sẽ đáp ứng.
Qua một năm canh tác, ông Măng chia sẻ kinh nghiệm:
“Khi đậu que lên khoảng 1m sẽ cho trái, những trái đó nên thu hoạch bán thương phẩm, không nên để trái khô vì trái rất ít, lại ngắn và ít hạt. Những trái đậu ở những nấc tiếp theo sẽ ra nhiều hơn, trái dài, hạt nhiều thì năng suất cũng sẽ cao hơn.
Với cách làm này, bà con sẽ tăng thêm lợi nhuận cho mình”.
Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Thạnh Nguyễn Anh Huy cho biết, so với giá cả bấp bênh của nhiều loại rau màu hiện nay thì mô hình trồng rau màu lấy hạt thật sự có hiệu quả. Thực hiện mô hình này, bà con có thể liên kết được các doanh nghiệp bằng hợp đồng, với giá cả ổn định nên lợi nhuận cũng được đảm bảo…
Có thể bạn quan tâm

Vụ mùa năm nay, gia đình anh nuôi 1,7 sào ốc hương. Sau 5 tháng, anh thu hoạch hơn 2 tấn ốc, trị giá gần 200 triệu đồng. Anh thu hoạch ốc bằng máy hút ốc, tránh được thất thoát từ 30- 40% và giảm được công lao động. Đây là một mô hình mới thu hoạch ốc hương bằng việc đưa cơ giới vào sản xuất góp phần phát triển nông thôn mới.

Trong một vài năm trở lại đây, mô hình cá lăng nha đuôi đỏ nuôi trong bè nổi tại các hồ lớn, hồ thủy điện… trong tỉnh Dak Lak đã chứng tỏ được giá trị kinh tế của loài cá đặc sản được xếp bậc nhất trong họ cá da trơn trên dòng sông Mê Kông.

Thực hiện lịch thời vụ trong nuôi trồng thủy sản, trong tháng 7/2013 ở Bạc Liêu, nông dân đã tập trung thả giống hơn 96.830ha, nâng tổng diện tích tôm nuôi đến nay lên hơn 124.590ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp khoảng 11.570ha, còn lại là diện tích nuôi quảng canh, hoặc quảng canh cải tiến kết hợp với các loại thủy sản khác như: cá, cua...

Nếu như trước đây 90% giống dâu, tằm có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ thì nay người trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển sang nuôi trồng giống dâu, tằm nội địa. Giống dâu, tằm này do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng (TTNCTNNLN) nghiên cứu và đưa vào sản xuất đại trà thời gian gần đây.

An Giang có 2 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gạo đồ (parboiling) là Công ty TNHH Khiêm Thanh và Công ty Cổ phần Toàn Cầu, có tổng công suất thiết kế 1.200 tấn/ngày. Không chỉ bán được giá cao hơn, chế biến gạo đồ còn giải quyết được nhiều khó khăn trong sản xuất lúa gạo hiện tại.