Trồng Chanh Lai Bông Tím Mang Lại Thu Nhập Khá

Chanh lai bông tím là loại cây khá dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, đặc biệt được thị trường ưa chuộng. Chanh lai bông tím được xem là giải pháp tốt giúp bà con nhà vườn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch chổi rồng trên nhãn.
Hiện nay, toàn huyện Châu Thành có khoảng 591,94ha trồng chanh lai bông tím, diện tích này tăng khoảng 40 - 50% so với năm 2013, tập trung nhiều ở các xã: An Nhơn, An Hiệp, Tân Nhuận Đông.
Gia đình ông Lê Văn Thanh ngụ ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành là một trong những hộ chuyển đổi thành công từ nhãn sang trồng chanh lai bông tím tâm sự: “Gia đình tôi có 5 công đất trồng nhãn nhưng thời gian qua cây nhãn bị bệnh chổi rồng tấn công nên tôi quyết định chuyển sang trồng thử chanh lai bông tím. Lúc đầu tôi chỉ trồng vài cây thử nghiệm, sau một thời gian, thấy cây chanh bông tím phát triển tốt, thích hợp với vùng đất địa phương, nên tôi đã nhân rộng mô hình”.
Hiện tại, gia đình ông Thanh trồng trên 900 cây chanh lai bông tím được 3 năm tuổi. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, cây chanh lai bông tím đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Vụ chanh lần này, vườn chanh của gia đình ông Thanh cho năng suất trên 3 tấn/công (2 lần thu hoạch), với giá bán hiện tại từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, có thời điểm 20.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản phí gia đình thu lãi hơn 60 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm trồng chanh lai bông tím của ông Thanh, để chanh phát triển tốt, sau mỗi đợt thu hoạch người trồng nên sử dụng phân kali vào bón gốc, mỗi tháng phải phun thuốc dưỡng lá, khi chuẩn bị ra hoa phun thuốc dưỡng hoa, kết hợp bón cả 2 loại phân vô cơ và hữu cơ để nuôi dưỡng cây xanh tốt quanh năm.
Nhiều người dân trồng chanh lai bông tím nhận định, so với loại chanh núm hay chanh lai giấy thì chanh bông tím cho trái quanh năm, nhưng vẫn có hương vị lẫn độ chua giống như giống chanh truyền thống xưa nay. Chanh bông tím lớn nhanh, chỉ trồng hơn năm thì cây cho trái, năng suất cao hơn các giống chanh khác và tuổi thọ gần chục năm.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phong ngụ ấp An Thuận, xã An Hiệp, huyện Châu Thành là một trong những hộ nông dân thành công trong canh tác chanh lai bông tím. Mới đây, ông Phong vừa thu hoạch dứt điểm 3 công chanh, thu lời gần 40 triệu đồng.
Ông Phong cho biết: “Tôi chọn cây chanh lai bông tím làm cây trồng chủ lực trên 3 công đất của gia đình, đến nay chanh được hơn 2 năm tuổi, thời điểm này là lúc cho thu hoạch với lợi nhuận cao do mùa mưa chanh hút hàng. Có khi phải hái mỗi ngày để bán cho thương lái nhưng vẫn không đủ đáp ứng”.
Với những giá trị kinh tế mà cây chanh mang lại thời gian qua cho thấy, nông dân huyện Châu Thành ngày càng nhạy bén hơn trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cũng như nắm bắt nhanh chóng và vận dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Theo kế hoạch, năm 2014 toàn tỉnh Nam Định phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.567ha các loại; trong đó nuôi nước ngọt 9.408ha tập trung vào các loại cá truyền thống và 6.159ha nuôi mặn lợ chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá bống bớp...

Lên vùng rú cát Quảng Vinh (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) lập trang trại, không biết bao lần ông Lê Đình Cầu khi thử nghiệm các mô hình kinh tế mới. Sau nhiều năm, cuối cùng ông cũng thành công với mô hình nuôi vịt khép kín, với thu nhập mỗi năm lên đến 6 tỷ đồng, trong đó lãi gần 1,5 tỷ đồng.

Việc xây dựng hệ thống thủy lợi riêng cho ngành Thủy sản, ngành có nhiều khả năng sẽ mang về khoảng 7 tỷ USD trong năm nay là một quyết định tuy hơi muộn nhưng chứng tỏ các nhà quản lý đã đánh giá đúng vai trò của thủy sản nuôi trong nền kinh tế.

Việc xen canh dứa gai với cao su không những đem lại thu nhập cao cho nông dân mà còn có tác dụng giúp đất tơi xốp, tăng cường dưỡng chất cho sự phát triển của cây cao su. Với hiệu quả đem lại, xã Ngọc Trung đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng dứa gai xen cao su.

Hơn mười năm qua, Tổ hợp tác (THT) Đầm Chông thuộc làng biển Mỹ Tân (xã Thanh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) luôn bám biển, phát huy nghề truyền thống đánh bắt thuỷ sản bằng lưới đăng hiệu quả, tạo công ăn việc làm và ổn định thu nhập cho hàng chục lao động địa phương.