Hoài Ân (Bình Định) Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Dâu Xen Bắp

Khôi phục nghề truyền thống nói chung và nghề trồng dâu nuôi tằm nói riêng là một trong những chủ trương trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Hoài Ân (Bình Định). Ðáng kể là việc trồng dâu xen canh với bắp đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong mấy năm gần đây, giá kén ổn định ở mức cao, từ 120 ngàn - 140 ngàn đồng/kg, nên phong trào trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân phát triển trở lại. Hiện toàn huyện có gần 300 ha dâu, tập trung ở các xã ven sông An Lão như Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Tín và Ân Mỹ.
Thông thường mọi năm đến giữa tháng Giêng Âm lịch mới bắt đầu vụ nuôi tằm mới, tuy nhiên năm nay không có lũ muộn nên bà con trồng dâu đã đốn choái sớm, gặp thời tiết thuận lợi, ít bị bọ cánh cứng gây hại nên cây dâu phát triển tốt, dự kiến giữa tháng Chạp bắt đầu nuôi lứa tằm đầu tiên. Theo các hộ nuôi tằm, nếu vào vụ sớm, thu hoạch kén sớm, giá kén có thể tới 160 ngàn đồng/kg.
Riêng về cây dâu, vào cuối tháng 11 Âm lịch bắt đầu đốn choái dâu để cây nảy lộc và bắt đầu một vụ nuôi tằm mới. Khoảng cách giữa 2 hàng dâu từ 1,2 - 1,5m, nên khi đốn choái, làm cỏ, bón phân, khoảng 2 tháng sau dâu mới bắt đầu khép tán. Tận dụng khoảng trống giữa 2 hàng dâu, bà con thường trồng xen các loại đậu, mè, bắp lai… để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, các loại cây này có nhiều hạn chế là thời gian sinh trưởng dài, nên có thể làm rập bóng cây dâu hoặc ngược lại; một số cây họ đậu có thể xuất hiện sâu bệnh làm ảnh hưởng đến cây dâu...
Qua nhiều năm thử nghiệm, vài năm gần đây, nhiều hộ trồng dâu đã đưa giống bắp nù (bắp nếp) vào trồng xen với cây dâu, đã mang lại hiệu quả cao. Vì thu hoạch trái bắp non để nấu hoặc nướng nên thời gian từ khi trồng đến thu hoạch chưa đầy 2 tháng.
Ông Trần Tú, ở thôn Hội Trung, xã Ân Hảo Đông, cho biết: Gia đình tui có 1,2 ha dâu, mấy năm nay trồng xen bắp nù. Ngoài tiền bán lá dâu và trực tiếp nuôi tằm thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, cùng với tiền bán bắp trên 20 triệu nữa. Bắp nù bán non rất chạy; đồng thời nhờ thu hoạch trái còn non nên thân cây bắp dùng làm thức ăn cho trâu-bò rất tốt. Hiện phần lớn các hộ trồng dâu ở đây đã đưa cây bắp nù vào trồng xen.
Nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân đang dần hồi sinh trở lại. Các xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây cũng đã triển khai dự án đầu tư cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả cây dâu tằm, như xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm theo hướng tập trung, đưa giống dâu F1 vào trồng thay thế giống dâu cũ... Riêng xã Ân Hảo Đông đã quy hoạch chuyển toàn bộ diện tích đất soi nà, bãi bồi ven sông sang trồng dâu nuôi tằm, phấn đấu đến năm 2020 đạt 200 ha, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Rảo quanh các vùng trồng cây cảnh lớn tại huyện Văn Giang (Hưng Yên) như Thắng Lợi, Mễ Sở, Liên Nghĩa… thời điểm này, dễ nhận thấy có sự khác biệt so với một số năm trước đây khi có khá nhiều nhà vườn chuyên về cam cảnh, bưởi cảnh mọc lên bên cạnh các vùng quất cảnh.

Liên tiếp trong nhiều năm, Phong Điền (Thừa Thiên Huế) được xem là địa phương có tỷ lệ người nuôi tôm "trúng" lớn. Đó là nhờ Phong Điền đã chủ động, linh hoạt trong đầu tư, sắp xếp, quy hoạch nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, hướng đến vùng nuôi tôm bền vững...

Trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Nhiệm ở ấp 11, xã Khánh Thuận được xem là một trong những gia đình khó khăn, cuộc sống quanh năm chỉ biết trông chờ vào việc khai thác gỗ và các sản vật dưới tán rừng. Nhưng hơn 2 năm trở lại đây, trong 1 lần tham quan mô hình nuôi cá trê vàng lai của người dân huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, anh Nhiệm quyết định cải tạo ao đầm xung quanh nhà để nuôi loại cá này.

Mô hình đã tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại hiệu quả gấp 2 lần so với phương thức sản xuất truyền thống, được đông đảo bà con nông dân đánh giá cao và đã tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình. Ngoài ra, mô hình còn giải quyết việc làm, đem lại thu nhập và tạo niềm tin cho bà con nông dân tiếp tục phát triển cá nước ngọt theo quy trình VietGAP.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, bình quân giá bắp nhập khẩu trong tháng 1-2014 là 6.500 đồng/ki lô gam, thì đến hết tháng 11-2014 giảm xuống còn 6.300 đồng/ki lô gam. Tương tự, giá khô dầu đậu nành nhập khẩu trong tháng 1-2014 là 14.490 đồng/ki lô gam, thì đến tháng 11 giảm xuống còn 12.600 đồng/ki lô gam và giá mì cũng từ mức 5.250 đồng/ki lô gam, giảm xuống còn 5.040 đồng/ki lô gam.