Hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa
Vai trò “bà đỡ”
Với cầu nối là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Tam An 2, vụ đông xuân 2014 - 2015 vừa qua, nhiều nông dân trên địa bàn hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Ông Bùi Thanh Thọ - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Tam An 2 cho biết, sau khi thực hiện việc chỉnh trang đồng ruộng, những năm qua đơn vị đứng ra liên kết với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Quảng Bình và một số doanh nghiệp khác tổ chức cho hơn 400 hộ dân ở các thôn An Thiện, Thuận An, An Thọ, Phước An sản xuất mỗi vụ 102ha giống lúa thuần các loại. Theo ông Thọ, canh tác theo hướng này bình quân 1ha đất nông dân lãi thêm 16 triệu đồng/vụ so với làm lúa thường.
Còn ông Trần Ngọc Bằng – Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh thì cho hay, những năm qua nhiều HTX nông nghiệp khác trên địa bàn huyện cũng phát huy rất tốt vai trò “bà đỡ” trong việc hỗ trợ nhà nông liên kết với nhà doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Riêng vụ đông xuân 2014 - 2015 vừa rồi nông dân Phú Ninh liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất hơn 567ha giống lúa trên hàng chục cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật. Thống kê cho thấy, vụ này người dân đã thu hoạch, xuất bán ra thị trường hơn 3.400 tấn hạt giống lúa thuần và lúa lai các loại. Qua đó, tăng ít nhất 25% giá trị kinh tế so với canh tác lúa thương phẩm.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều HTX cũng phát huy rất tốt vai trò “bà đỡ”, làm cầu nối, giúp nông dân tiếp cận và liên kết sản xuất với nhiều doanh nghiệp, tạo hướng mở trong việc giải quyết đầu ra nông sản. Các mối liên hệ này xuất phát từ nhu cầu thực tế của nông dân và doanh nghiệp, hợp tác đôi bên cùng có lợi nên rất bền chặt. Trong mối liên kết này, chính quyền địa phương “tiếp sức” bằng cách tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, định hướng sản xuất phát triển bền vững.
Ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, để tiếp sức cho nhà nông hợp tác sản xuất dưa leo với doanh nghiệp, ngân sách huyện trích kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp phát triển nông nghiệp hỗ trợ người dân mua hạt giống và thường xuyên cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại. Thực tế cho thấy, vụ vừa qua bình quân 1ha dưa leo cho mức thu nhập 100 triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần so với các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác.
Khi nông dân nhạy bén
Bên cạnh sự nỗ lực phát huy vai trò “bà đỡ” của các HTX thì những năm qua nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng rất năng động, nhạy bén trong việc liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm.
Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, những năm qua việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong khâu sản xuất và tiêu thụ giống lúa đã mang lại thành công rất lớn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành được hàng loạt vùng chuyên canh giống lúa thuần và lúa lai với diện tích sản xuất mỗi năm khoảng 4.000ha. Nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, sắp tới ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương sẽ tiến hành quy hoạch, mở rộng thêm 2.000 - 3.000ha đất chuyên sản xuất giống lúa hàng hóa. |
Ngay sau khi “bắt mối” với Công ty CP Thái Lan, đầu năm 2010 ông Nguyễn Ngọc Lễ ở thôn Xuân Thái (Phú Thọ, Quế Sơn) đầu tư 400 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo gia công với quy mô khép kín trên 1ha đất đồi, nằm cách xa khu vực dân cư. Theo đó, công ty chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.
Đồng thời cung ứng toàn bộ con giống đầu vào cũng như nguồn thức ăn, thuốc thú y, hóa chất phun tiêu độc khử trùng và đảm nhận việc lo đầu ra của sản phẩm. “Nói chung là doanh nghiệp lo tất tần tật các khâu, tôi chỉ tốn kinh phí xây chuồng trại và công nuôi dưỡng thôi. Trong vòng 5 năm qua, bình quân một năm tôi nuôi gia công cho Công ty CP Thái Lan 2 lứa heo thịt, mỗi lứa với số lượng 500 con. Doanh nghiệp họ lãi bao nhiêu tôi không rõ, riêng về phần mình thì mỗi năm tôi kiếm được 200 triệu đồng tiền nuôi gia công” – ông Lễ chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, thời gian qua nông dân ở nhiều địa phương của huyện đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để phát triển mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại với quy mô lớn.
Ông Chín nói: “Theo thống kê, hiện nay tại các xã Quế Long, Phú Thọ, Quế An, Quế Châu, Quế Phú nông dân và doanh nghiệp đã hình thành được 9 trang trại chăn nuôi heo siêu nạc với số lượng 400 - 700 con/lứa/mô hình. Đây là hướng mở trong phát triển chăn nuôi hàng hóa, vì cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều có thu nhập khá. Vì thế, trong những năm đến cần nhân rộng phương thức chăn nuôi này”.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 310 ha trồng đậu nành trên đất lúa ở tỉnh Vĩnh Long đã đem lại thu nhập cao gấp 1 - 2 lần so với SX 3 vụ lúa/năm.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được mệnh danh là vựa lúa của cả nước. Nhưng ngày càng tụt hậu, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Sinh kế của người dân vẫn dựa vào cây lúa là chính. Nhưng đầu ra hạt lúa đang chịu nhiều áp lực từ sự cạnh tranh gay gắt.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng mì của nông dân Tây Ninh, nếu thường xuyên sử dụng phân hữu cơ thì đất sẽ không bị thoái hoá, năng suất cây trồng đạt cao.
Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang hoành hành khắp các vùng nông thôn. Mùa mưa ở Tây Nguyên bắt đầu, cũng là thời điểm thuận lợi để nhà nông xuống giống, bón phân cho các loại cây trồng.
việc xây dựng thành công nhãn hiệu Lạc giống Tân Yên, hai năm nay, huyện Tân Yên (Bắc Giang) tập trung cao cho phát triển và mở rộng diện tích cây lạc, cây thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.