Phân bón công nghệ cuốc xẻng làm loạn thị trường
Đoàn kiểm tra khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón ở Hóc Môn (TP.HCM), phát hiện hàng loạt sai phạm về sản phẩm, đăng ký chất lượng
Kiểm tra là thấy vi phạm Đầu tháng 10, T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp các bộ ngành chức năng tổ chức giám sát các mặt hàng vật tư nông nghiệp tại Hóc Môn (TP.HCM).
Do thời gian có hạn và nội dung giám sát bao trùm toàn bộ ngành vật tư nông nghiệp nên đoàn chỉ tiếp cận một cơ sở kinh doanh và một cơ sở sản xuất phân bón.
Kết quả: cả hai cơ sở đều vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật. Cụ thể, cơ sở kinh doanh có một số sản phẩm không có dấu hợp quy, nhãn mác thông tin không rõ ràng.
Còn cơ sở sản xuất thực chất là một nhà kho khoảng 300 m2 chất đầy các loại từ nguyên liệu đến chai hộp, bao bì nhãn mác, máy móc, sản xuất theo dạng sang chiết, đóng gói.
Cơ quan chức năng liệt kê hàng loạt sai phạm như: kinh doanh không đúng địa điểm (nằm trong khu dân cư), không công bố hợp quy, vi phạm về nhãn hàng hóa không đúng bản chất...
Quản lý yếu tiếp tay cho phân bón dỏm
Cục Trồng trọt Bộ NN-PTNT cho biết kết quả thanh tra, kiểm tra năm 2015 tại nhiều địa phương cho thấy một số cán bộ chuyên môn chưa nắm vững quy định mới về quản lý phân bón.
Chính vì vậy, việc tiếp nhận và ban hành thông báo tiếp nhận công bố hợp quy phân bón hữu cơ và phân bón khác chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhiều loại phân bón không đúng quy định vẫn tiếp nhận và ban hành thông báo tiếp nhận.
Thẩm định nội dung và cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo khuyến nông ở địa phương đối với các loại phân bón chưa được phép lưu thông trên thị trường.
Có mặt trong đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó chủ tịch thường trực - Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, gọi kiểu sản xuất này là “công nghệ cuốc xẻng, xe trộn bê tông”.
“Đó là kiểu mua nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng về pha chế thủ công, dùng cuốc xẻng thậm chí là xe trộn bê tông để trộn lại thành phân bón rồi tung ra thị trường”, ông Thúy giải thích và nhận định các loại phân bón sản xuất theo “công nghệ” này hoàn toàn không kiểm soát được chất lượng, thành phần, nhưng lại đang bày bán tràn lan trên thị trường, gây thiệt hại cho cả các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người nông dân.
Còn TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, nhận định 10 năm qua ngành phân bón “bùng nổ” cả về số lượng doanh nghiệp lẫn chủng loại phân bón, trong khi quản lý không theo kịp dẫn đến hàng giả, nhái và kém chất lượng làm loạn thị trường.
“Quản lý phân bón của chúng ta vô cùng bất cập, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan mà người gánh chịu là nông dân, người tiêu dùng và môi trường sinh thái nông thôn, sản xuất nông nghiệp”, ông Nghĩa nói.
“Nhà máy sản xuất” vài chục triệu đồng Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết nhu cầu sử dụng phân bón của Việt Nam mỗi năm khoảng 10,5 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn.
Một điều tra mới đây của hiệp hội trên khoảng 60% số tỉnh thành trong cả nước cho thấy có trên 700 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón.
Nhiều nhất là TP.HCM với 491 cơ sở (báo cáo chính thức của UBND TP), Đồng Nai 47, Long An 42 (báo cáo chưa đầy đủ), Đắk Lắk 37, Hà Nội 22...
“Nếu thống kê hết các tỉnh thành cả nước, có thể lên đến cả ngàn cơ sở”, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy nói và cảnh báo: “Trung Quốc là một nước sản xuất bân bón nhiều hơn Việt Nam khoảng 15 lần, mỗi năm trên 150 triệu tấn nhưng họ chỉ có 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Chúng ta có những nhà máy sản xuất phân bón đầu tư công nghệ hàng ngàn tỉ đồng, nhưng cũng có rất nhiều “nhà máy” chỉ vài chục triệu đồng.
Tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón nhỏ lẻ, không đảm bảo chất lượng là rất đáng báo động”. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, tình trạng cấp bách của ngành phân bón hiện nay là phải cơ cấu lại.
Phải quản lý và xóa bỏ hoàn toàn “công nghệ cuốc xẻng” trong sản xuất phân bón.
Chúng ta là một nước nông nghiệp, có thế mạnh trong lĩnh vực trồng trọt với hàng chục triệu nông dân, nếu cứ để tình trạng “loạn” chất lượng và giá cả như hiện nay sẽ ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
“Cần rút giấy phép của các cơ sở sản xuất phân bón nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất phân bón theo công nghệ...
cuốc, xẻng và máy trộn bê tông! Phải có những tiêu chuẩn về máy móc công nghệ, tiêu chuẩn về chất lượng phân bón cho các nhà máy”, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Trừ mặt hàng cá ngừ giảm 9%, các ngành thủy sản xuất khẩu còn lại đều có sự tăng trưởng. Trong khi cá tra chỉ tăng nhẹ 0,6% so với năm 2013 đạt 1,77 tỉ USD, xuất khẩu tôm lại tăng mạnh tới 28% với kim ngạch 3,9 tỉ USD.
Mỗi năm sản lượng khai thác hải sản của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hơn 110.000 tấn. Trong khi đó các Nhà máy chế biến hải sản chỉ cần 1/10 sản lượng này là đủ hoạt động nhưng không được đáp ứng. Nguyên nhân do các cửa biển thường bị bồi lấp, hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá còn hạn chế nên tàu thuyền của ngư dân không về các cảng cá của tỉnh Quảng Ngãi để tiêu thụ sản phẩm.
Sau khi nghe ý kiến của nhiều nông dân đến tham dự phiên điều trần của Ủy ban Kinh tế về việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh ngày 31-12, ông Cao Đức Phát đã nói như vậy.
Theo kết quả báo cáo tại hội nghị do Bộ Công thương tổ chức ngày 31-12 tổng kết tình hình năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015,Việt Nam đã xuất khẩu khoảng7,5 triệu tấn gạo với giá trung bình đạt 436,92 USD/tấn (khoảng 9 triệu đồng/tấn).
Ông Nguyễn Văn Hồng, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Nam, một người trồng thanh long có thâm niên cho biết: “Chưa năm nào giá thanh long thời điểm gần tết lại rớt thê thảm như hiện nay, chỉ dao động ở mức từ 6-10 ngàn đồng/kg, giảm hơn nửa so với thời điểm năm ngoái. Như gia đình tôi có 400 trụ chong đèn đợt này thu được hơn 4 tấn, bán với giá 8.500đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí không có lãi”.