Hòa Sơn Nhộn Nhịp Mùa Thu Hoạch Mì

Trở lại xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn) vào những ngày cuối tháng hai, chúng tôi gặp nông dân địa phương đang nhộn nhịp khẩn trương vào mùa thu hoạch mì. Những rẫy mì trải dài tít tắp rộn tiếng nói cười của người lao động đào củ, chất mì lên xe. Mì xắt lát phơi trắng các khu dân cư tạo thành bức tranh ngày mùa sinh động trên vùng đất Hòa Sơn.
Niên vụ 2013- 2014, nông dân xã Hòa Sơn trồng 831 ha mì, chiếm trên 80% diện tích đất canh tác, tăng 60 ha so với năm 2012. Bà con trồng mì thời tiết thuận lợi nên năng suất mì đạt bình quân 25 tấn/ha, tăng 5 tấn so với vụ trước.
Những nông hộ trồng mì trên đất màu đầu tư chu đáo đạt năng suất 30- 35 tấn/ha. Thương lái đang thu mua mì 30 chữ bột tại điểm chế biến với giá 1.780 đồng/kg.
Các nông hộ Nguyễn Văn Phước, Hồ Viết Linh, Lê Việt, Võ Thành Đạt trồng 4- 5 ha kết hợp thu mua, chế biến mì xắt lát là những điển hình tiêu biểu vươn lên làm giàu từ hiệu quả kinh tế từ cây mì ở xã Hòa Sơn.
Ngừng tay phơi mì trên đồng đất Ba Cụm, anh Hồ Viết Linh 50 tuổi ở thôn Tân Lập cho biết, gia đình anh trồng 8 ha mía và 3 ha mì đang vào mùa thu hoạch.
Cây mì ước đạt 30 tấn/ha, trừ hết chi phí, anh còn lãi trên 35 triệu đồng/ha. Cứ giâm một hom mì xuống đất đầu tư chăm sóc chu đáo, sau 7-8 tháng thu hoạch 3 kg củ trị giá 5.000 đồng, mật độ trồng trung bình 10.000 hom/ha.
Cây mì dễ trồng, vốn đầu tư thấp cho lợi nhuận vượt trội cây mía trong niên vụ 2013- 2014. Nhờ hiệu quả kinh tế của cây mì trong những năm qua giúp gia đình anh Linh có cuộc sống sung túc.
Mùa thu hoạch mì ở xã Hòa Sơn kéo dài từ tháng 1 đến cuối tháng 3 hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động có thu nhập 120- 150 ngàn đồng/ngày. Anh Phạm Châu Em 31 tuổi, chủ cơ sở chế biến mì xắt lát ở thôn Tân Lập phấn khởi nói: Gia đình tôi có 1 máy xắt mì đạt công suất 25 tấn/ngày.
Tôi thu mua mỗi vụ khoảng 100 ha mì của bà con nông dân địa phương, qua đó tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tham gia vận chuyển, xắt lát, phơi mì có thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Với giá thu mua bình quân trên 1.700 đồng/kg, nông dân trồng mì đạt năng suất 25 tấn/ha, bà con có lãi trên 30 triệu đồng/ha.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết mì là cây trồng chủ lực của nông dân địa phương. Toàn xã có 1.042 hộ với gần 4.000 nhân khẩu sinh sống từ nguồn lợi cây mì, cây mía kết hợp với chăn nuôi gia súc.
Nhờ hiệu quả kinh tế của cây mì đã giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững, chung tay xây dựng nông thôn mới. Tính đến đầu năm 2014, xã Hòa Sơn còn 40% số hộ nghèo, giảm 6% so với năm 2013.
Chính quyền địa phương tiếp tục vận động nông dân chuyển dịch cây màu kém hiệu quả sang trồng mì trong niên vụ 2014- 2015. Cây mì khẳng định vị thế loài cây giảm nghèo bền vững cho nông dân trên vùng đất canh tác chưa chủ động tưới của xã Hòa Sơn.
Có thể bạn quan tâm

Với lợi thế thời gian nuôi ngắn và sản lượng cao, cùng với giá cả liên tục tăng cao, tôm thẻ chân trắng đã được nông dân chọn làm đối tượng nuôi công nghiệp. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau chưa sản xuất được con giống thẻ chân trắng.

Theo kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi cá rô phi luân canh với tôm nước lợ cho biết, quy trình này thành công cao nhất khi tận dụng nước nuôi cá rô phi để nuôi tôm thì bà con nên nuôi ở mật độ dưới 50 con/1 mét vuông. Với mật độ này sẽ tiết kiệm được gần 20% chi phí đầu vào và tỉ lệ thành công sẽ cao hơn.

Hải sản về nhiều nên giá cả giảm so những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ từ 10-15%. Cụ thể: cá thu loại 2-4 kg/con có giá từ 110 đến 150.000 đồng/kg, cá hố loại hơn 1kg/con có giá từ 100-120.000 đồng/kg, mực ống loại lớn, có giá dao động trong khoảng từ 250 - 280.000 đồng/kg…

2 tháng đầu năm 2014, ngư trường thuận lợi, lượng cá cơm xuất hiện dày, số lượng hải sản khai thác tăng. Tháng 2/2014, toàn tỉnh Bình Thuận khai thác hơn 9.200 tấn hải sản các loại, lũy kế 2 tháng đầu năm khai thác được 17.300 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã làm cho người tiêu dùng e ngại sử dụng các sản phẩm gia cầm, khiến mặt hàng này bị giảm sức mua và rớt giá. Người nuôi và các tiểu thương mua bán ở các chợ đều lo thua lỗ, hoặc phá sản.