Hòa Sơn Nhộn Nhịp Mùa Thu Hoạch Mì
Trở lại xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn) vào những ngày cuối tháng hai, chúng tôi gặp nông dân địa phương đang nhộn nhịp khẩn trương vào mùa thu hoạch mì. Những rẫy mì trải dài tít tắp rộn tiếng nói cười của người lao động đào củ, chất mì lên xe. Mì xắt lát phơi trắng các khu dân cư tạo thành bức tranh ngày mùa sinh động trên vùng đất Hòa Sơn.
Niên vụ 2013- 2014, nông dân xã Hòa Sơn trồng 831 ha mì, chiếm trên 80% diện tích đất canh tác, tăng 60 ha so với năm 2012. Bà con trồng mì thời tiết thuận lợi nên năng suất mì đạt bình quân 25 tấn/ha, tăng 5 tấn so với vụ trước.
Những nông hộ trồng mì trên đất màu đầu tư chu đáo đạt năng suất 30- 35 tấn/ha. Thương lái đang thu mua mì 30 chữ bột tại điểm chế biến với giá 1.780 đồng/kg.
Các nông hộ Nguyễn Văn Phước, Hồ Viết Linh, Lê Việt, Võ Thành Đạt trồng 4- 5 ha kết hợp thu mua, chế biến mì xắt lát là những điển hình tiêu biểu vươn lên làm giàu từ hiệu quả kinh tế từ cây mì ở xã Hòa Sơn.
Ngừng tay phơi mì trên đồng đất Ba Cụm, anh Hồ Viết Linh 50 tuổi ở thôn Tân Lập cho biết, gia đình anh trồng 8 ha mía và 3 ha mì đang vào mùa thu hoạch.
Cây mì ước đạt 30 tấn/ha, trừ hết chi phí, anh còn lãi trên 35 triệu đồng/ha. Cứ giâm một hom mì xuống đất đầu tư chăm sóc chu đáo, sau 7-8 tháng thu hoạch 3 kg củ trị giá 5.000 đồng, mật độ trồng trung bình 10.000 hom/ha.
Cây mì dễ trồng, vốn đầu tư thấp cho lợi nhuận vượt trội cây mía trong niên vụ 2013- 2014. Nhờ hiệu quả kinh tế của cây mì trong những năm qua giúp gia đình anh Linh có cuộc sống sung túc.
Mùa thu hoạch mì ở xã Hòa Sơn kéo dài từ tháng 1 đến cuối tháng 3 hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động có thu nhập 120- 150 ngàn đồng/ngày. Anh Phạm Châu Em 31 tuổi, chủ cơ sở chế biến mì xắt lát ở thôn Tân Lập phấn khởi nói: Gia đình tôi có 1 máy xắt mì đạt công suất 25 tấn/ngày.
Tôi thu mua mỗi vụ khoảng 100 ha mì của bà con nông dân địa phương, qua đó tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tham gia vận chuyển, xắt lát, phơi mì có thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Với giá thu mua bình quân trên 1.700 đồng/kg, nông dân trồng mì đạt năng suất 25 tấn/ha, bà con có lãi trên 30 triệu đồng/ha.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết mì là cây trồng chủ lực của nông dân địa phương. Toàn xã có 1.042 hộ với gần 4.000 nhân khẩu sinh sống từ nguồn lợi cây mì, cây mía kết hợp với chăn nuôi gia súc.
Nhờ hiệu quả kinh tế của cây mì đã giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững, chung tay xây dựng nông thôn mới. Tính đến đầu năm 2014, xã Hòa Sơn còn 40% số hộ nghèo, giảm 6% so với năm 2013.
Chính quyền địa phương tiếp tục vận động nông dân chuyển dịch cây màu kém hiệu quả sang trồng mì trong niên vụ 2014- 2015. Cây mì khẳng định vị thế loài cây giảm nghèo bền vững cho nông dân trên vùng đất canh tác chưa chủ động tưới của xã Hòa Sơn.
Related news
Bệnh sương mai đang phát sinh gây hại cây khoai tây vụ đông sớm. Vết bệnh có màu đen.
Trồng dưa leo Cúc 71 có nhiều ưu điểm vượt trội, thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn, quả to, có mùi thơm đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Không khó để tìm mua một bao "đất sạch" để trồng cây dọc các con đường lớn của TP.HCM, nhiều đại lý cây cảnh, bonsai đều có bán kèm.
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 36 về nuôi cá tra, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, theo phản ảnh của nhiều doanh nghiệp, những quy định tại nghị định này góp phần đưa ngành cá tra phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng xuất khẩu này.
Mô hình hỗ trợ máy chế biến thức ăn đa năng cho các hộ chăn nuôi được Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang triển khai từ năm 2014.