Hoa Quả Rộ Mùa Nhưng... Lại Rớt Giá
Năm nay, các mặt hàng nông sản, đặc biệt là hoa quả rớt giá rất mạnh, nông dân được mùa nhưng lại thất thu.
ĐỒNG LOẠT RỚT GIÁ
Từ nhiều năm nay, điệp khúc “được mùa mất giá” trong nông nghiệp liên tiếp tái diễn khiến nông dân “hụt hơi” trên mảnh đất của mình. Tháng 5, tháng 6 hàng năm là cao điểm mùa thu hoạch các loại trái cây của các nhà vườn như chôm chôm, thanh long, sầu riêng, mít, măng cụt… Cây trái chín rộ nhưng đồng thời các loại trái cây này cũng giảm giá mạnh, khiến các nhà vườn gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Vườn chôm chôm của gia đình ông Nguyễn Văn Đông, nhà ở xã Láng Lớn (huyện Châu Đức) rộng gần 1ha đang vào mùa thu hoạch.
Ông cho biết: “Mặc dù chôm chôm được mùa, nhưng giá đang rớt mạnh. Hiện chôm chôm thường bán tại vườn chỉ từ 2.000-3.000 đồng/kg, còn chôm chôm giống Thái Lan giá bán 5.000 – 6.000 đồng/kg. Riêng chôm chôm nhãn, loại trái được thị trường ưa chuộng và thường bán được giá cao hiện cũng chỉ còn từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg. Tính ra nhà vườn không có lãi”. Không chỉ chôm chôm, nhiều loại trái cây đặc sản như măng cụt, thanh long ruột đỏ, sầu riêng… cũng giảm từ 5.000 đến 10.000/kg do đang vào mùa thu hoạch.
Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, trái cây thường rớt giá hay giá quá rẻ vào mùa hè (từ tháng 6 đến tháng 8), bởi đây là mùa chính vụ của các loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, thanh long… (phía Nam) và trái vải (phía Bắc). Đây còn là thời điểm trái cây Trung Quốc vào mùa như mận, táo, lê, đào, dưa lưới… tràn vào Việt Nam với số lượng lớn, giá rất rẻ. Vào thời điểm này, thị trường trái cây diễn ra hiện tượng cung vượt cầu, vì vậy, nông dân nên chọn sản xuất trái cây đặc sản, chọn thời điểm cho trái rải vụ thích hợp.
Các loại trái cây như bưởi, cam sành, quýt đường, nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long… hoàn toàn nghịch vụ với các loại trái cây ở miền Bắc và Trung Quốc, có ưu thế làm nghịch vụ, cần được khai thác tối đa lợi thế này để khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”.
KHÔNG NÊN “MẠNH AI NẤY LÀM”
Thực tế cho thấy, hiện nay đa số nông dân vẫn làm ăn theo kiểu mạnh ai nấy làm. Nhiều nông dân thấy loại trái cây nào được giá năm trước liền đổ xô trồng khiến sản lượng tăng đột biến. Trong khi sản xuất còn nhiều vấn đề phải làm thì thị trường và đầu ra cho nông sản hiện nay vẫn còn nan giải.
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung đối với các mặt hàng nông sản chủ lực như: nhãn, mãng cầu ta, tiêu, điều… Đây là điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp thu mua hàng thông qua thương lái chứ chưa đến thẳng với người nông dân. Đây là điều kiện để thương lái “ép giá” nông dân mỗi lần vào mùa vụ thu hoạch chính, nhất là đối với các sản phẩm trái cây.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chi Cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình quy hoạch chung và riêng cho từng huyện, nhằm từng bước hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ hàng hóa nông sản. Ngành nông nghiệp cũng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản, bảo đảm uy tín chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Vấn đề còn lại là người nông dân cần chú trọng nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản về chất lượng, số lượng và phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm xây dựng được thương hiệu để nâng cao giá trị của sản phẩm do mình làm ra. Đồng thời khuyến khích nông dân thay đổi tư duy, liên kết với nhau tạo thành những tổ sản xuất, HTX.
Ông Nguyễn Tông Hạ, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) cho biết: “Việc người nông dân liên kết, hợp tác với nhau mang lại nhiều lợi thế như: tăng quy mô sản xuất, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, khả năng thương lượng, áp đặt giá cho người mua, tăng khả năng ký kết được các hợp đồng lớn... Ngoài ra, việc liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp cần được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ hơn, có thông tin cụ thể hơn đến với nhà nông. Đây là những điều kiện giúp nông dân yên tâm sản xuất, không lâm vào cảnh chặt rồi trồng, loay hoay tìm kiếm sản phẩm cho mảnh đất của mình”.
Có thể bạn quan tâm
Tưới phun sương cho vườn rau là kỹ thuật mà gia đình bà Nguyễn Thị Quyên (thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ - Gia Lai) đang áp dụng cho vườn rau của mình. Sau 6 tháng sử dụng, hệ thống này đã đem lại hiệu quả cao, đáng để các nhà nông học theo.
Phong trào nuôi ba ba đã xuất hiện ở xã Vị Bình (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đang lan rộng. Ông Đinh Chí Tính – cán bộ khuyến nông xã Vị Bình cho biết: “Hiện toàn xã có 19 hộ nuôi ba ba, trong đó tập trung ở ấp 9a1 (12 hộ) và ấp 4.
Ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Trong vụ Hè Thu năm nay, được sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức SNV (Hà Lan), Chi cục đã phối hợp với một số địa phương trong tỉnh triển khai sản xuất 7 mô hình thâm canh lúa cải tiến chống biến đổi khí hậu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất (gọi tắt là phương pháp SRI) với diện tích 507 ha.
Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, đặc biệt các tỉnh phía Nam, là giải pháp giúp loại trái cây nổi tiếng này có đầu ra ổn định lâu dài, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Chưa hết “bàng hoàng” vì Ethoxyquin (ETQ), doanh nghiệp XK tôm sang Nhật Bản tiếp tục phải đối mặt với quyết định kiểm 100% Oxytetracycline (OTC). XK tôm sang thị trường này chưa kịp phục hồi đã lại giảm mạnh.