Triển Vọng Mới Cho Nghề Nuôi Tôm
Năm 2012 là năm khó khăn cho nghề nuôi tôm sú ở Cà Mau. Không chỉ dịch bệnh tràn lan mà giá cả bấp bênh, môi trường nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng… Trước những yếu tố bất lợi đó, những chủ trương, giải pháp mới đã kịp thời tháo gỡ khó khăn. Cùng với nhiều sáng kiến của người dân đã đưa nghề nuôi tôm bước sang giai đoạn mới.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 5.000 ha nuôi tôm công nghiệp (NTCN), hơn 20.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến. Diện tích còn lại nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống. Thí điểm mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất là hướng đi mới được nhiều nhà khoa học, ngành chức năng đánh giá cao.
Hỗ trợ cho nghề nuôi tôm
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định, nếu tạo được mối liên kết giữa nhà nông, nhà cung cấp vật tư, nhà máy chế biến và ngân hàng thành một, thì đây là giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho nghề nuôi tôm công nghiệp hiện nay cũng như phát triển bền vững trong tương lai.
Tính khả thi của mô hình mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho người nuôi tôm công nghiệp. Một vấn đề lớn nhất trong nuôi tôm công nghiệp là vốn thì trong mô hình này, người nuôi được ngân hàng hỗ trợ 40% qua hình thức cho vay thế chấp, nhà cung cấp vật tư hỗ trợ người nuôi khoảng 30% bằng cách bán hàng trả chậm không tính lãi, người nuôi tôm chỉ bỏ ra khoảng 30% chi phí ban đầu trong một vụ nuôi so với trước kia.
Một thông tin đáng mừng cho người nuôi tôm là việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp sẽ tiếp tục được nhân rộng thêm trong năm 2013 chứ không chỉ có 9 xã như hiện nay. Như vậy, bước sang vụ nuôi mới, nông dân sẽ yên tâm hơn trong sản xuất. Nhất là hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 100% phí khi tham gia mua BHNN, hộ cận nghèo 80%, các đối tượng khác được hỗ trợ 40%, riêng doanh nghiệp được hỗ trợ 20%.
Ông Đoàn Quốc Khởi, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, liên Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT có định hướng sẽ mở rộng rủi ro cho người nông dân được tham gia BHNN, bổ sung đối tượng được bảo hiểm.
Đặc biệt, công tác thí điểm giải quyết, làm rõ quy trình xác nhận dịch bệnh nhằm bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện giải quyết bồi thường nhanh chóng, chính xác cho người được bảo hiểm sẽ được triển khai thực hiện.
Đồng thời, thống nhất với quy định về công bố thiên tai, dịch bệnh; xác nhận dịch bệnh; xác nhận thiệt hại để giải quyết bồi thường bảo hiểm sẽ tạo nhiều cơ hội cho người dân được tham gia.
Tạo đà bứt phá
Sau hơn 2 năm tìm tòi, thí nghiệm thực tế trên đồng đất của mình và một số hộ dân sáng kiến nuôi cấy men vi sinh thứ cấp EMn từ men gốc EMP của Kỹ sư Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Thanh Giảng, Phòng NN&PTNT Cái Nước đã cho kết quả mỹ mãn.
Không quá cầu kỳ, không đòi hỏi công nghệ cao, chỉ cần sử dụng những chiếc can loại lớn và một lít men gốc EMP là có thể tạo ra 20 lít men vi sinh thứ cấp EMn và từ 20 lít này có thể tạo 40 lít. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản là nông dân có thể tạo ra sản phẩm vi sinh để cải tạo môi trường ao nuôi, nhất là trong ao nuôi tôm quảng canh cải tiến.
Phương pháp này giúp người dân tiết kiệm rất lớn trong sản xuất. Kỹ sư Nguyễn Thanh Giảng cho biết, sản phẩm ngoài việc được áp dụng khảo nghiệm thực tiễn trên đồng ruộng trong hai năm thì còn được gởi đi xét nghiệm ở TP Hồ Chí Minh được đánh giá rất cao.
Theo đó, sản phẩm men thứ cấp EMn có tác dụng khử các chất thải hữu cơ, khí H2S, NH3, CH4 và có khả năng khống chế các vi khuẩn có hại. Kỹ sư Nguyễn Thanh Giảng cho biết thêm, sau 2 năm áp dụng thử nghiệm, sản phẩm có tác dụng cải thiện môi trường nước rất tốt, tôm khỏe mạnh, ít bệnh, sinh trưởng và phát triển nhanh.
Nhưng quan trọng nhất là giá thành rất thấp. Nếu việc sử dụng sản phẩm được nhân rộng trong tất cả hộ nuôi tôm thì nước thải sau các vụ nuôi không còn là nỗi lo. Hiện Phòng NN&PTNT Cái Nước tổ chức triển khai men gốc và kỹ thuật áp dụng cho người dân có nhu cầu.
Nỗi lo lớn nhất của nghề nuôi tôm hiện nay là tình trạng tôm bệnh gan - tụy, đường ruột và phân trắng cũng đang dần có hướng tháo gỡ khi nông dân Trần Văn Của, Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, đã khống chế được bằng chính các loại thuốc nam có sẵn tại địa phương.
Ông chia sẻ, nhiều năm bị dịch bệnh gan - tụy trên tôm nuôi, điều trị bằng các loại thuốc thú y thuỷ sản tác dụng rất thấp lại tốn kém. Rút tỉa kinh nghiệm từ quy trình sản xuất nhiều năm, ông tìm ra được vị thuốc nam có thể điều trị các loại bệnh trên rất hiệu quả, ít tốn kém và dễ thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Các cơ sở chế biến nội địa phát triển ổn định, sản phẩm chế biến phong phú, đa dạng phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 1-2014 ước đạt gần 7 triệu USD; một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu chính ngạch như: Surimi, tôm đông lạnh...
Siêng năng, kiên trì gắn bó với nghề nuôi dê đã trên 10 năm, giờ đây kinh tế gia đình của anh Nguyễn Hồng Phước (ấp Lợi A, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) đã khấm khá hơn trước nhiều.
Huyện Ba Tri có đàn bò lớn nhất tỉnh Bến Tre. Nghề nuôi bò ở Ba Tri được xem là kinh tế chủ lực của hàng ngàn hộ nông dân nơi đây. Chính vì vậy, nghề nuôi bò được người dân chú trọng, bà con luôn tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi để đem về giá trị kinh tế cao cho gia đình.
Giá mật ong của các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang Mỹ hiện chỉ ở mức trung bình 2,48 đô la Mỹ/kg, thấp hơn nhiều so với giá của các quốc gia khác bán mật ong vào thị trường này.
Ngày 14 tháng 2 năm 2014, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 290/QĐ-UBND về việc công bố dịch lở mồm long móng gia súc.