Hợp Tác Nông Nghiệp Với Tỉnh Ibaraki - Nhật Bản
Hôm qua (5/10), tại Hà Nội, Thống đốc tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) – ông Hashimoto Masaru đã đại diện cho đoàn Lãnh đạo cấp cao của tỉnh, tham gia và trả lời tại buổi họp báo về chuyến công tác Việt Nam.
Lý do của chuyến công tác này, ông Hashimoto cho biết rằng, nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa tỉnh Ibaraki và Việt Nam về nhiều mặt như hỗ trợ đào tạo các kĩ sư nông nghiệp, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhất trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Hashimoto nhấn mạnh: Vào tháng 3 năm nay, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm tỉnh Ibaraki, tham quan Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp của tỉnh. Trong sự kiện đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam và Thống đốc tỉnh Ibaraki đã ký kết Bản ghi nhớ về việc tăng cường mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại buổi họp báo, ông Hashimoto cho biết, kế hoạch sắp tới, ông và đoàn công tác sẽ đi thăm 2 tỉnh Nam Định và Đồng Tháp. Ông cho rằng, nông nghiệp Việt Nam là một lĩnh vực tiềm năng đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa.
Thống đốc Hashimoto cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam ở những lĩnh vực ngoài nông nghiệp. Chuyến công tác này sẽ cụ thể hóa những mong muốn và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa 2 nước.
Trả lời báo giới về vấn đề hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp với Việt Nam, ông Hashimoto cho biết, trong đoàn công tác, có rất nhiều đơn vị liên quan đến sản xuất và chế biến. Giữa tỉnh Ibaraki và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, nhằm nâng cao giá trị cho nông sản.
Ngoài ra, điều kiện tự nhiên tỉnh Ibaraki có nhiều điểm giống Việt Nam, như có những địa hình rộng, phù hợp với sản xuất nông nghiệp nhưng cũng có những vùng còn nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ sản xuất, nông dân tỉnh Ibaraki đã vượt qua khó khăn và nuôi, trồng được nhiều loại nông sản có giá trị.
Ông Hashimoto cho rằng, Việt Nam cũng có nhiều vùng đất khó khăn, hẹp, khó sản xuất như miền Trung nên Việt Nam có thể tham khảo ở vấn đề này. Bên cạnh đó, ở tỉnh Ibaraki có 2 trường đại học đào tạo và nghiên cứu nông nghiệp rất nổi tiếng. Đó cũng sẽ là nguồn chuyên gia giúp đỡ Việt Nam nghiên cứu sâu về những vấn đề nông nghiệp.
Chuyến công tác của đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Ibaraki sẽ kéo dài từ ngày 5/10 đến ngày 10/10/2014.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai sâu bệnh hại hồ tiêu bùng phát khá mạnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Trong khi đó, do tiêu được giá khiến bà con ồ ạt mở rộng diện tích, càng làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát. Để giúp nông dân khắc phục tình trạng này, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã xây dựng và chuyển giao mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây hồ tiêu, bước đầu thu được kết quả khả quan.
Nhằm góp phần bảo vệ môi trường nông thôn và nâng cao nhận thức người dân, thời gian qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện nhiều điểm thu gom rác thải, vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Tuy mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng mô hình này đã góp phần làm giảm lượng rác thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng.
Thời điểm này, bà con nông dân các thôn Thanh Thủy, Đồng Giành, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang bước vào cuối vụ thu hoạch hoa nhài. Năm nay, thời tiết mưa nhiều, năng suất hoa nhài giảm nhưng được giá nên bà con rất phấn khởi.
Khi nước lũ tràn đồng thì gia đình anh Lê Văn Nghiệp ở ấp Tân Thành B – xã Long Tân (Sóc Trăng) đã mua 60 cái dớn về đánh bắt cá. Vì gia đình ít đất sản xuất nên anh Nghiệp tranh thủ con nước về đánh bắt thủy sản để có thêm thu nhập, chờ khi nước rút mới gieo sạ vụ lúa đông xuân.
Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, trong 10 tháng đầu năm 2013, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra trên địa bàn quận gặp nhiều khó khăn do giá cá tra nguyên liệu sụt giảm, nông dân bán cá khó thu được tiền mặt mà vẫn phải bán chịu cho doanh nghiệp. Tổng diện tích nuôi cá tra thịt trên địa bàn quận đến nay chỉ đạt hơn 431 ha, giảm 52 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi cá tra đã treo ao là 120,94 ha, tăng 52 so với năm trước. Ngoài ra, diện tích sản xuất cá tra giống trên địa bàn quận cũng giảm 16 ha so với năm trước, xuống còn 59,1 ha, với 60 hộ dân tham gia.