Hoài Ân (Bình Định) Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Dâu Xen Bắp
Khôi phục nghề truyền thống nói chung và nghề trồng dâu nuôi tằm nói riêng là một trong những chủ trương trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Hoài Ân (Bình Định). Ðáng kể là việc trồng dâu xen canh với bắp đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong mấy năm gần đây, giá kén ổn định ở mức cao, từ 120 ngàn - 140 ngàn đồng/kg, nên phong trào trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân phát triển trở lại. Hiện toàn huyện có gần 300 ha dâu, tập trung ở các xã ven sông An Lão như Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Tín và Ân Mỹ.
Thông thường mọi năm đến giữa tháng Giêng Âm lịch mới bắt đầu vụ nuôi tằm mới, tuy nhiên năm nay không có lũ muộn nên bà con trồng dâu đã đốn choái sớm, gặp thời tiết thuận lợi, ít bị bọ cánh cứng gây hại nên cây dâu phát triển tốt, dự kiến giữa tháng Chạp bắt đầu nuôi lứa tằm đầu tiên. Theo các hộ nuôi tằm, nếu vào vụ sớm, thu hoạch kén sớm, giá kén có thể tới 160 ngàn đồng/kg.
Riêng về cây dâu, vào cuối tháng 11 Âm lịch bắt đầu đốn choái dâu để cây nảy lộc và bắt đầu một vụ nuôi tằm mới. Khoảng cách giữa 2 hàng dâu từ 1,2 - 1,5m, nên khi đốn choái, làm cỏ, bón phân, khoảng 2 tháng sau dâu mới bắt đầu khép tán. Tận dụng khoảng trống giữa 2 hàng dâu, bà con thường trồng xen các loại đậu, mè, bắp lai… để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, các loại cây này có nhiều hạn chế là thời gian sinh trưởng dài, nên có thể làm rập bóng cây dâu hoặc ngược lại; một số cây họ đậu có thể xuất hiện sâu bệnh làm ảnh hưởng đến cây dâu...
Qua nhiều năm thử nghiệm, vài năm gần đây, nhiều hộ trồng dâu đã đưa giống bắp nù (bắp nếp) vào trồng xen với cây dâu, đã mang lại hiệu quả cao. Vì thu hoạch trái bắp non để nấu hoặc nướng nên thời gian từ khi trồng đến thu hoạch chưa đầy 2 tháng.
Ông Trần Tú, ở thôn Hội Trung, xã Ân Hảo Đông, cho biết: Gia đình tui có 1,2 ha dâu, mấy năm nay trồng xen bắp nù. Ngoài tiền bán lá dâu và trực tiếp nuôi tằm thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, cùng với tiền bán bắp trên 20 triệu nữa. Bắp nù bán non rất chạy; đồng thời nhờ thu hoạch trái còn non nên thân cây bắp dùng làm thức ăn cho trâu-bò rất tốt. Hiện phần lớn các hộ trồng dâu ở đây đã đưa cây bắp nù vào trồng xen.
Nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân đang dần hồi sinh trở lại. Các xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây cũng đã triển khai dự án đầu tư cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả cây dâu tằm, như xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm theo hướng tập trung, đưa giống dâu F1 vào trồng thay thế giống dâu cũ... Riêng xã Ân Hảo Đông đã quy hoạch chuyển toàn bộ diện tích đất soi nà, bãi bồi ven sông sang trồng dâu nuôi tằm, phấn đấu đến năm 2020 đạt 200 ha, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Related news
Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Ninh Thuận khuyến cáo mô hình nuôi ốc hương và trồng rong sụn với cách nuôi trồng cải tiến có nhiều ưu điểm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi ở vùng ven biển.
Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thâm canh nên tỷ lệ lươn sống của gia đình ông Đỗ Hữu Biên ở thôn Hoàng Thượng, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam) đạt cao…
Tổng cục Thủy sản vừa có Văn bản số 784/TCTS-NTTS về việc chỉ đạo phòng chống bệnh cho nghêu (còn gọi là ngao) nuôi năm 2015 trước tình hình nghêu chết hàng loạt gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Tiền Giang.
Chuyến vươn khơi bám biển đầu năm, ngư dân Hải Phòng trúng “lộc” biển, cá tôm được giá. Dù vậy, không ít chủ tàu thuyền đau đầu vì tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, kinh nghiệm khai thác tài nguyên biển.
Mô hình ương cá trê giống của gia đình ông Dương Văn Liền, thôn Rừng Trong, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) đã mang lại thu nhập cao. Đây là một trong những nông dân điển hình biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển kinh tế.