Nguy cơ giảm giá thu mua sữa
Bởi vậy, trong thời gian này, nông dân cần cẩn trọng, tính toán kỹ trong việc tăng đàn hay bước vào nghề nuôi bò sữa.
Theo các chuyên gia ngành sữa, mấy năm qua sản lượng sữa tươi nguyên liệu trên thế giới tăng mạnh do nông dân nhiều nước gia tăng đàn bò sữa sau khi quota sản xuất sữa được bãi bỏ.
Dự báo trong niên khóa 2014-2015 (tính từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2015), sản lượng sữa trên toàn cầu tăng 10% so với niên vụ trước. Trong khi đó, việc tiêu thụ sữa trên toàn cầu trong năm nay lại có nhiều yếu tố bất lợi, nhất là tại thị trường lớn là Trung Quốc, bên cạnh đó là lệnh cấm NK của Nga đối với hàng nông sản từ Mỹ, Úc, châu Âu ….
Dự báo nhu cầu tiêu thụ sữa trên toàn cầu trong niên khóa nói trên giảm khoảng 6-7%. Những nguyên nhân này đã khiến cho giá sữa nguyên liệu trong mấy tháng qua có xu hướng giảm mạnh. Tới giữa tháng 7 này, giá sữa bột giao dịch tại chỗ chưa tới 1.900 USD/tấn (giá giao hàng tới mạn tàu).
Giá sữa nguyên liệu trên toàn cầu giảm đã khiến cho việc tiêu thụ sữa tươi của nông dân nhiều nước gặp khó khăn, giá giảm mạnh. Ở một số nước châu Âu, đã tái diễn tình cảnh nông dân đổ bỏ sữa ra đường để phản ứng với giá sữa quá thấp. Theo thạc sỹ Vương Ngọc Long, Trưởng ban Phát triển vùng nguyên liệu (Cty Vinamilk), ngành sữa toàn cầu đang ở vào đợt khủng hoảng lớn nhất trong 8 năm qua.
Giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá thu mua sữa tươi ở Việt Nam. Cho đến thời điểm này, ở khu vực TP.HCM, các nhà máy sữa lớn vẫn chưa có thông báo chính thức về việc điều chỉnh giá thu mua sữa tươi nguyên liệu của nông dân. Nhưng trên thực tế, giá bán sữa của nhiều hộ nông dân cho các nhà máy đã ít nhiều bị giảm so với trước đây.
Gia đình ông Phạm Đăng Bảo ở ấp 9, xã Tân Thạnh Đông (Củ Chi, TP.HCM), hiện có đàn bò 30 con. Trong đó, số bò cho sữa hàng ngày thường vào khoảng trên 10 con. Mỗi ngày, gia đình ông thu được trên 300 kg sữa tươi.
Do tuân thủ khá tốt các yêu cầu vệ sinh trong khâu nuôi dưỡng và vắt sữa, nên trước đây gia đình ông thường được một công ty trả tiền mua sữa ở mức từ 13.500-13.800 đ/kg. Nhưng gần đây, trong khi gia đình ông Bảo vẫn tuân thủ tốt các yêu cầu về vệ sinh trong quá trình chăm sóc và vắt sữa bò, thì giá sữa tươi mà nhà máy trả cho ông đã giảm nhiều, bình quân chỉ còn 12.500 đ/kg.
Ông Bảo cho biết gần đây, nhà máy có xu hướng siết chặt hơn về chất lượng sữa và mạnh tay trừ tiền với những lỗi về chất béo, vật chất khô…, nhất là vi sinh và tế bào soma.
Cũng theo ông Bảo, trong vùng vẫn có những hộ bán được sữa tươi cho các nhà máy với giá trên dưới 14.000 đ/kg nhưng những hộ bán được sữa với giá cao như vậy là rất ít. Phần nhiều là những hộ chỉ bán được sữa trong mức giá từ 10.000-12.000 đ/kg. Nhiều nông dân khác phản ánh, trước đây họ bán sữa cho một công ty lớn, khi được giá cao nhất là 14.700 đ/kg, nay chỉ còn được giá cao nhất là 13.500 đ/kg.
Bà Nguyễn Thị Hường, chủ một trang trại bò sữa, đồng thời là chủ một trạm thu mua sữa và chủ đại lý cung cấp thức ăn cho bò sữa ở ấp Thới Tây 2 (xã Tân Hiệp, Hóc Môn, Củ Chi), cho hay, bà đang thu mua sữa tươi cho trên 90 hộ nông dân. Tùy theo chất lượng sữa của từng hộ mà những hộ này được nhà máy trả mức giá khác nhau, từ 8.500 đ/kg đến 14.200 đ/kg. Nhưng so với trước đây, số hộ được trả mức giá cao rất ít. Phần lớn các hộ chỉ được nhà máy trả tiền mua sữa ở mức 8.500-10.500 đ/kg.
Thông tin từ một số chuyên gia ngành sữa cho hay, ở phía Bắc, một số nhà máy đã giảm giá thu mua sữa tươi của nông dân xuống còn khoảng 10.000 đ/kg.
Với giá sữa như trên, vào thời điểm này, nhiều hộ nuôi bò sữa ở TP.HCM đã bị thua lỗ, nhất là những hộ trên địa bàn huyện Hóc Môn, nơi có chi phí sản xuất sữa khá cao. Theo ước tính của bà Nguyễn Thị Hường, giá thành sản xuất sữa ở xã Tân Hiệp hiện vào khoảng 12.000 đ/kg.
Còn theo ông Vương Ngọc Long, vừa qua, Vinamilk đã tiến hành khảo sát hiệu qủa kinh tế của hơn 300 hộ dân nuôi bò sữa ở phía Nam. Kết quả cho thấy giá thành sản xuất sữa của khu vực TP.HCM là 11.774 đ/kg, khu vực ĐBSCL là 8.727 đ/kg và Lâm Đồng là 7.912 đ/kg. Ông Long khẳng định, hiện nay, những hộ nào có giá thành sữa dưới 9.000 đ/kg, thì mới sống thoải mái được với nghề nuôi bò sữa.
Có một chút niềm vui cho người nuôi bò sữa là giá cám đang có xu hướng giảm trong mấy tháng qua. Bà Nguyễn Thị Hường cho biết trước đây giá cám ở Hóc Môn tới trên 200.000 đ/bao (25 kg), nay đã giảm xuống còn 180.000 đ/kg. Ông Phạm Đăng Bảo cho hay, giá cám ở Tân Thạnh Đông (Củ Chi) cũng đã từ mức trên 200.000 đ/bao giảm xuống còn 182.000 đ/bao.
Theo bà Hường, mỗi con bò đang cho sữa, mỗi ngày ăn 6-7 kg cám. Vì vậy, giá cám giảm như trên sẽ giúp nông dân giảm được khá nhiều chi phí. Tuy nhiên, với tình hình giá sữa thực tế đang giảm như hiện nay, để nông dân có lời khá, giá cám chỉ nên còn ở mức khoảng 150.000 đ/bao.
Mặt khác, giá cám tuy giảm, nhưng nhiều loại thức ăn, nguyên liệu phục vụ nuôi bò sữa, nhất là các sản phẩm NK giá vẫn rất cao. Chẳng hạn Nutraco chất béo, giá NK về đến Việt Nam chỉ ở mức 65 USD/tấn, nhưng có công ty đang bán cho nông dân với mức rất cao là 31.500 đ/kg.
Quan trọng hơn là trong thời gian tới, giá thu mua sữa tươi nhiều khả năng vẫn còn giảm xuống. Vì vậy, những hộ mới hoặc chuẩn bị tham gia nuôi bò sữa, cần tính toán cẩn thận để tránh bị thua lỗ nặng nề khi giá sữa không còn tốt.
Có thể bạn quan tâm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, từ giữa tuần này các tỉnh miền Bắc sẽ đón đợt rét đậm, rét hại kéo dài.
Trước năm 2004, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trồng lúa rẫy nhưng năng suất thấp, thường xuyên phải ăn sắn. Đời sống bà con nơi đây đã đổi thay rõ rệt từ khi Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị mở nhà máy tinh bột sắn...
Nhiều hộ nuôi ếch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hòa vốn hoặc thua lỗ khi giá ếch liên tục sụt giảm. Hiện ếch thịt được thu mua với giá 25.000 - 28.000 đồng/kg (loại 3 - 5 con/kg), so với vài tuần trước giảm từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.
gày 24.11, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ NNPTNT cho biết, từ ngày 10 đến 16.10, đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã thực hiện chuyến thanh tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản của Đài Loan (Trung Quốc) xuất khẩu vào Việt Nam.
Tin từ Sở NNPTNT Bắc Giang, năm 2016, toàn tỉnh có kế hoạch sản xuất 150ha vải thiều theo quy trình GlobalGAP, tăng 50ha so với năm 2015.