Giá Cao Nhưng Lúa Ít
Những ngày cận Tết Giáp Ngọ, giá lúa tại ĐBSCL tăng cao khiến nhiều nông dân vui mừng. Đáng tiếc là sản lượng vụ này không có nhiều để bán.
Nhờ xuống giống sớm, một số tỉnh như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre…, nông dân đã thu hoạch lúa đông xuân và có cơ hội bán vào thời điểm được giá.
Lời 23-25 triệu đồng/ha
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ đông xuân 2013-2014, toàn vùng ĐBSCL gieo sạ 1.599.780 ha lúa, giảm 1.125 ha. Thời gian gieo sạ chia làm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 9 đến 26-11-2013; đợt 2 từ ngày 7 đến 26-12-2013. Do đặc điểm đất đai nên một số địa phương xuống giống sớm, cũng có nơi xuống giống muộn vào cuối tháng 1-2014.
Ông Ôn Thanh Ngân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - cho biết: “Toàn huyện đã thu hoạch gần xong 3.900 ha lúa đông xuân, nông dân bán được giá cao hơn so với mọi năm. Lúa IR 50404, thương lái thu mua tại ruộng từ 4.700-4.800 đồng/kg; lúa thơm Jasmine có năng suất bình quân 7 tấn/ha, giá bán 6.300 đồng/kg; lúa OM 4900 khoảng 5.800 đồng/kg. Với lúa thơm, nông dân thu lãi từ 2-2,5 triệu đồng/công đất”.
Theo ông Ngân, nguyên nhân giá lúa tăng cao do Việt Nam đang cung ứng 500.000 tấn gạo cho Philippines, các doanh nghiệp hết hàng nên tận thu lúa trong dân. Ngoài ra, các loại lúa thơm tại huyện Trà Ôn được bao tiêu nên khi giá tăng, doanh nghiệp mua theo giá thị trường cho nông dân.
Ông Lê Văn Lam (xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết hiện các thương lái đến tận ruộng mua lúa tươi với giá rất cao. Các loại lúa hạt dài có giá bán tăng từ 300-500 đồng/kg và cao hơn lúa thường khoảng 1.000 đồng/kg. “Tôi vừa bán xong 40 tấn lúa vụ 3 muộn với giá 5.300 đồng/kg. Với giá lúa như hiện tại, sau khi trừ các khoản chi phí thì nông dân còn lời từ 23-25 triệu đồng/ha. Đã hơn 5 năm rồi nông dân mới có cái Tết sung túc vì lúa được giá” - ông Lam hồ hởi.
Sợ giá lúa giảm sau Tết
Giá tăng khiến người trồng lúa vui mừng. Tuy nhiên, số lượng lúa đông xuân được thu hoạch bán trong thời điểm này rất ít so với toàn vùng. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, địa phương này trồng chủ yếu là lúa thơm nhưng vẫn chưa thu hoạch, phải đợi đến sau Tết.
Tại Đồng Tháp, mới chỉ có 15.000 ha lúa được thu hoạch. Nhiều người trồng lúa không bán được trong dịp này tỏ ra tiếc nuối. Nông dân Nguyễn Tấn Phong (ngụ xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) buồn bã: “Lúa đang tăng giá mà không có để bán. Gia đình tôi gieo sạ 18 công lúa IR 50404 và OM 4900, sau Tết 20 ngày mới thu hoạch. Sợ lúc đó, giá lúa lại giảm”.
Đây là lo lắng chung của nhiều nông dân và ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL vì sau Tết là bắt đầu mùa thu hoạch rộ lúa đông xuân. Sản lượng lúa đông xuân toàn vùng năm 2013-2014 ước đạt gần 11 triệu tấn, tăng 11.203 tấn so với vụ đông xuân 2012-2013.
Bấp bênh
Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc phân xưởng chế biến gạo ở xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - cho biết sở dĩ giá lúa tăng như hiện nay là do các doanh nghiệp gom hàng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. “Xuất khẩu qua thị trường này rất bấp bênh. Hiện chúng tôi đang án binh để chờ qua Tết Nguyên đán mới tính chuyện tìm kiếm hợp đồng và mua lúa cho nông dân. Chỉ có Malaysia và Philippines là 2 thị trường mà các doanh nghiệp xuất khẩu hy vọng có lời và chắc ăn hơn” - ông Bình khẳng định.
Theo ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, tình hình xuất khẩu hiện vẫn chưa có gì khởi sắc. Các hợp đồng xuất khẩu vẫn giữ nguyên mức cũ nên doanh nghiệp chưa đẩy mạnh thu mua lúa trong dân. “Tính đến cuối năm 2013, doanh nghiệp trong tỉnh đã xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn gạo sang các thị trường truyền thống. Hiện tại, chúng tôi cũng chưa dám khẳng định được điều gì vì thị trường vẫn còn bấp bênh” - ông Gành nói. T.Nốt
Có thể bạn quan tâm
Cơn bão Vàm Cỏ đem theo mưa to và gió mạnh đổ bộ vào Quảng Nam mấy ngày nay chính thức báo hiệu một mùa mưa bão đầy bất trắc nữa lại đến. Người trồng rau ở Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) lại bắt đầu chuỗi những tháng ngày phập phồng theo sự khắc nghiệt của ông trời.
Kết quả khả quan của các mô hình khuyến ngư được triển khai trên địa bàn huyện Thăng Bình trong thời gian qua đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Việc sử dụng chất tạo nạc salbutamol trong chăn nuôi lợn (thuộc nhóm beta-agonist) diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng cơ quan quản lý nhà nước ở các tỉnh thành phía Nam chưa kiểm soát hiệu quả.
Cách đây chỉ 2- 3 năm thôi, đã có nhiều cảnh báo về một đối thủ xuất khẩu gạo mới nổi rất đáng gờm, có khả năng cạnh tranh cao với gạo Việt Nam, đó là Campuchia. Đến nay, đó không chỉ là cảnh báo nữa mà đã thành hiện thực.
Việc cạnh tranh thu mua không lành mạnh giữa các thương lái, thiếu sự can thiệp của chính quyền đã để xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.